Ngăn chặn các vụ TNGT thảm khốc: Phải coi việc siết chặt quản lý vận tải là nhiệm vụ cấp bách
- Sau vụ tai nạn thảm khốc xe đón dâu: Quảng Nam tìm giải pháp xóa "điểm đen" giao thông
- (BÀNG HOÀNG) 13 người đi đón dâu tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc tại Quảng Nam40
- Khởi tố hình sự vụ xe khách lao xuống vực làm 4 người chết ở Cao Bằng
Điều này làm một lần nữa “rung” lên những hồi chuông báo động về ý thức, về trách nhiệm của những người cầm vô lăng, nhà quản lý và đơn vị kinh doanh vận tải…
Ngày 4-8, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này.
PV: Thưa ông, gần đây, một số vụ tai nạn xảy ra đã để lại hậu quả đau lòng vì lái xe đường dài có dấu hiệu làm việc quá sức. Là người nhiều năm tham gia vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, và cũng là người từng chủ động đưa ra nhiều giải pháp để kéo giảm tai nạn, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Ông Khuất Việt Hùng: Tôi đồng ý rằng một số vụ tai nạn xảy ra có dấu hiệu từ việc lái xe đường dài ngủ gật do làm việc quá sức. Đây rõ ràng là vấn đề lớn. Song thực tế không thật nhiều những vụ như vậy. Vụ ở Quảng Ngãi còn có nguyên nhân khác là do xe đó chạy trái quy định pháp luật, không có thiết bị giám sát hành trình, không có gì cả, tương tự như vụ Cao Bằng cũng vậy. Người ta đã trốn, giống như kẻ trộm, không thể yêu cầu họ bao giờ đi ăn trộm thì báo cơ quan Công an được.
PV: Vâng, đây cũng là vấn đề chúng tôi muốn đề cập đến. Với các xe tuân thủ quy định đã khó quản lý. Vậy với những xe không tuân thủ thì chúng ta phải làm thế nào? Mà thực tế, không ít các xe như thế đã gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng, hậu quả rất thương tâm.
Ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. |
Ông Khuất Việt Hùng: Xe không tuân thủ quy định thì chỉ có tuần tra, kiểm soát, phát hiện vi phạm, không có cách nào khác cả. Chúng ta hình dung thế này, khi đưa ra quy định kiểu gì cũng có người vi phạm, nhiều hay ít thôi. Cố tình vi phạm có 2 trạng thái là người ta phát hiện ra kẽ hở nhưng cố tình vi phạm mà mình không làm gì được người ta. Thứ hai là, người ta ngang nhiên vi phạm quy định của pháp luật, và trường hợp vừa rồi (13người thiệt mạng ở Quảng Nam) là ngang nhiên vi phạm, và cơ quan bảo vệ pháp luật phải nghiêm trị thôi.
PV: Với quy định hiện nay, việc người dân ngang nhiên vi phạm liệu có phải do còn nhiều kẽ hở?
Ông Khuất Việt Hùng: Ở đây không có kẽ hở mà chỉ có người dân ngang nhiên vi phạm. Quy định là kinh doanh vận tải phải có giấy phép, phải có phù hiệu, lái xe phải không quá 4 tiếng liên tục, không quá 10 tiếng 1 ngày... Quy định đã có đầy đủ, nhưng người ta không thực hiện là cố tình vi phạm. Giống như trên đường biển báo ghi rõ chạy 50km/h, nhưng nhiều người cứ chạy tới 60km/h, như vậy là cố tình chứ. Việc vi phạm đấy được ví như “kẻ trộm”.
Nếu đấy là “kẻ trộm” thì phải có người bắt trộm, đó là lực lực tuần tra, kiểm soát trên đường là Cảnh sát giao thông. Thấy xe có dấu hiệu chạy quá nhanh thì bắn tốc độ, kiểm tra xác suất để xem xe có đủ điều kiện kinh doanh, có đủ an toàn hay không, từ bảo hiểm đến phù hiệu đến giấy phép kinh doanh.
Nhưng tuần tra, kiểm soát cũng là lúc họ đã có hành vi vi phạm. Anh có một chiếc xe, nếu anh chỉ để trong nhà thì làm sao xử lý được anh. Do đó, để ngăn chặn ngay từ khi vi phạm chưa xảy ra thì theo tôi phải tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để người ta không vi phạm. Tuyên truyền để người lái xe, chủ xe không vi phạm; thứ hai là tuyên truyền để người đi xe không tạo điều kiện cho người ta vi phạm.
