Hà Nội “xin” vay vốn ưu đãi làm 2 tuyến đường sắt đô thị

Thứ Bảy, 13/05/2017, 09:09
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề xuất vay vốn ODA từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Nhật Bản để làm tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình.

Về quy mô đầu tư, đối với tuyến đường sắt số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài khoảng 8km, có 7 ga, đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Điểm đầu tại Quảng trường 1-5 trên đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối trên phố Tam Trinh tại nút giao với cầu cạn Pháp Vân (phường Yên Sở, Hoàng Mai). Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 1,225 tỷ USD (tương đương khoảng hơn 27.600 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay nước ngoài là 1,075 tỷ USD, dự kiến vay của ADB và các nhà tài trợ khác, còn lại là vốn đối ứng trong nước để chi giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Phối cảnh nhà ga C1 tuyến đường sắt đô thị số 2.

Thời gian thực hiện dự kiến từ 2020-2025. Theo UBND TP Hà Nội, hiện ADB là nhà đồng tài trợ cho dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Tại các buổi làm việc với cơ quan chức năng của Việt Nam, phí ADB bày tỏ quan tâm tiếp tục tài trợ xây dựng tuyến số 3 kéo dài từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai.

Đối với tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình có chiều dài khoảng 5,9km, có 6 ga (toàn bộ là đi ngầm), qua các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân. Điểm đầu trên phố Huế, trước ngã tư giao với đường Nguyễn Du - Lê Văn Hưu, điểm cuối tại Thượng Đình ở vị trí nút giao giữa Nguyễn Trãi với đường vành đai 2,5. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 177,260 tỷ Yên (tương đương khoảng 34.743 tỷ đồng). Dự kiến, tuyến này sẽ vay 146 tỷ Yên vốn ODA của Nhật Bản, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ 2020-2025.

 Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết,  trong quá trình nghiên cứu thực hiện xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long - Thượng Đình, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã làm việc với phía Nhật Bản đề nghị tài trợ vốn để thực hiện xây dựng toàn tuyến, phía Nhật Bản đã có các cam kết để thực hiện toàn tuyến này. Vì vậy, việc tiếp tục sử dụng vốn ODA Nhật Bản để làm tuyến đường sắt số thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình là phù hợp.

Vì những lý do trên, UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất sử dụng vốn ODA của Nhật Bản và ADB đối với 2 dự án nói trên để Hà Nội có cơ sở thực hiện thủ tục trình phê duyệt lại chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và triển khai các bước tiếp theo của dự án theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng quản lý nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Ngọc Yến
.
.
.