Hiến kế tìm nguồn 18.000 tỷ giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành

Thứ Tư, 14/06/2017, 10:09
Trong khi Quốc hội đang băn khoăn về việc có hay không cho phép tách dự án thành phần giải phóng mặt bằng, tái định cư cho sân bay Long Thành khi vốn đầu tư còn thiếu đến hơn 18.000 tỷ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa cho biết, Bộ này sẽ phối hợp với các Bộ xem xét bổ sung số tiền này từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 200.000 tỷ “nếu có điều kiện”.

Nhiều dự án cấp bách chưa được bố trí vốn

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2015 bằng Nghị quyết 94. Theo đó, dự án được đầu tư làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 114.450 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2014) sẽ đi vào khai thác vào năm 2025.

Cũng theo Nghị quyết này, trong từng giai đoạn, Chính phủ phải có báo cáo khả thi trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, hiện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến năm 2019, báo cáo khả thi này mới có thể hoàn thành và trình ra Quốc hội, nên sẽ trễ nếu đến lúc Quốc hội thông qua mới bắt đầu giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Chính phủ đã trình Quốc hội trong kỳ họp này việc tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập để triển khai trước. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH đang rất băn khoăn về số tiền cần để giải phóng mặt bằng, tái định cư - theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai là 23.019 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2017), trong khi mới xác định được nguồn vốn 5.000 tỷ đồng.

Đối với số vốn còn thiếu khoảng 18.019 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn để tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không quên “mở ngoặc”, số vốn này sẽ chỉ được bố trí “nếu có điều kiện”.

Hiện nay, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, do nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; việc sử dụng các khoản dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được Quốc hội cho phép, nên còn một số dự án quan trọng, cấp bách chưa cân đối được nguồn bố trí như: Dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chưa cân đối được vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho công tác giải phóng mặt bằng (4.800 tỷ đồng - theo Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT cho biết); Dự án nâng cấp mở rộng QL19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL1 (tỉnh Bình Định); Dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình;...

Nhiều dự án cấp bách chưa được bố trí vốn vì ngân sách eo hẹp.

Tất cả đều “trông” vào nguồn dự phòng đầu tư trung hạn?

Được biết, trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, Chính phủ sẽ xem xét sử dụng một phần vốn trái phiếu Chính phủ để giải quyết trước một số dự án thực sự cấp thiết như Dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ bổ sung nguồn vốn từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách nêu trên.

Trong báo cáo của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh: Việc mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn vốn dẫn tới tình trạng co kéo trong bố trí vốn đầu tư tại các bộ, cơ quan, địa phương, bố trí không đủ tỷ lệ, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, không rõ ràng về sắp xếp thứ tự ưu tiên, kéo dài thời gian thực hiện dự án, bố trí vốn dàn trải...

Trong một số trường hợp, bộ, cơ quan, địa phương cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn thiếu, nhưng theo quy định, việc lựa chọn danh mục dự án và bố trí cụ thể cho từng dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương.

Ngược lại với bối cảnh co kéo của ngân sách, việc sử dụng vốn đầu tư công vẫn được cho biết có lãng phí ở nhiều khâu. Nhiều nơi vẫn quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương do quy trình quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định chủ trương không chặt chẽ... dẫn tới dự án không hiệu quả, hoặc “đắp chiếu để đấy”, không phát huy tác dụng, lãng phí phần vốn đã được đầu tư...; Quyết định đầu tư không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn tới không khả thi trong quá trình thực hiện, công trình dở dang, không đủ vốn để hoàn thành, hoặc không có vốn để bố trí, lãng phí kinh phí chuẩn bị đầu tư...

Một số nơi còn phê duyệt tổng mức đầu tư cao hơn thực tế, trong đó nguyên nhân chủ yếu là hệ thống đơn giá, định mức chưa phù hợp; năng lực của cơ quan kiểm tra, thẩm định dự án còn yếu, dẫn tới tình trạng chi phí đầu tư dự án cao hơn thực tế, tình trạng đội giá, thực hiện những hạng mục không cần thiết, không có hiệu quả sử dụng...

Vũ Hân
.
.
.