Quy định rõ để ngăn chặn xe khách trá hình

Thứ Bảy, 27/06/2015, 10:15
Tình trạng xe hợp đồng và xe du lịch trá hình để chở khách tuyến cố định đã làm “loạn” hoạt động kinh doanh vận tải bấy lâu nay. Bộ GTVT từng ban hành thông tư siết chặt loại hình vận tải này. Thế nhưng, mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế quy định vẫn chưa sát, gây khó khăn trong việc xử lý nhà xe vi phạm.

Lộn xộn vì xe khách trá hình xe hợp đồng

Trao đổi thẳng thắn tại một cuộc họp về xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông, Thượng tá Nguyễn Thành Viên, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Nam, đã phải thốt lên rằng, nếu xử phạt mạnh xe khách thì khó với xe đóng giả hợp đồng. Lỗi không có giấy phép hợp đồng thì thấp, chỉ vài ba trăm ngàn đồng. Điều này đã gây khó cho Cảnh sát giao thông.

Thậm chí, vì không quy định rõ ràng nên đôi khi lái xe trình hợp đồng ra, không biết đâu là thật, đâu là giả. Vì xe giả danh xe hợp đồng hoạt động vận chuyển khách trá hình sẽ dẫn đến xe dù, bến cóc. Vị này ví dụ, ở đường Trần Khát Chân, Hà Nội, cuối ngày rất nhiều xe khách trá hình xe hợp đồng đi Huế, nhưng khi lực lượng thanh tra đến kiểm tra thì các xe này đều đổi phù hiệu. Các xe này hoạt động, khiến nơi đây như một bến xe dù.

Vì vậy, Thượng tá Nguyễn Thành Viên đề nghị nâng mức phạt với xe hợp đồng, quy định với danh sách hợp đồng, khi kiểm tra nếu không có người trong danh sách thì hợp đồng không có hiệu lực.

Nếu không có chế tài cụ thể với xe hợp đồng trá hình thì hoạt động xe khách sẽ lộn xộn.

Đồng tình với ý kiến của Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Giám đốc Sở GTVT Lào Cai chia sẻ: Tình hình xe hợp đồng trá hình xe khách ở Lào Cai cũng rất phức tạp. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa rồi, lượng xe ôtô lưu thông trên địa bàn tỉnh đã lên tới 19.800 xe, trong đó lượng xe khách lên Lào Cai - Sa Pa cũng khá đông. Song vấn đề quản lý lại gặp không ít khó khăn, vì xe khách tuyến Hà Nội - Lào Cai còn ký hợp đồng giữa nhà xe với ôtô ngay trên toa tàu.

Chưa dừng lại ở đây, vị này cũng cho biết thêm: Xe khách hợp đồng từ Hà Nội lên Lào Cai hiện nay còn vận chuyển khách trá hình theo kiểu phiếu đặt chỗ. Họ mở văn phòng, có phiếu đặt chỗ, coi như là vé. Cứ 11h đêm lên, rồi 3h sáng lại về, rất khó xử lý.

“Nếu không có chế tài xử phạt cụ thể thì đây là một trong các nguyên nhân gây ra lộn xộn trong vận tải hành khách. Cần có quy định riêng về nội dung xe khách hợp đồng. Những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc rất bức xúc với những đối tượng này”, ông Thạo chia sẻ.

Hà Nội: Xử phạt nhiều nhưng có triệt để?

Tính từ đầu năm đến tháng 5, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với 87 trường hợp kinh doanh vận tải hành khách theo hình thức xe hợp đồng; tạm giữ 2 phương tiện vi phạm, tước GPLX 30 ngày đối với 27 trường hợp. Riêng trong tháng 5, lực lượng này đã xử lý 6 trường hợp như xe BKS 29B-024.17, 29B-056.17, 34B-008.63, 73B-004.48, 38B-007.33.

Hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện là xe dừng, đỗ sai quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; chở khách không gắn phù hiệu theo quy định; không có danh sách hành khách, không hợp đồng. Nhìn vào biển số xe có thể thấy, không chỉ riêng xe ở Hà Nội, mà xe từ các tỉnh về Hà Nội cũng vi phạm khá nhiều. Tuy nhiên, dù xử phạt như thế, song trên thực tế việc xe khách trá hình xe hợp đồng có được giải quyết triệt để? Điều này chưa ai dám chắc.

Được biết, theo Điều 47, Thông tư 63 của Bộ GTVT mới đây đã quy định đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Hợp đồng vận tải khách du lịch được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý một xe khách vi phạm. Ảnh minh họa: Thanh Huyền.

Hợp đồng vận tải khách du lịch phải có các nội dung cơ bản sau: thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe (trong đó ghi rõ điểm khởi hành, lộ trình, các điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình); số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.

Đặc biệt, từ ngày 1/7, trước khi thực hiện hợp đồng vận tải khách du lịch, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin: hành trình (điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình), thời gian thực hiện hợp đồng, số lượng khách bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (email), trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý vận tải của Sở Giao thông vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 34 của thông tư này. Cự ly của hành trình được xác định từ điểm khởi hành đến điểm kết thúc của chuyến đi. Khi vận chuyển khách du lịch, lái xe phải mang theo hợp đồng vận tải khách du lịch; chương trình du lịch; danh sách hành khách.

Hy vọng, với các quy định mới này, các địa phương sẽ không còn kêu khó trong việc xử lý xe khách trá hình xe hợp đồng. Nạn bến cóc, xe dù sẽ được giải quyết, để người dân thực sự có những chuyến đi an toàn.

Đặng Nhật
.
.
.