Hà Nội đang bất lực với xe khách trá hình
- Tổ công tác đặc biệt xử lý xe khách trá hình
- Quy định rõ để ngăn chặn xe khách trá hình
- Thất thu hàng trăm tỉ đồng từ hoạt động của xe khách trá hình
Theo khảo sát của Phòng CSGT Hà Nội, các khu vực đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, phố Cổ, hồ Hoàn Kiếm, ga Hà Nội; các tuyến đường qua các bến xe Lương Yên, Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa; một số tuyến đường vành đai và hướng tâm như Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Láng, Nguyễn Khoái, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Giải Phóng… là những tuyến đường đang có xe khách hợp đồng trá hình hoạt động nhiều nhất.
Tổ công tác của Phòng CSGT ra quân xử lý xe khách “trá hình”, xe chạy sai luồng tuyến. |
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bức xúc, ngày nào cũng vậy, chỉ cần ra đường Đại Cổ Việt, Lê Duẩn là có thể thấy xe Limousine chạy, trong số đó chắc chắn có xe “núp bóng” hợp đồng chạy như xe khách tuyến cố định.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, hiện Hà Nội có một số đơn vị đầu tư xe Limousine và chạy lách luật, bắt khách như xe khách tuyến cố định. Tính từ đầu năm đến nay, Sở GTVT đã lập biên bản vi phạm hành chính 354 trường hợp xe khách vi phạm, trong đó có khoảng 7% số xe khách vận chuyển khách không có hợp đồng vận chuyển. Vì sao xe khách “trá hình” lại có thể ngang nhiên tồn tại? Ông Bùi Danh Liên cho rằng, theo quy định, xe dưới 10 chỗ không phải báo cáo trước về hợp đồng vận chuyển. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp đã “lách luật” đưa xe vào hoạt động.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi sửa Nghị định 86 cần đưa loại xe dưới 10 chỗ vào diện bắt buộc phải thông báo về thông tin trước mỗi chuyến đi. “Hiện, Sở GTVT Hà Nội cũng đang nghiên cứu, bổ sung các quy định để quản lý các phương tiện ôtô vận chuyển khách theo dạng hợp đồng du lịch, tránh tình trạng các công ty, đơn vị, doanh nghiệp lách luật mở văn phòng đưa xe hợp đồng du lịch vào vận chuyển khách tuyến cố định, cạnh tranh không lành mạnh với xe ôtô khách chạy tuyến cố định”, lãnh đạo Sở GTVT cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND sau nhiều lần theo tổ công tác của Phòng CSGT đi kiểm tra, xử lý xe vi phạm thì ngoài khó khăn do lái, chủ xe bất hợp tác, tổ công tác còn gặp rất nhiều khó khăn do bị nhiều cán bộ, quan chức trên nhiều lĩnh vực gọi điện, tác động nhằm xin xe vi phạm. Lãnh đạo Phòng CSGT cũng từng có lần chia sẻ, công tác xử lý xe khách hợp đồng trá hình thường bị tác động của nhiều người xin cho xe vi phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội đã quán triệt các tổ công tác phải xử lý nghiêm, dứt điểm và không tha trường hợp vi phạm nào.
Đại diện Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, cả nước hiện có trên 7.000 đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với trên 35.000 xe.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh doanh đối với loại hình này đơn giản, nên xuất hiện nhiều xe hợp đồng trá hình, đón trả khách như xe khách chạy tuyến cố định. Đây cũng là nguyên nhân bùng phát xe dù, bến cóc.
Trước thực trạng trên, một trong các giải pháp được Tổng cục đề xuất là xây dựng phần mềm thống nhất để các đơn vị vận tải hợp đồng, du lịch khai báo.
Phần mềm này sẽ quản lý theo các cấp và liên thông từ tổng cục đến các doanh nghiệp vận tải. Phần mềm sẽ có chức năng tự động xử lý các tiêu chí để kịp thời tổng hợp, phát hiện các vi phạm của xe hợp đồng. Cũng theo vị này, hiện xe hợp đồng, xe du lịch đã được theo dõi qua thiết bị giám sát hành trình, nhưng dữ liệu này chỉ đối chiếu được những xe đó đang ở đâu, của đơn vị nào.
Trong khi đặc thù của xe hợp đồng là không có bến đầu, bến cuối, không có hành trình cố định mà chạy theo yêu cầu của khách. Vì vậy biết xe hợp đồng đi đâu, đến đâu nhưng trong quá trình đi có đúng quy định hay không thì không kiểm soát được. Phần mềm này sẽ lấp được “khoảng trống” đó, làm cơ sở để theo dõi, xử lý kịp thời các xe vi phạm.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tới đây, khi sửa Nghị định 86, thông tin khai báo xe hợp đồng sẽ được mở rộng và không giới hạn chỗ ngồi. Vì vậy, phần mềm phải tính toán được lượng thông tin phương tiện truyền về hệ thống.
“Việc quản lý xe hợp đồng đang rất cấp bách. Phần mềm phải cập nhật được tốc độ tăng trưởng GTVT và kết nối với hệ thống phần mềm quản lý vận tải hiện nay. Quan trọng nhất là phần mềm phải đối sánh được với dữ liệu từ thiết bị GSHT”, bà Hiền nói.