Xây sân bay Long Thành:

Cần hết sức thận trọng với nhà thầu ngoại không đủ năng lực kỹ thuật

Chủ Nhật, 03/09/2017, 07:45
Đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án sân bay quốc tế Long Thành. Trước đó, dư luận cũng từng dấy lên lo ngại khi có nhà đầu tư trong nước muốn phối hợp cùng nhà đầu tư Trung Quốc tham gia dự án này.


Tại buổi làm việc này, Bộ GTVT đã thống nhất định hướng ACV vẫn là Tổng công ty Nhà nước có vai trò chủ đạo trong đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không nói chung, trong đó có sân bay Long Thành.  

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu lãnh đạo ACV tiếp tục thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư, chậm nhất đầu năm 2019 phải hoàn thiện hồ sơ gửi các bộ ngành lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Đồng thời phối hợp với tỉnh Đồng Nai trong thực hiện các thủ tục cho công tác giải phóng mặt bằng.

Một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm đến dự án sân bay Long Thành và tìm kiếm cơ hội được tham gia.

Ngoài chi phí giải phóng mặt bằng, toàn bộ chi phí xây dựng sân bay Long Thành không thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn liên quan đến nợ công của Chính phủ mà phải tự huy động từ bên ngoài. Trên cơ sở đó, ACV phải chủ động chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng tham gia đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. 

Về phía ACV đã chuẩn bị khoảng hơn 40.000 tỉ đồng cho cả 2 giai đoạn đầu tư, từ năm 2019 -2021 và giao đoạn từ năm 2022 – 2025 để có thể khởi công dự án ngay sau khi được Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi. Đây cũng là nguồn lực quan trọng với tư cách là phần vốn đối ứng Nhà nước để thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư.

Về tiến độ của dự án, một nguồn tin cho biết hiện nay ACV đang trong quá trình lên phương án kêu gọi nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ báo cáo Bộ GTVT để bộ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Chỉ khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi thì mới chốt được các hạng mục đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, tổ chức đấu thầu. Trong khi Quốc hội chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi làm cơ sở khởi công dự án thì một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm đến dự án quan trọng này và tìm kiếm cơ hội được tham gia.

Mới đây, Tập đoàn Geleximco đã tái đề nghị Chính phủ cho phép tham gia đầu tư xây dựng sân bay Long Thành đang khiến dư luận dấy lên lo ngại vì theo đề xuất, Geleximco sẽ cùng đối tác Trung Quốc là Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Duong Quang (KAIDI) thực hiện dự án. Theo ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc ACV, Geleximco kết hợp với nhà đầu tư Trung Quốc nên phải xem họ đầu tư toàn bộ hay là tham gia một số hạng mục. Nếu Geleximco kiến nghị Chính phủ tham gia đầu tư một số hạng mục là hợp lý nhưng nếu kiến nghị đầu tư toàn bộ sân bay Long Thành thì không phù hợp. Đối với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sân bay phải có đủ các điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực này. Hiện nay chưa thể đánh giá được vì Geleximco mới chỉ đưa ra ý tưởng, chưa rõ nguồn vốn đầu tư và các  điều kiện cụ thể. 

Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, xây dựng sân bay Long Thành cần hết sức thận trọng đối với nhà thầu Trung Quốc. Về nguyên tắc, Luật Đấu thầu không phân biệt đối xử đối với bất cứ doanh nghiệp nào, càng không phân biệt doanh nghiệp đến từ quốc gia nào. Nhưng ngay từ vòng dự thầu, doanh nghiệp phải có đủ điều kiện về vốn, kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật… mới được tiếp nhận hồ sơ, chưa nói đến việc có trúng thầu hay không. 

Thực tiễn cho thấy nhiều nhà thầu của Trung Quốc tham gia vào các công trình của Việt Nam có năng lực yếu kém, khiến các công trình bị chậm tiến độ, đội vốn, thi công thiếu an toàn… Do đó phải có tiêu chí cụ thể để loại bỏ các nhà thầu năng lực yếu kém; đặc biệt khâu chấm thầu phải giao cơ quan độc lập, khách quan thực hiện, không nên giao chủ đầu tư.

Đặng Nhật
.
.
.