Hà Nội cấm xe máy, hạn chế ô tô vào nội thành từ năm 2030

Thứ Ba, 04/07/2017, 17:06
Ngày 4/7, ngày làm việc thứ 2, kỳ họp kỳ họp thứ tư, HĐND TP Hà Nội khoá XV với trên 91% đại biểu nhất trí, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý giao thông phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”. Theo đó, Hà Nội sẽ cấm xe máy, hạn chế ôtô vào nội thành từ năm 2030.


“Giao thông ở Hà Nội như một bát cơm ba người ăn”

Đây là một trong những nội dung quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt của nhân dân thời gian qua. Thảo luận trước khi biểu quyết thông qua Đề án, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín) cho rằng, từ nay đến năm 2030 còn 13 năm nữa, Hà Nội sẽ làm được rất nhiều việc theo đề án nêu ra, khi đó cơ sở hạ tầng giao thông vận tải sẽ phát triển, sẽ có thêm nhiều công trình, nhiều tuyến đường hay các tuyến đường sắt đô thị. 

“Nếu thực hiện được đề án quản lý phương tiện cá nhân, kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội sẽ phát triển, có nhiều tuyến đường sắt hay tuyến BRT và nếu vị trí nào cũng đảm bảo dân được tiếp cận các ga đường sắt, thì đa số người dân sẽ chọn phương thức vận tải hành khách công cộng, không cần thiết phải đi xe máy. Khi ấy, đi làm hay tan công sở, người dân sẽ đi bộ, tập thể dục và đây là thói quen tốt. Hà Nội sẽ có cảnh vừa đi tàu điện ngầm vừa đọc sách, giao tiếp văn minh trên các phương tiện giao thông công cộng", ông Minh nêu viễn cảnh. 

Một đại biểu khác nêu ý kiến, Đề án đã có sự chuẩn bị tốt. 6 nhóm giải pháp và 45 biện pháp mà Đề án đưa ra là phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô hiện nay. Nếu chậm trễ thực hiện, suy nghĩ quá lâu thì ngoài kia, đường phố Thủ đô sẽ thành bãi xe di động.

Đa số các quan điểm đều tán thành với nội dung của Đề án. Đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) cho rằng việc giải quyết tắc nghẽn giao thông cần có giải pháp cứng và mềm, điều chỉnh giờ học, giờ làm cũng hết sức cần thiết nhưng chỉ là giải pháp trước mắt.. Đối với lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy, TP cần có giải pháp từ nay như xây dựng hệ thống phương tiện công cộng để tạo người dân có thói quen. 

“Tôi thấy giao thông ở Hà Nội như một bát cơm ba người ăn, vì vậy phải xây dựng đô thị vệ tinh thông minh quanh Hà Nội. Trong dân rất nhiều tiền, doanh nghiệp rất nhiều tiền, chúng ta cần kêu gọi ủng hộ từ nguồn này. Các đô thị vệ tinh quanh Hà Nội lâu nay khoảng cách quá xa nội đô”, đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) nhận xét.

Tàu trên cao và tàu điện ngầm sẽ là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân sau năm 2030

80% người dân tiếp cận điểm dừng phương tiện công cộng dưới 500m

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định tại phiên thảo luận, cho biết đến năm 2030, Hà Nội sẽ đảm bảo việc kết nối giao thông thuận tiện. Theo ông Viện, Hà Nội phấn đấu ở khu vực nội đô, 80% người dân khi dừng xe máy có thể tiếp cận các điểm tiện dừng phương tiện công cộng với quãng đường dưới 500 m (hiện nay là 40%). 20% còn lại, người dân có thể phải đi bộ dài hơn, hoặc đi bằng xe đạp, nhưng không quá 1 km. 

Theo Đề án, TP sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn TP; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng. 

Hà Nội cũng sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh. Ngoài ra, để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020. 

Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab...), thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng. Hà Nội cũng sẽ rà soát, nghiên cứu đưa ra số lượng ôtô điện hoạt động theo khu vực trên địa bàn toàn thành phố, phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông. 

Nghị quyết cũng nêu chủ sở hữu ôtô phải mở tài khoản điện tử, lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm.

 Đề án sẽ được thực hiện theo lộ trình ba giai đoạn: Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải; Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng; Giai đoạn 2017-2030: Triển khai đồng thời, đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng, kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng TOD (thiết kế theo định hướng giao thông), bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối... 

Ngọc Yến
.
.
.