Đề xuất biện pháp thiết lập trật tự an toàn, an ninh trong hoạt động vận tải khách

Thứ Bảy, 04/06/2016, 08:51
Lái phụ xe của các nhà xe đe dọa, sử dụng vũ lực để tranh giành khách. Thậm chí, các nhà xe còn tranh giành giờ đón khách, xuất bến của nhau ngay trong bến xe… là những tình trạng đã và đang diễn biến phức tạp trong lĩnh vực vận tải khách trên tuyến QL5 và tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Tại Hội nghị tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến QL5 và tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Bộ Công an, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã thống nhất đánh giá nguyên nhân chính của tình trạng trên là do số lượng xe khách được cấp phép tham gia kinh doanh vận tải tuyến cố định Hà Nội-Hải Phòng nhiều, tới 13 doanh nghiệp tham gia khai thác với 259 xe, hoạt động với tần suất khoảng 386 chuyến xe/ngày. 

Trong khi những năm gần đây, số lượng khách trên tuyến ổn định, không tăng. Qua đánh giá thực tế sử dụng của các nhà xe không quá 50% số ghế, dẫn tới tình trạng cung vượt quá cầu...

Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và ổn định hoạt động kinh doanh vận tải khách, tạo sự yên tâm, an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi lưu thông trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có đề xuất gửi lên Thủ tướng Chính phủ. 

Cụ thể, văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT dựa trên tình hình, hiệu quả thực tế trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải khách để điều chỉnh tần xuất xe hoạt động cho phù hợp. Tổ chức đánh giá thực trạng và đưa ra quy hoạch chi tiết về công tác vận tải khách và hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng. 

Trước khi có đánh giá tổng thể, chỉ đạo tạm dừng việc cấp phép cho các phương tiện đăng ký mới  hoặc bổ sung trên các tuyến vận tải khách liên tỉnh từ các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội đến các bến xe trên địa bàn thành phố Hải Phòng và ngược lại. 

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cần ra soát lại các tuyến, biểu đồ hoạt động của các công ty vận tải khách để khắc phục, điều chỉnh phù hợp, tránh trùng lặp về thời gian và tuyến đường hoạt động trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng.

Văn bản do Thứ trưởng Lê Quý Vương đề xuất cũng nhấn mạnh, bên cạnh Bộ GTVT thì Bộ Công an sẽ có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương trên tuyến QL5 và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng  thực hiện đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ; chủ động phòng ngừa, rà soát, lên danh sách các đối tượng hình sự hoạt động trên tuyến; kịp thời phát hiện các băng nhóm có dấu hiệu “bảo kê” những đối tượng có hành vi đe dọa, cố ý gây thương tích cho các lái, phụ xe, gây rối trật tự công cộng để có biện pháp xử lý; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý đối với lái xe, chủ xe vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn, ùn tắc giao thông. Đồng thời sẽ mở đợt cao điểm và tấn công trấn áp tội phạm hình sự tại các bến xe và dọc theo tuyến QL5 và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng… 

Cùng đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương cũng phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định, pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải  bằng xe ôtô khách; nghiên cứu lắp đặt hệ thống giám sát tại các bến xe và một số điểm trọng điểm trên tuyến để làm căn cứ phát hiện, xử lý các xe vi phạm, nhất là xe “dù”, xe chạy vượt tuyến, xe chạy sai hành trình, đón trả khách sai quy định và các hành vi vi phạm pháp luật khác…

Phạm Huyền
.
.
.