Chuyện lệch ca, lệch giờ tại TP Hồ Chí Minh: Loay hoay và manh mún (!)

Chủ Nhật, 10/09/2017, 16:46
Để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn, đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh tiếp tục yêu cầu Sở LĐ-TB&XH cùng Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm giải pháp lệch ca, lệch giờ đối với một số nhóm đối tượng phù hợp

Những ngày gần đây, khi cả triệu học sinh, sinh viên ở TP Hồ Chí Minh chính thức bước vào năm học mới, tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường của thành phố vào giờ cao điểm đã gia tăng trở lại, nhất là ở các quận đông dân cư như Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú… 

Theo phản ánh của  người dân, nếu như vào các ngày nghỉ lễ, chạy xe máy từ hướng Gò Vấp, quận 12 đến khu vực trung tâm thành phố chỉ mất chừng 20-25 phút cho quãng đường dài 14-15km nhưng mấy ngày gần đây, phải mất ít nhất khoảng 1 giờ.

Nhìn lại giải pháp lệch ca, lệch giờ được Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố đưa ra từ cách đây 10 năm, thì giờ cao điểm xảy ra ùn tắc giao thông trong ngày được Ban ATGT thành phố xác định là sáng từ 6h30 đến 8h, chiều từ 16h30 đến 18h. 

Đối tượng lưu thông trên đường vào giờ cao điểm cũng đã được xác định rất rõ, gồm chủ yếu là học sinh, cán bộ, công chức viên chức; lao động tại các đơn vị hành chính sự nghiệp; lao động của các ngành dịch vụ và công nhân của những DN làm theo ca hành chính; phụ huynh đưa đón con đi học và người dân đi liên hệ làm thủ tục, giấy tờ...

 Từ đó, khung thời gian lệch giờ được Ban ATGT thành phố đề xuất là buổi sáng bắt đầu từ 7h30 hoặc 8h; giờ nghỉ buổi chiều có 3 mốc là 16h, 16h30 và 17h. Việc bố trí thời gian nghỉ trưa sẽ do người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sắp xếp để quyết định cụ thể.

Thế nhưng trách nhiệm bố trí lệch ca, lệch giờ sau đó đã được “xé lẻ” bằng cách giao quyền chủ động cho từng sở, ngành, quận, huyện tự thực hiện. Điều này dẫn đến việc thực hiện lệch ca, lệch giờ tại thành phố diễn ra một cách manh mún, chủ yếu do các trường học, các KCN tự vận động rồi tổ chức thực hiện trong phạm vi cơ quan, đơn vị của mình. 

Về lệch giờ, mới chỉ có KCX Tân Thuận - nơi đang có hơn 110 DN với trên 60 ngàn công nhân tự thực hiện. Do lúc tan ca vào lúc 17h có hơn 15 ngàn công nhân cùng lúc đổ ra cổng nên Ban quản lý KCX này đã đề nghị 60 DN có giờ tan ca vào tầm 16h30 - 17h điều chỉnh giờ làm việc để giảm ùn tắc cho khu vực cổng KCX.

Ùn tắc phương tiện ở hướng vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm.

Là ngành quản lý lượng học sinh lên đến con số cả triệu người, song nhiều năm qua, Sở GD&ĐT thành phố cũng chỉ đưa ra được các mức lệch giờ học của từng bậc học theo kiểu làm cho có. Bởi các khung lệch giờ do Sở GT& ĐT đề xuất đều nằm trọn trong khung giờ cao điểm sáng, chiều. Thậm chí, việc lệch giờ học tập còn tiếp tục được ngành Giáo dục cho “chẻ” nhỏ ra bằng cách cho phép Trưởng phòng GD&ĐT từng quận, huyện và hiệu trưởng các trường căn cứ vào tình hình thực tế và mật độ lưu thông trên địa bàn để điều chỉnh giờ học và giờ về của học sinh các cấp. 

Ngoài ra, tùy vào tình hình thực tế của nhà trường, hiệu trưởng từng trường được tổ chức bố trí lệch giờ học và giờ về giữa các khối lớp trong trường từ 5-10 phút. Với các trường nằm gần nhau, các hiệu trưởng phải có trách nhiệm chủ động bàn bạc để tự điều chỉnh giờ học lệch nhau nhằm giảm ùn tắc giao thông. 

Do đó, chưa kể số lượng học viên các trường trung cấp nghề, thì lượng sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn với số lượng khoảng 450 ngàn người đã không được đưa vào diện phải điều chỉnh. Lâu nay khoảng 140 ngàn viên chức, công chức của thành phố cũng vẫn đang đứng ngoài cuộc vận động lệch giờ làm việc chỉ bởi lý do sẽ gây xáo trộn và ảnh hưởng đến làm việc, sinh hoạt của mỗi người.

Còn nhớ vào cuối năm ngoái, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa xác định Sở LĐ-TB&XH cùng Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu, triển khai lệch ca, lệch giờ để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng. Ông Khoa cho rằng, giải pháp này sẽ đụng chạm nhưng vì cái chung, thành phố sẽ phải làm và yêu cầu các Sở này phải đưa ra đề án ngay sau Tết Nguyên đán. 

Để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn, đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh tiếp tục yêu cầu Sở LĐ-TB&XH cùng Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm giải pháp lệch ca, lệch giờ đối với một số nhóm đối tượng phù hợp; Sở GD&ĐT triển khai đến các trường học về giải pháp kéo dài thời gian mở cổng trường để hạn chế lưu lượng xe tập trung quá cao trong giờ cao điểm. Cùng lúc vận động các trường học tự tổ chức xe đưa rước học sinh, phấn đấu 50% tổng số trường có dịch vụ đưa rước học sinh ngay trong năm nay.

Tiếp đó, giữa tháng 5 vừa qua, lãnh đạo thành phố giao cho Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu lập đề án bố trí, sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca để giảm bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm, hoàn tất trước ngày 30-7. 

Theo yêu cầu của thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển phải tập trung khảo sát với từng nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện; cán bộ, công chức; người lao động tại các KCN… Trong đó phải đánh giá kỹ, toàn diện các yếu tố tác động để đảm bảo tính khả thi và đạt được sự đồng tình, ủng hộ của người dân khi đưa ra áp dụng.

Để kìm chế tình trạng kẹt xe tái diễn trước thềm năm học mới, cuối tháng 8 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã một lần nữa huy động các sở, ngành địa phương  cùng vào cuộc thực hiện một loạt các giải pháp. Theo đó Sở GTVT được giao thực hiện thí điểm ngay phương án hạn chế lưu thông đối với các loại ôtô vận chuyển hàng hóa vào ban ngày; rà soát, tăng cường lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các điểm có nguy cơ ùn tắc và nơi tập trung đông người như bệnh viện, trường học, chợ, trung tâm thương mại.

 Sở Xây dựng được yêu cầu ngưng giải quyết cấp phép xây dựng cho những công trình cao ốc tập trung đông người trên các trục đường, khu vực chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông. Các quận, huyện tiếp tục có phương án tổ chức, sắp xếp lại lòng đường, vỉa hè tại những nơi tập trung đông người... Nhưng đây mới chỉ là giải pháp chống ùn tắc trước mắt, còn giải pháp lệch ca, lệch giờ áp dụng cho từng ngành và chung cho cả thành phố thì hiện vẫn còn phải chờ... nghiên cứu (!).

Đ.Thắng
.
.
.