Chủ động đảm bảo an toàn giao thông thủy trong mùa mưa bão
- Lắp “hộp đen” giám sát giao thông thủy
- Những ẩn họa giao thông thủy tại ĐBSCL: Cần những giải pháp quyết liệt
- Đề nghị loại bỏ dự án tuyến giao thông thuỷ xuyên Á trên sông Hồng6
- Bất ổn giao thông thủy: Đừng để “Mất bò mới lo làm chuồng”1
Tại Cần Thơ, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TP Cần Thơ phối hợp Công an quận Cái Răng tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản quy định pháp luật có liên quan đến người dân sinh sống, hành nghề tại khu vực Chợ nổi Cái Răng (khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng).
Qua tuyên truyền giúp người dân nắm vững những điều kiện cần thiết khi tham gia giao thông đường thủy, như: phải mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. Người điều khiển phương tiện phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Không chở quá số người quy định, phải đảm bảo điều kiện an toàn của cảng, bến và phương tiện. Neo, đậu an toàn khi có mưa bão, giông lốc…
Tổ tuần tra, kiểm soát của Trạm Cảnh sát đường thủy Thới An thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TP Cần Thơ mấy ngày qua đã tiến hành kiểm tra hoạt động các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn.
Mặc dù chưa phát hiện chủ bến cũng như người điều khiển phương tiện và thuyền viên hoạt động tại các bến khách ngang sông vi phạm nhưng Tổ công tác đã nhắc nhở chủ bến, người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm nội quy, quy định đã ký cam kết từ đầu năm về TTATGT đường thủy; phải trang bị đầy đủ số lượng phao cứu sinh, cứu đắm theo quy định.
Đặc biệt, trong mùa mưa, bão, phải giảm tải kể cả hàng hóa và hành khách, thay đổi toàn bộ số áo phao cứu sinh đã cũ, phai màu bằng dụng cụ cứu sinh cầm tay mới để hành khách tiện sử dụng... Trạm Cảnh sát đường thủy Thới An đang quản lý 17 bến thủy nội địa, 67 bến khách ngang sông, gồm tuyến sông Hậu và các tuyến sông địa phương.
Trung tá Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Trạm Thới An, cho biết, nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân, đơn vị luôn phân công CBCS đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông, bến xếp dỡ hàng hóa, các lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên sông. Tập trung xử lý nghiêm những trường hợp chở quá vạch mớn nước an toàn, nhất là phương tiện vận chuyển cát phải giảm tải trong mùa mưa, bão.
Tại An Giang, Đồng Tháp, Cảnh sát đường thủy phối hợp với các lực lượng chức năng khảo sát, kiểm tra các phương tiện giao thông đường thủy, phát hiện, đình chỉ không cho hoạt động những phương tiện không đảm bảo an toàn, nhất là các bến đò ngang chở khách.
Đồng thời, chuẩn bị các phương án, bố trí lực lượng, trang thiết bị để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Tích cực tuyên truyền cho các chủ phương tiện chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống mưa lũ. Phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, quá số người quy định, người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn.
Thượng tá Nguyễn Văn Võ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh An Giang cho biết, lãnh đạo đơn vị đã quán triệt tinh thần đến từng CBCS làm nhiệm vụ kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện an toàn hoạt động.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy, tuyên truyền, hướng dẫn cho người đi đò chấp hành nghiêm các quy định của chính quyền địa phương cũng như nhà đò. Mặc dù từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và xử phạt nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông vi phạm nhưng vẫn còn không ít người chủ quan, chưa tự giác chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Công an các huyện đầu nguồn trên địa bàn An Giang, Đồng Tháp đã lập phương án chủ động phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân sinh sống vùng trũng, thấp, có nguy cơ sạt lở cao. Tuyên truyền, nhắc nhở các bậc cha mẹ quan tâm quản lý con cái, tránh sơ suất dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Tổ chức đưa rước học sinh tại các vùng ngập sâu. Phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai các điểm giữ trẻ, các chốt cứu hộ, cứu nạn ở các khu vực nước lũ chảy xiết nhằm kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cũng như tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt mưa lớn, lũ, bão để theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời ứng cứu khi sự cố xấu xảy ra...
Song song với công tác tuyên truyền, Cảnh sát đường thủy Công an các tỉnh, thành ĐBSCL đặc biệt quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng làm công tác hướng dẫn, điều tiết, phân tuyến, phân luồng các phương tiện; huấn luyện cho CBCS kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng sử dụng các phương tiện được trang bị để thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ…