TP HCM: Lệch ca, lệch giờ lại chờ… nghiên cứu?

Thứ Tư, 21/11/2007, 20:42
Mốc thời hạn của đề án tổ chức lệch ca, lệch giờ để khắc phục ùn tắc giao thông đã qua, nhưng người dân TP HCM, hằng ngày vẫn phải chịu đựng cảnh kẹt xe. Còn đề án, sau khi quả bóng trách nhiệm được chuyền về cho Sở GTCC, đến nay… vẫn chưa tới đâu!
>> TP HCM lúng túng trong "bài toán" lệch giờ, lệch ca

Theo chỉ đạo trong Kế hoạch 6650 của UBND TP Hồ Chí Minh, việc tổ chức thực hiện ngay học tập, làm việc lệch ca, lệch giờ để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm là giải pháp ưu tiên hàng đầu.

Chỉ riêng với khối học sinh, sinh viên đã tới con số 1,5 triệu, triển khai được nhóm giải pháp này sẽ giảm đáng kể lưu lượng người, phương tiện vào giờ cao điểm.

Đề án được giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, cập nhật và hoàn chỉnh, trình UBND TP vào cuối tháng 10/2007.

Mốc thời hạn này đã qua, người dân thành phố thì vẫn hàng ngày phải chịu đựng cảnh kẹt xe. Còn đề án, sau khi quả bóng trách nhiệm được chuyền về cho Sở GTCC, đến nay… vẫn chưa tới đâu!

Trước tình hình trên, ngay từ đầu tháng 11, thành phố đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn với các sở, ngành để nghe báo cáo của Sở GTCC về đề án này.

Sau cuộc họp, đề án của Sở GTCC được nhận định là "còn nhiều nội dung không khả thi" nên buộc phải sửa lại trước khi trình UBND TP.

Báo cáo ngày 31/10 của Ban An toàn giao thông gửi UBND TP cũng khẳng định "ý kiến về bố trí lệch ca, lệch giờ làm việc, học tập tuy thống nhất về mục tiêu nhưng việc xác định giờ giấc cụ thể vẫn còn khác nhau. Do đó, thường trực Ban An toàn giao thông kiến nghị thành phố tiếp tục xem xét, chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu thêm trước khi ban hành chính thức".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây để có được đề án điều chỉnh giờ làm việc, giờ học trình UBND TP. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phải mất "đứt" 2 năm nghiên cứu, xây dựng và lấy ý kiến của các cấp, ngành liên quan cũng như tổ chức các buổi hội thảo lấy ý kiến của nhân dân.

Khi UBND TP trình HĐND tại kỳ họp thứ 11 khóa VI ngày 28/3/2003 vẫn gặp phải sự phản đối với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Nhưng cuối cùng, đề án này cũng được thông qua với nội dung rất nhỏ "cho phép điều chỉnh giờ làm việc và giờ học tập trên địa bàn thành phố. Trước mắt chỉ làm thí điểm cục bộ với một số khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông công nhân và các trường đông học sinh gây ùn tắc giao thông vào giờ tan ca".

Chính vì vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Sở GTCC cùng các sở khác đã không thể xoay xở được gì hơn, phải bê gần như nguyên xi những gì trong đề án đã được nghiên cứu xây dựng từ trước đó 5 năm, thay đổi một cách qua loa vài nội dung rồi trưng ra mà không hề nghĩ rằng tình hình giao thông tại thành phố hiện nay không còn giống với những gì trong đề án trước đó cả 5 năm.

Rất may, trong cuộc họp với lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, đã có nhiều ý kiến phản biện xác đáng.

Ngay chỉ với 1 KCX Tân Thuận, nơi có 110 doanh nghiệp với 60.000 công nhân, mặc dù nhiều doanh nghiệp ở đây đã thực hiện lệch ca, lệch giờ từ năm 2003 và tạo điều kiện tốt nhất cho xe buýt hoạt động, nhưng ngành GTCC cũng chỉ bố trí được hơn 70 chuyến ra vào mỗi ngày với số lượng vận chuyển khoảng 3.600 người.

Với 60 doanh nghiệp, lượng công nhân là 15.174 người tan ca tập trung vào thời điểm 17h, lại chỉ có một cổng ra vào duy nhất tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát gây ùn tắc giao thông thường xuyên, thì nhiều năm qua, sở chủ quản cũng chỉ biết… đứng nhìn!

Vì vậy, cần một giải pháp căn cơ dựa trên những điều kiện sát hợp với tình hình thực tế khi triển khai thực hiện lệch giờ, lệch ca trên địa bàn thành phố

Đức Thắng
.
.
.