Kiểm soát dịch COVID-19 trong vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn

Thứ Ba, 11/08/2020, 06:53
Nếu như vận tải hàng không, đường sắt đều dễ kiểm soát hành khách mỗi khi chuyến bay hay chuyến tàu khởi hành thì vận tải hành khách đường bộ rất phức tạp với số lượng người đi lại đông nhất, lộ trình rộng khắp, ẩn chứa nhiều rủi ro trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường hiện nay.

Xe dù bắt khách dọc đường: Nguy cơ lây lan cao nhất

Bộ Y tế mới đây đã ban hành Thông báo khẩn số 27 tìm những hành khách đi xe Ngọc Sáng từ Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) vào TP Hồ Chí Minh xuất phát lúc 9h ngày 5/8 vì trên xe có hành khách nghi dương tính với COVID-19. 

Trước đó, cũng tại bến xe này, một hành khách đi xe của nhà xe Kim Chi về Hà Nam cũng đã bị dương tính với COVID-19. Điều đáng nói, khách khai đi xe Kim Chi từ bến Nước Ngầm, song khi bến xe trích xuất ra thì không hề có tên trong danh sách nhà xe gửi tới bến xe. 

Nhìn vào thực tế này có thể thấy, một “lỗ hổng” khá lớn với nguy cơ lây lan COVID-19 cao từ phương tiện vận tải khách đường dài.  Bởi khác với sân bay, nhà ga, các bến xe tập trung đông đúc người dân, hành khách hơn rất nhiều. Ngoài ra, còn có cả một hệ thống dịch vụ ăn theo như xe ôm, taxi, hàng quán, người bán hàng rong… tại các bến xe, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn. 

Khách trên xe ôtô liên tỉnh có thể lên xuống tại rất nhiều điểm dọc theo lộ trình; việc khai báo tên tuổi, địa chỉ lại chỉ được thực hiện tại các bến xe. Do đó sẽ có một lượng không nhỏ hành khách bị bỏ sót, nếu phát sinh tình huống lây lan, việc truy tìm F0, F1 là vô cùng phức tạp. 

Người dân nên tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 khi đi phương tiện xe khách.

Cùng chung quan điểm này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Nguyễn Anh Bằng chia sẻ, một trong những cái đáng lo nhất là xe khách trá hình, núp bóng xe hợp đồng để vận chuyển khách liên tỉnh. Các xe này không đến bến, cơ quan quản lý không thể kiểm soát công tác phòng dịch của những nhà xe này. Trong khi xe đi vào mọi ngóc ngách của các tỉnh, thành, có nguy cơ cao đe dọa nỗ lực chống dịch của cả nước nói chung cũng như Hà Nội nói riêng. Ngoài ra còn xe dù, bến cóc. Đội ngũ này lại càng ít được giám sát, hiệu quả ngăn ngừa lây lan dịch bệnh chắc chắn là thấp nhất trong các loại hình vận tải hành khách đường bộ.

Tương tự, khi được hỏi vấn đề phòng chống dịch ở vận tải ôtô khách, một số chuyên gia giao thông, y tế cũng thừa nhận rằng, chưa thể thực sự yên tâm với các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh COVID-19 trong lĩnh vực vận tải đường bộ hiện nay. 

Việc khai báo tên tuổi, địa chỉ, đo thân nhiệt, sử dụng khẩu trang, nước sát khuẩn… tại các bến xe, trên xe khách liên tỉnh hay xe buýt có thể thực hiện được nhưng không thể đem lại hiệu quả cao. Nhiều nhà xe vẫn bắt khách dọc đường, hoặc lái, phụ xe lơ là với công tác phòng dịch, chỉ cần để lọt một trường hợp mắc bệnh thôi, có thể khiến hàng nghìn người phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm. 

Mặt khác, hiện nay việc phun khử khuẩn hằng ngày mới chỉ được thực hiện trên các xe buýt và bến xe của Hà Nội. Còn xe khách liên tỉnh, xe ôm, taxi lại chưa được triển khai công tác này.

Nên lập hàng rào y tế

Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập cho rằng, tại mỗi bến xe khách nên có tối thiểu một tổ công tác của ngành Y tế, có chuyên môn sâu, vừa để phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm, vừa để ứng phó kịp thời với những tình huống khẩn cấp. 

“Bến chúng tôi đã chuẩn bị sẵn phòng cách ly. Việc đo thân nhiệt, thu thập thông tin, nhắc nhở hành khách sát khuẩn tay, đeo khẩu trang cũng được thực hiện rất nghiêm túc” - ông Lập cho hay. 

Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm nêu trên và cho rằng, Hà Nội nên lập một hàng rào y tế tại các điểm đầu mối vận chuyển hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách đường bộ. Bên cạnh đó, việc ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 cũng phải được quan tâm đúng mức tại các văn phòng xe du lịch, xe hợp đồng nhỏ lẻ. 

Trước hết doanh nghiệp, các lái xe cần chủ động đo thân nhiệt, nhắc nhở hành khách rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang… để tự bảo vệ chính mình và cộng đồng. Mặt khác, công tác khử khuẩn hằng ngày nên được tiến hành đều khắp trên taxi, xe khách…, chứ không chỉ riêng xe buýt. 

Các doanh nghiệp vận tải cần trang bị, tập huấn những thông tin cơ bản, kỹ năng nhận biết, ứng phó với dịch bệnh cho người lao động; liên tục kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng dịch. 

Tại các bến xe, cần dứt khoát “thu hẹp” cổng cửa, chỉ cho hành khách ra vào; lái phụ xe hoạt động ở khu vực riêng; không cho phép tài xế xe ôm, taxi, người đưa đón… ra vào bến. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả kiểm soát, thu thập đầy đủ, chính xác thông tin của người dân khi có nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách đường bộ, làm cơ sở truy vết dịch bệnh nếu không may phát sinh lây nhiễm từ các bến xe khách liên tỉnh.

Đường sắt nới lỏng quy định đổi, trả vé tàu giữa tâm dịch

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội sẽ bổ sung một số quy định về đổi, trả vé tàu trong thời gian phải tạm dừng chạy do ảnh hưởng dịch COVID-19. 

Cụ thể, đối với các đoàn tàu đã tạm dừng chạy, hành khách được miễn phí đổi, trả vé tàu. Thời gian đổi, trả vé: Trước giờ tàu chạy. Đối với vé khứ hồi có một chiều vẫn tổ chức chạy tàu, hành khách được miễn phí đổi, trả vé cả 2 chiều. 

Thời gian đổi trả vé: Đối với chiều tàu dừng chạy, hành khách trả vé trước giờ tàu chạy; đối với chiều vẫn tổ chức chạy tàu, hành khách không đi tàu thì trả vé theo quy định hiện hành là trước giờ tàu chạy ít nhất 4 giờ với tàu Thống Nhất và 30 phút đối với tàu địa phương. 

Trong khi đó, quy định về đổi, trả vé tàu trong điều kiện bình thường, hành khách mua vé cá nhân phải đổi, trả vé trước giờ tàu chạy ít nhất 4 giờ; phí đổi, trả vé: từ 10-30% giá vé tùy loại vé, thời điểm chạy tàu… 

Trước đó, ngành Đường sắt liên tục thông báo tạm dừng chạy hàng chục mác tàu trên các tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu khách đi tàu giảm mạnh. Hiện trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hàng ngày chỉ còn 4 đôi tàu khách Thống Nhất chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại gồm: SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6 và SE7/SE8. Một số tuyến địa phương cũng giảm tần suất chạy tàu.

Hàng không giải tỏa hơn 700 người mắc kẹt tại Đà Nẵng

Chiều muộn ngày 10/8, Vietnam Airlines  cho biết hãng dự kiến sẽ thực hiện 3 chuyến bay trong các ngày 12, 13/8, chở hơn 700 du khách bị mắc kẹt tại Đà Nẵng trở về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

Các chuyến bay được các cơ quan chức năng phối hợp cùng Vietnam Airlines tổ chức thực hiện, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hành khách chủ yếu là khách du lịch bị kẹt tại Đà Nẵng do thành phố thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có nhiều trẻ em. Các hành khách, phi hành đoàn sau khi trở về phải thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly y tế tại địa phương theo quy định. 

Dự kiến tổng cộng có 2 chuyến bay ngày 12-8 chở hơn 400 người trở về Hà Nội, 1 chuyến bay ngày 13-8 chở hơn 300 người trở về TP Hồ Chí Minh. Chuyến bay về TP Hồ Chí Minh được Vietnam Airlines sử dụng máy bay thân rộng Airbus A350, một trong những dòng máy bay lớn nhất, hiện đại nhất của hãng hiện nay. (Đặng Nhật)

Đ.Nhật - PHuyền
.
.
.