Bất ổn giao thông thủy: Đừng để “Mất bò mới lo làm chuồng”

Thứ Sáu, 25/03/2016, 09:11
Sự cố tàu Thành Luân 28 đâm va vào dầm cầu An Thái (Hải Dương) ngày 6-3 khiến giao thông đường bộ lẫn đường thủy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tiếc rằng, sự cố này không phải hy hữu bởi trước đó, tai nạn tương tự xảy ra tại cầu Bính (Hải Phòng).


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có rất nhiều bất ổn về giao thông thủy đang tồn tại ở các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương – nơi có số phương tiện thủy rất lớn.

Theo ông Phạm Văn Phượng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Hải Dương, đơn vị quản lý 6 cầu đường bộ bắc qua sông trên địa bàn. Ngoài ra, còn có 2 cầu bắc qua sông, nằm trên QL 5 do cơ quan Trung ương quản lý. Sở GTVT Hải Dương quản lý đăng ký, đăng kiểm các phương tiện đường thủy nội địa có trọng tải từ 200 tấn trở xuống. Hầu hết các cầu không có trụ chống va xô.

Cầu An Thái đã hư hỏng nặng sau khi bị tàu Thành Luân 28 đâm vào.

Hiện nay, trên địa bàn Hải Dương có trên 600 phương tiện đường thủy nội địa đăng ký. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có trên 400 phương tiện đến đăng kiểm đúng thời hạn theo quy định. Số còn lại gồm trên 100 phương tiện đang lưu thông “chui”, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT đường thủy nội địa.

Theo Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng, Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị đang quản lý 1681 tàu trọng tải trên 200 tấn lưu thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đến thời hạn, chỉ có 1.270 phương tiện đến đăng kiểm theo quy định. Theo các cơ quan chức năng, có 3 nguyên nhân của việc các phương tiện đường thủy nội địa không đến đăng kiểm gồm: một số phương tiện cũ nát, thanh lý; một số phương tiện chuyển địa bàn; một số phương tiện không đủ điều kiện đăng kiểm, hoạt động chui lủi, khó quản lý, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy.

Việc xử lý các phương tiện vi phạm về ATGT đường thủy hiện đang tồn tại một số bất cập như: thiếu địa điểm neo đậu, tạm giữ phương tiện vi phạm; lực lượng chức năng mỏng không thường trực tại các địa bàn. Việc tạm giữ phương tiện vi phạm khó khăn do phương tiện là nơi ở của người dân; chế tài xử lý các vi phạm bất cập…

Từ 2015 đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Hải Dương kiểm tra, lập biên bản vi phạm 2.045 trường hợp vi phạm (nhiều trường hợp không đăng ký, đăng kiểm phương tiện), xử phạt trên 2 tỷ đồng. Những phương tiện không đăng ký, đăng kiểm chủ yếu là các phương tiện có trọng tải toàn phần dưới 100 tấn, hoạt động tự phát, có vỏ sắt, vỏ xi măng lưới thép không đủ điều kiện làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm.

Trong khi sửa chữa, hoán cải, chủ phương tiện không thông báo với cơ quan chức năng. Khi mua bán, chủ phương tiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Do hoạt động trên sông nước, các phương tiện thường xuyên di chuyển, thay đổi địa bàn hoạt động nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát...

Theo Sở GTVT TP Hải Phòng, trên tuyến đường thuỷ các cầu lớn như: Cầu Bính, Cầu Kiền, cầu Đá Bạc, cầu Giá, cầu Khuể, cầu Vàng, cầu Quý Cao, cầu Tiên Cựu, cầu Rào, cầu An Đồng, cầu An Dương, cầu Quay (cầu đường sắt), cầu Thượng Lý, cầu Lạc Long, cầu Kiến An… Tốc độ phát triển các phương tiện vận tải thuỷ của TP Hải Phòng tăng nhanh về số lượng và chất lượng.

Trên địa bàn thành phố có khoảng 3000 phương tiện đường thủy nội địa. Công tác quản lý giao thông đường thuỷ nội địa gặp khó khăn. Tình trạng vi phạm các quy định về luồng, tuyến giao thông đường thuỷ nội địa vẫn xảy ra. Tình trạng mở bến thuỷ nội địa để bốc xếp hàng hoá, nguyên vật liệu xây dựng không có giấy phép. Tự ý san lấp bến bãi ra lòng sông mở rộng bến bãi bốc xếp hàng hoá, thu hẹp cản trở dòng chảy, gây xói, bồi bờ sông và mất ATGT đường thuỷ. Nhiều phương tiện đang hoạt động không đăng ký, đăng kiểm. Người điều khiển phương tiện không đủ bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn, phương tiện chở quá tải.

Năm 2015, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an TP Hải Phòng kiểm tra, lập biên bản, xử lý trên 1.800 trường hợp vi phạm hành chính về TTATGT đường thủy, xử phạt trên 4,3 tỷ đồng, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng có thời hạn 13 trường hợp, tiêu hủy 1 bằng thuyền trưởng giả, đình chỉ hoạt động 1 trường hợp, tạm giữ 1 trường hợp vi phạm.

Hiện nay, biện pháp xử lý vi phạm hành chính các phương tiện thuỷ không đăng ký, đăng kiểm, chở quá trọng tải quy định vẫn thực hiện xử phạt để tồn tại. Để thực hiện nghiêm việc phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, phương tiện chở quá trọng tải, phải có biện pháp xử lý nghiêm; quy định cụ thể nơi tạm giữ phương tiện, kinh phí phục vụ việc tạm giữ phương tiện vi phạm. ác phương tiện tham gia giao thông nên mua bảo hiểm thân tàu.

Qua sự việc 3 tầu đâm va vào cầu Bính (xảy ra ngày 17-7-2010, khi cơn bão số 1 đổ bộ vào Hải Phòng), Sở GTVT Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT tải, UBND TP Hải Phòng bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống chống va trôi tại cầu Bính. Bộ GTVT  nghiên cứu, có các giải pháp quyết liệt để hiện tượng tương tự không tái diễn.

Cùng với đường bộ, giao thông thủy có đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội. Với những bất cập như vừa nêu, rất cần sự điều chỉnh đồng bộ để hạn chế thấp nhất hậu quả đáng tiếc.

Đăng Hùng
.
.
.