Những ẩn họa giao thông thủy tại ĐBSCL: Cần những giải pháp quyết liệt

Thứ Tư, 13/07/2016, 10:51
Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục ĐTNĐ, Cục Hàng hải, Cục Đăng kiểm đẩy mạnh năng lực nâng cao vận tải, rà soát kiểm tra, quản lý con người và phương tiện đường thủy chặt chẽ.

Tập quán của nhiều người dân ĐBSCL là điều khiển phương tiện thủy theo kiểu “cha truyền con nối”. Đáng ngại hơn là trình độ dân trí thấp, kiến thức pháp luật về giao thông thủy còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy còn nhiều bất cập, nhất là trong việc đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, đăng ký, quản lý phương tiện. Thực trạng này là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với các ngành chức năng.

Tình trạng “5 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật...) còn diễn ra khá phổ biến. Đây là những nguy cơ vừa tiềm ẩn, vừa hiện hữu dẫn đến TNGT đường thủy. 

Trong đó, vụ tàu kéo SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 chở theo 800 tấn cát đi từ Tiền Giang đến TP Biên Hòa (Đồng Nai) đâm sập cầu Ghềnh lúc 11h30, ngày 20-3, gây thiệt hại vô cùng lớn là minh chứng rõ nét nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa Đồng Tháp, cho biết, khi tiến hành kiểm tra, phát hiện phương tiện không có giấy phép đăng kiểm, cũng không thể tiến hành xử phạt hay tạm giữ phương tiện, mặc dù có đoàn kiểm tra liên ngành cùng đi. Nguyên nhân là trung tâm không có bến bãi thu giữ phương tiện và cơ chế để xử lý những trường hợp vi phạm. 

Ngoài ra, số tiền xử phạt cũng rất thấp (từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng) nên không đủ sức răn đe. Có trường hợp chủ phương tiện có giấy đăng kiểm nhưng không xuất trình mà chấp nhận đóng phạt.

Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ kiểm tra một sà lan chở cát vi phạm TTATGT đường thủy nội địa.

Đại tá Phạm Xuân Đức, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong 11.460 trường hợp vi phạm bị phát hiện xử phạt trong năm 2015, có đến 370 trường hợp vi phạm về bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn (chiếm 3,22%); 775 trường hợp vi phạm về đăng ký đăng kiểm (chiếm 6,76%). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, đã phát hiện 365 trường hợp vi phạm về đăng ký đăng kiểm (chiếm 7,11%).

Số liệu trên cho thấy, các trường hợp vi phạm về đăng ký đăng kiểm được phát hiện có chiều hướng gia tăng. Đại tá Phạm Xuân Đức dẫn chứng, chỉ nửa tháng (từ 30-5 đến 17-6), Cảnh sát đường thủy phối hợp với Ban đăng kiểm, Phòng Quản lý vận tải và Cảng vụ đường thủy nội địa Đồng Tháp phối hợp tuần tra, lập 4 điểm tại Hồng Ngự, Sa Đéc, Cao Lãnh và Tháp Mười. 

Qua kiểm tra 53 phương tiện lưu thông, lực lượng chức năng phát hiện đến 34 trường hợp vi phạm về đăng ký đăng kiểm.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đường thủy nội địa khu vực Tây Nam Bộ chưa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Một số dự án nâng cấp, đầu tư mới còn chậm, TNGT đường thủy trên địa bàn còn cao, việc quản lý bốc xếp ở các bến cảng còn nhiều bất cập. 

Vì vậy, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đề nghị Bộ GTVT và các địa phương phải quy hoạch, quản lý và khai thác đường thủy khu vực Tây Nam Bộ có hiệu quả, kỷ cương nhất.

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết: “Cuối năm 2007 có khoảng 372.000 phương tiện phải thực hiện đăng kiểm theo quy định, đến cuối năm 2015 số phương tiện đăng kiểm khoảng 280.000 phương tiện đạt khoảng 75%.

Tỷ lệ phương tiện dưới 200 tấn chấp hành đăng kiểm và quay lại đăng kiểm đúng chu kỳ còn thấp nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống đường bộ phát triển nên số phương tiện không còn nhu cầu hoạt động, nhu cầu vận tải ít nên các phương tiện này hoạt động ít; chính quyền địa phương và các cơ quan kiểm tra chưa quyết liệt và rộng khắp…

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an Hậu Giang, kiến nghị: “Phải nên đầu tư đồng bộ trang thiết bị bốc dỡ, bến, bãi của đường thủy nội địa để khai thác và quản lý tốt nhất. Trong quá trình kiểm tra chúng tôi phát hiện khâu đăng kiểm của các doanh nghiệp còn lách luật rất nguy hiểm nên Bộ GTVT phải chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra phát hiện để có biệc pháp xử lý những trường hợp phương tiện đã hết hạn đăng kiểm mà vẫn hoạt động”.

Theo Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang: Về đào tạo thuyền viên tại ĐBSCL hiện nay có 8 đơn vị. Để mở rộng việc đào tạo không khó, vấn đề ở đây là do dân sinh sống trên sông quen nên không muốn đi học và thi lấy bằng. Tiến tới Cục ĐTNĐ sẽ kiến nghị và có chủ trương xây dựng trung tâm sát hạch nhanh nhất (thi theo hình thức trắc nghiệm).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, về cơ chế, chính sách Bộ GTVT sẽ rà soát và sửa đổi văn bản pháp luật cho phù hợp. Về cơ sở hạ tầng hiện nay còn hạn chế do ngân sách nhà nước đầu tư vào Cục ĐTNĐ còn eo hẹp. 

Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Cục ĐTNĐ, Cục Hàng hải, Cục Đăng kiểm trong thời gian tới phải đẩy mạnh năng lực nâng cao vận tải, rà soát kiểm tra, quản lý con người và phương tiện chặt chẽ đồng thời hỗ trợ địa phương tiếp cận với người dân để hiểu tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, người dân cùng nhau phát triển lĩnh vực giao thông đường thủy.

Ủy ban ATGT Quốc gia vừa có công điện yêu cầu Bộ GTVT, Công an, các ngành liên quan và Ban ATGT các địa phương tăng cường thực hiện quy định pháp luật về an toàn kỹ thuật đối với phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa. Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân đăng ký đăng kiểm phương tiện thủy theo quy định pháp luật; tiến hành điều tra, đánh giá, tổng hợp số lượng phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là các phương tiện chở khách. Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy chủ trì, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng chuyên đề kết hợp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện đăng ký đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại chỗ cho người dân.
Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.