Hiểm họa từ các điểm vận tải khách biến tướng giữa lòng thành phố

Kỳ 1: Thờ ơ trong hậu kiểm

Thứ Ba, 08/11/2016, 08:16
Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ GTVT đều đặt trách nhiệm chính trong xử lý tình trạng xe khách chạy tuyến cố định trá hình dưới hình thức xe hợp đồng, xe open tour; bến xe núp bóng bãi đậu xe, trụ sở doanh nghiệp (DN) trên địa bàn quản lý thuộc về UBND các cấp. UBND TP Hồ Chí Minh từng có chỉ thị phân công trách nhiệm cho cấp quận, huyện nơi DN đặt trụ sở phải tổ chức quản lý. Thực tế, các loại xe khách trá hình tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua vẫn ngang nhiên lộng hành.  

Trách nhiệm đã được giao cụ thể, rõ ràng như vậy, nhưng nhiều người vẫn quen nghĩ, hễ thấy xảy ra tai nạn giao thông là nghĩ ngay đến trách nhiệm của CSGT; còn để xảy ra tình trạng xe biến tướng, bến xe trá hình lộng hành thì chỉ “đổ thừa” cho một mình “ông” Thanh tra GTVT, còn các cấp, các ngành khác thì gần như vô can.

Điển hình nhất, cách nay chưa lâu, một Phó Chủ tịch UBND của quận Bình Thạnh phụ trách lĩnh vực này vẫn chưa nắm rõ phần trách nhiệm của mình nên trong văn bản gửi Thanh tra Sở GTVT, vị này vẫn cho rằng trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN bãi trông giữ xe biến tướng thành “bến” xe khách ở số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh trên địa bàn quận thuộc về Thanh tra GTVT.

Vị lãnh đạo quận này còn đề nghị Thanh tra GTVT chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý với những trường hợp này để đảm bảo ATGT… Chỉ đến khi UBND thành phố chỉ đạo phải xử lý dứt điểm và việc dẹp các bến xe khách trá hình trên thuộc trách nhiệm của quận Bình Thạnh, quận này mới triển khai huy động lực lượng vào cuộc.  

Kiểm tra điều kiện hoạt động của xe khách.  (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Kết quả kiểm tra tại các địa điểm có hoạt động kinh doanh vận tải khách ngoài các bến xe khách liên tỉnh tại TP Hồ Chí Minh được Thanh tra Sở GTVT công bố vào ngày 20-10 vừa qua cho thấy: Trên địa bàn 11 quận nội thành hiện vẫn còn đến 85 địa điểm kinh doanh vận tải thực hiện hoạt động đón trả khách. Điều khiến dư luận hết sức lo ngại là hầu hết các điểm đón trả khách này đều không đảm bảo ATGT, chưa kể vấn đề an toàn PCCC, ô nhiễm môi trường và ANTT.

Nếu như trước đây, hành vi đón trả khách ngoài bến bị coi là xe “dù”, bến “cóc” và bị cấm, thì hiện nay việc này đã được các DN vận tải, nhà xe biến tướng, trá hình, núp bóng dưới nhiều hình thức như xe hợp đồng, opentour… để hoạt động một cách công khai.

Cụ thể, trong số các địa điểm được Thanh tra GTVT kiểm tra nêu trên, có tới 22 điểm thực hiện đón trả khách trong khuôn viên trụ sở, văn phòng hoặc chi nhánh DN vận tải, hãng xe; 63 điểm nhà xe thực hiện đón trả khách trước trụ sở, văn phòng, chi nhánh DN của mình.

Kiểm tra tại các địa điểm có hoạt động kinh doanh vận tải khách trên, Thanh tra GTVT còn phát hiện, trong 22 điểm đón trả khách ngay tại khuôn viên trụ sở, văn phòng hoặc chi nhánh của DN vận tải, nhà xe cũng đã có 15 điểm ngang nhiên hoạt động trên các tuyến đường có báo cấm các loại (cấm dừng đỗ; cấm dừng cấm đỗ xe khách; cấm dừng cấm đỗ theo giờ; cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; biển cấm đỗ xe…). Tại 63 địa điểm có hoạt động đón trả khách trước cửa trụ sở, văn phòng, chi nhánh của các nhà xe, cũng đã có đến 57 điểm đã được cắm các loại biển báo trên.

Được cấp phép hoạt động khá dễ dàng, nhà xe, DN vận tải đua nhau vào mở “bến” trong khu vực nội thành. Để khuyến khích DN vận tải hoạt động và tạo thuận lợi cho hành khách, lâu nay quy định quản lý vận tải khách liên tỉnh đã cho phép nhà xe được dùng loại xe từ 16 chỗ trở xuống để trung chuyển khách từ trụ sở ra bến xe.

Nhưng việc kiểm tra, giám sát sau đó của chính quyền và lực lượng có trách nhiệm các phường, quận đã hầu như bị bỏ ngỏ. Các nhà xe, DN vận tải cứ thoải mái lên khách tại trụ sở, chạy thẳng tuyến theo cố định chứ không chấp hành quy định phải trung chuyển khách về bến mới được lên tài. Thực tế này đúng như nhận xét của lãnh đạo Vụ Vận tải - Bộ GTVT đưa ra trong một hội thảo về xe trá hình, biến tướng tổ chức tại TP Hồ Chí Minh gần đây: Về mặt quản lý kinh doanh vận tải, thành phố là địa bàn phức tạp, trong đó tình trạng điểm lên, xuống khách của các nhà xe trá hình vẫn nhan nhản ở khu vực nội thành.

Tình trạng này diễn ra thường xuyên với cách thức hoạt động giống nhau. Các cơ quan kiểm tra, kiểm soát của thành phố như lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT thường xuyên có những đợt cao điểm xử lý vi phạm. Tuy nhiên hiện tượng xe trá hình, bến xe biến tướng ngày càng tinh vi, xử lý vi phạm xong vẫn tái diễn, trở thành vấn nạn nhức nhối.

Nhưng việc cấm cứ cấm, các nhà xe thì cứ việc ngang nhiên hoạt động, chẳng thèm đến xỉa đến việc chấp hành. Thế nhưng khi hầu hết các trụ sở, chi nhánh, văn phòng của những DN vận tải này đều được Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác cấp phép hoạt động. Tình trạng DN vận tải công khai vi phạm một cách tràn lan, trắng trợn như vậy suốt thời gian qua cũng lại chẳng có DN nào bị xem xét việc rút giấy phép kinh doanh.
Bảo Sơn
.
.
.