Nạn nhân mua bán người được đề xuất các quyền và nghĩa vụ nào?

Thứ Sáu, 25/10/2024, 06:39

Hỏi: Tôi được biết, một trong những nguyên tắc trong xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là trung tâm. Xin hỏi, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đề xuất các quyền và nghĩa vụ nào đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân? (Minh Quân, TP Hạ Long)

Trả lời: Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Theo dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có quyền sau đây:

 - Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích của mình theo quy định của Luật này khi bị xâm hại, đe dọa xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.

- Được thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các biện pháp phòng ngừa mua bán người.

- Được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật này hoặc từ chối nhận hỗ trợ.

- Được bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi cư trú, làm việc, các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

- Được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân.

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Được từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ.

- Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống mua bán người.

Dự thảo Luật cũng quy định, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có nghĩa vụ sau đây:

- Chấp hành đầy đủ yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ.

- Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người.

- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống mua bán người.

So với Luật Phòng, chống mua bán người, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ban KT-PL
.
.
.