Điểm mới trong quản lý vận tải đường bộ: Chống xe dù, bến cóc

Thứ Sáu, 05/06/2020, 08:00
Bộ GTVT vừa chính thức ban hành Thông tư 12/2020 thay thế Thông tư 63/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2020.


Thông tư nêu rõ: Điểm dừng đón, trả khách (bao gồm cả điểm dừng xe buýt) là nơi dừng xe trên đường bộ dành cho xe ôtô hoạt động theo tuyến cố định dừng để hành khách lên, xuống xe trên hành trình chạy xe. Quy định này sẽ ngăn việc dừng đỗ xe bừa bãi cũng như việc hình thành bến cóc. 

Đáng chú ý, Thông tư cũng giải thích định nghĩa về kinh doanh vận tải trong Nghị định 10/2020 với các nội dung về trực tiếp điều hành lái xe, quyết định giá cước, giải quyết tranh cãi bấy lâu nay các hãng cung cấp ứng dụng gọi xe chỉ coi mình đơn thuần là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối. 

Dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Cụ thể, thông tư định nghĩa rõ việc giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để tiếp nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng, lựa chọn phương tiện, lái xe phù hợp, chuyển thông tin về yêu cầu vận chuyển cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển. 

Còn việc quyết định giá cước vận tải là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thỏa thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển. 

Thông tư 12 cũng quy định: Xe hợp đồng phải được niêm yết thông tin như tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với chiều dài là 20cm, chiều rộng là 20cm ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe. 

Đáng chú ý để xác định điểm đầu điểm cuối theo bản chất của xe hợp đồng, Thông tư quy định: Điểm đầu (vị trí đón khách đầu tiên ghi trong hợp đồng vận chuyển), điểm cuối (vị trí trả khách cuối cùng ghi trong hợp đồng vận chuyển) trùng lặp trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch được xác định là vị trí nằm trên mặt đường hoặc tại vị trí có địa chỉ gắn với tên tuyến phố (tên tuyến đường), tên ngõ (hẻm) trong đô thị.

Điểm mới nữa là đối với quy định và hướng dẫn quản lý, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe, Thông tư quy định, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện lắp camera trên xe ôtô kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 10/2020. Camera lắp trên xe đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu. 

Dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian không quá 2 phút kể từ thời điểm máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải nhận được dữ liệu. Trường hợp đường truyền bị gián đoạn thì cho phép gửi đồng thời cả dữ liệu cũ và dữ liệu hiện tại khi đường truyền hoạt động bình thường. 

Dữ liệu cung cấp được chia thành 2 loại, bao gồm các dữ liệu định danh và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe. Việc khai thác dữ liệu từ camera lắp trên xe thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin và pháp luật khác có liên quan. 

Thông tin, dữ liệu từ camera lắp trên xe được sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, quản lý hoạt động của người lái xe và phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải, cung cấp cho cơ quan Công an, ngành giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và công tác khác để bảo đảm an ninh trật tự ATGT. 

Thông tư quy định trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải trang bị, quản lý, nâng cấp và bảo trì thiết bị phần cứng, phần mềm, đường truyền dữ liệu để tiếp nhận, lưu trữ và khai thác sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe theo quy định xong trước ngày 1/7/2021.

Xử nghiêm xe hợp đồng dưới 9 chỗ vi phạm

Sở GTVT TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. 

Để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải, Sở GTVT TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu đội ngũ lái xe của đơn vị tuân thủ nghiêm túc các quy định về Luật Giao thông đường bộ. 

Tổ chức kiểm tra, rà soát lại toàn bộ phương tiện của đơn vị đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định.

Sở GTVT TP Hà Nội cũng yêu cầu Thanh tra Sở chỉ đạo Đội Thanh tra GTVT các quận, huyện, thị xã và các lực lượng trực thuộc phối hợp với Phòng CSGT, CSTT, chính quyền địa phương chủ động tra cứu dữ liệu danh sách xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” do Sở GTVT TP Hà Nội cung cấp để thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định (Đ.N.)

Hải Dương sẽ kiểm tra ma túy, khám sức khỏe của khoảng 4.000 lái xe

Chiều 3/6, thông tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh vừa thống nhất việc kiểm tra ma tuý, khám sức khỏe đối với lái xe từ ngày 8 đến 30/6, kể cả thứ bảy, chủ nhật. 

Thời gian kiểm tra của đợt này ngắn hơn khoảng 1 tuần nhưng số lượng lái xe dự kiến tương đương đợt kiểm tra trước (khoảng 4.000 lái xe). Lái xe đến Phòng khám Đa khoa quốc tế Hải Dương để kiểm tra. Đây là lần đầu tiên phòng khám trên được chọn thực hiện việc này. 

Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu phòng khám bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, mặt bằng... để việc kiểm tra ma tuý, khám sức khỏe diễn ra đúng kế hoạch, an toàn, thuận tiện, chính xác. 

Theo kế hoạch, lái xe thuộc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trong tỉnh được khám sức khỏe và kiểm tra ma tuý trong đợt này. (Nhật Uyên)

Đặng Nhật
.
.
.