PV: Nếu nhìn ở góc độ quản lý Nhà nước trong trường hợp để xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn, thì trách nhiệm của lực lượng chức năng ở đâu, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Nhìn từ góc độ quản lý Nhà nước, vấn đề lớn nhất là hiệu lực của công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện vi phạm và công tác thanh tra kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn. Lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện trên địa bàn có một số phương tiện kinh doanh vận tải nhưng không đăng ký thì vận động người ta, báo cơ quan chức năng để xe chạy ra đường là phạt. Nếu làm được việc đó, đã tuần tra, kiểm soát có hiệu quả.
Hiệu quả giờ chưa cao, còn để xảy ra vi phạm như xe gây tai nạn ở Quảng Nam, là xe trước đây đã kinh doanh vận tải, nhưng từ tháng 10-2016 khi chủ xe cũ thanh lý thì ông Cường (chủ mới) mua về, trả lại phù hiệu cho hợp tác xã mang về quê kinh doanh nhưng không có giấy tờ gì, không có quy định nào cả.
PV: Chúng ta từng kỳ vọng vào việc gắn thiết bị giám sát hành trình để ngăn ngừa xe chạy quá tốc độ hay lái xe chạy quá thời gian quy định, với những xe được đăng ký với Sở GTVT. Song không ít vụ tai nạn xảy ra người ta có quyền đặt nghi vấn về việc thiết bị đó liệu có phát huy hết hiệu quả?
Ông Khuất Việt Hùng: Đối với các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, nhưng rất nhiều trường hợp thiết bị giám sát hành trình chỉ là để đối phó với cơ quan chức năng mà thôi. Vì đây là thiết bị theo dõi hành trình, để quản lý vận tải, chứ không phải “súng bắn tốc độ” như của CSGT. Hàng tháng, Tổng cục Đường bộ sẽ tổng hợp vi phạm, gửi về cho sở GTVT các địa phương, sau đó sẽ căn cứ vào đó để xử phạt doanh nghiệp, ví dụ tước phù hiệu, đình chỉ kinh doanh.
Cũng giống như việc bắn tốc độ của CSGT trên đường, không phải lúc nào CSGT cũng có thể kiểm soát tốc độ của tất cả các xe hoạt động. Họ chỉ có thể giám sát nếu dừng chân tại một trạm nào đó. Với thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe, khi nào xe chạy quá tốc độ, thiết bị đó đều kêu, lái xe biết, hành khách biết. Nếu là hành khách có trách nhiệm thì nên nhắc nhở, phản ánh với lái xe hoặc phản ánh thông tin đến đường dây nóng.
PV: Thiết bị giám sát hành trình hàng giờ vẫn báo về hệ thống của Tổng cục Đường bộ. Song thực tế cơ quan quản lý này liệu có giám sát được hết các vi phạm của hàng trăm, hàng nghìn xe chạy mỗi ngày?
Ông Khuất Việt Hùng: Một số sở kết nối với hệ thống của Tổng cục Đường bộ có thể có dữ liệu đấy, còn không thì hàng tháng có số liệu từ Tổng cục Đường bộ để xử lý. Về phía doanh nghiệp, không ít đơn vị vô trách nhiệm vì quy định dữ liệu của giám sát hành trình không chỉ gửi về Tổng cục Đường bộ mà phải gửi cả về doanh nghiệp và doanh nghiệp phải có bộ phận giám sát an toàn giao thông để giám sát thiết bị giám sát hành trình 24/7 để phát hiện và xử lý vi phạm, nhưng doanh nghiệp không làm, họ khoán trắng cho lái xe, mỗi tháng nộp bao nhiêu tiền còn muốn làm gì thì làm.
Nếu thiết bị giám sát hành trình không có tác dụng cảnh báo (thực chất nó cảnh báo ngay cho lái xe). Chúng ta có thể lập ra một cơ quan ngồi “rình” để cảnh báo, nhưng thông thường hệ thống cảnh báo đã thông báo cho lái xe bằng tín hiệu, cảnh báo cho chủ phương tiện bằng tín hiệu là lái xe của ông đang vi phạm, thì 2 đối tượng đó phải có trách nhiệm thay đổi; cảnh báo của Tổng cục Đường bộ cũng chỉ tương tự như vậy. Đây là 2 cơ chế thông báo, các nước trên thế giới đều áp dụng.
Còn cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tiếp nhận một số thông tin và người ta sử dụng nó để bảo vệ pháp luật, xử lý vi phạm, đương nhiên có thể cảnh báo, nhưng cảnh báo của Tổng cục Đường bộ thì cũng chỉ “tít tít” thôi.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Theo thống kê từ Ủy ban ATGTquốc gia, trong 7 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 10.350 vụ TNGT, làm chết 4.716 người, bị thương 8.106 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 219 vụ, giảm 3,9%, số người chết giảm 45 người, tăng 58 người bị thương. Riêng tháng 7-2018, toàn quốc xảy ra 1.351 vụ, làm chết 613 người và làm bị thương 1.079 người. |