Vì sao giải pháp lệch ca, lệch giờ chống tắc đường, kẹt xe không hiệu quả?

Chủ Nhật, 08/01/2017, 08:12
Nếu thành công, sẽ giảm được đáng kể lượng người, phương tiện tập trung đổ dồn ra đường vào giờ cao điểm. Nhưng nếu không làm quyết liệt, đồng bộ, thì giải pháp lệch ca, lệch giờ lại đối mặt với nguy cơ “chết yểu” như đã từng đưa ra trước đây.

Gần đây, khi tình trạng kẹt xe trên địa bàn đã trở nên trầm trọng, giải pháp lệch ca, lệch giờ để kéo giảm kẹt xe tiếp tục được TP Hồ Chí Minh tái khởi động và yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Bởi nếu giải pháp điều chỉnh đối với hàng triệu cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên, công nhân các KCN… thành công, sẽ giảm được đáng kể lượng người, phương tiện tập trung đổ dồn ra đường vào giờ cao điểm.Nhưng nếu không làm quyết liệt, đồng bộ, thì giải pháp lệch ca, lệch giờ lại đối mặt với nguy cơ “chết yểu” như đã từng đưa ra trước đây.

Doanh nghiệp tiên phong lệch ca, cơ quan hành chính làm ngơ lệch giờ

Cách đây 10 năm, Ban An toàn giao thông (ATGT) đã đề xuất thành phố phương án bố trí lệch ca, lệch giờ làm việc, học tập. Theo đó, Ban ATGT xác định, thời gian cao điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông trong ngày là sáng từ 6h30 đến 8h, chiều từ 16h30 đến 18h.

Trong các khoảng giờ cao điểm này, lượng người lưu thông trên đường chủ yếu là học sinh, cán bộ, công chức viên chức; người lao động tại các đơn vị hành chính sự nghiệp; lao động của các ngành dịch vụ và công nhân của những DN làm theo ca hành chính. Lượng người lưu thông trên đường vào giờ cao điểm còn có đối tượng phụ huynh đưa đón con đi học và người đến các công sở, cơ quan hành chính để liên hệ làm thủ tục giấy tờ và người dân tham gia các hoạt động kinh tế khác.

Tuy nhiên, mật độ xe cộ lưu thông trên đường vào thời điểm buổi chiều khi kết thúc giờ làm việc, học tập vào sau 17h cao hơn rất nhiều so với giờ cao điểm buổi sáng.

Để không gây xáo trộn và ảnh hưởng nhiều đến làm việc, sinh hoạt của người lao động và người dân, khung thời gian lệch giờ được Ban ATGT thành phố đưa ra là buổi sáng bắt đầu từ 7h30 hoặc 8h; giờ nghỉ buổi chiều có 3 mốc là 16h, 16h30 và 17h. Việc bố trí thời gian nghỉ trưa trong khoảng 30 phút, 60 phút hoặc 90 phút cũng sẽ do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sắp xếp để quyết định cụ thể của đơn vị mình.

Đối với bộ phận thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công như phòng công chứng, nơi tiếp nhận và trả kết quả hành chính… để góp phần giảm bớt lưu lượng phương tiện trên đường, tùy theo đặc điểm tình hình có thể tiếp tục thực hiện giờ làm việc như cũ hoặc bắt đầu từ 9h sáng, kết thúc vào lúc 15h chiều. Thời gian còn lại trong ngày, cán bộ công chức sẽ sắp xếp, xử lý hồ sơ để bảo đảm làm việc đủ 8 giờ mỗi ngày, tránh gây phiền hà cho người dân, DN.

Về lệch ca, chỉ căn cứ vào kết quả làm việc của Ban QL KCX - KCN với các KCX, KCN, Ban ATGT thành phố đã cho rằng, hầu hết các KCX - KCN đều không nằm trong khu vực nội thành nên không ảnh hưởng nhiều và không gây ùn tắc giao thông. Hơn nữa, chiếm 70% lao động làm việc tại các KCX - KCN là người ngoại tỉnh nên đều chọn thuê nhà trọ gần nơi làm việc, số công nhân này không phải là đối tượng gây kẹt xe. Các KCN nằm ở vùng ven cũng không có tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm.

Phản biện lại nhận định trên, ông Mai Trọng Tuấn (quận 1, TP Hồ Chí Minh) lập luận, cứ cho là 2/3 số công nhân không gây kẹt xe, nhưng 1/3 còn lại cũng lên tới cả trăm ngàn thì đi lại ra sao? Số công nhân này cùng lúc ùa ra đường trong khoảng thời gian ngắn để ra về liệu có gây tắc nghẽn cục bộ? Đó là chưa kể lượng xe đưa đón công nhân, xe hơi của đội ngũ quản lý DN đi lại và lượng xe vận tải hàng hóa, nguyên liệu ra vào các KCN-KCX này hàng ngày.

Kẹt xe ở một nút giao thông trong giờ cao điểm.

Lệch giờ học trong khung cao điểm và bỏ quên đối tượng sinh viên 

Về lệch giờ học, theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, vào những ngày lễ, Tết, khi sinh viên, học sinh được nghỉ ở nhà hoặc về quê thì thành phố rất thoáng đãng. Nhưng khi số lượng học sinh phổ thông đã đạt tới con số gần 1 triệu và trẻ bậc mầm non khoảng 215 ngàn từ cách đây vài năm, thì Sở GD&ĐT cũng chỉ đưa ra các mức lệch giờ học của từng bậc học nằm trọn trong các khung giờ cao điểm. Sau đó đề nghị Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện và hiệu trưởng các trường căn cứ vào tình hình thực tế và mật độ lưu thông trên địa bàn để điều chỉnh giờ học và giờ về của học sinh các cấp.

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, hiệu trưởng được tổ chức bố trí lệch giờ học và giờ về giữa các khối lớp trong trường từ 5-10 phút. Với các trường nằm gần nhau, hiệu trưởng sẽ chủ động bàn bạc để phân bổ, điều chỉnh giờ học lệch nhau nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Với đề xuất này, chưa kể số lượng học viên các trường trung cấp nghề thì lượng sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn với số lượng hơn 440 ngàn người đã không được đưa vào diện phải điều chỉnh. Đồng thời, trước cách làm cho phép đơn vị, địa phương tự chủ về lệch giờ của Sở GD&ĐT, một số chuyên gia về giao thông đã cho rằng đây là cách làm kiểu tự phát, lẻ tẻ, không có sự đồng bộ trên toàn thành phố nên sẽ không tạo được hiệu quả cao.

Việc bố trí lệch giờ học, giờ về giữa các khối lớp hay các trường nằm gần nhau chỉ có thể giảm áp lực ùn tắc cục bộ trước cổng trường chứ không giảm áp lực kẹt xe trên tuyến.

Chỉ đạo về vấn đề lệch ca, mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố - ông Lê Văn Khoa tiếp tục xác định Sở LĐ-TB&XH cùng Sở GD&ĐT làm chủ công trong việc nghiên cứu, triển khai để giảm ùn tắc đang ngày càng nghiêm trọng. Ông Khoa nói, giải pháp này sẽ đụng chạm nhưng vì cái chung, thành phố sẽ phải làm và yêu cầu các Sở này phải đưa ra đề án ngay sau Tết Nguyên đán. Song giải pháp do các sở đưa ra lần này hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ.

Đức Thắng
.
.
.