Trách nhiệm pháp lý vụ bé trai tử vong trong xe đưa đón học sinh

Thứ Tư, 07/08/2019, 16:22
Khi phụ huynh giao con lên xe đưa đón học sinh của nhà trường thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nhà trường, thế nhưng nam sinh lớp 1 vắng mặt từ sáng đến chiều mà… không ai biết. Để xảy ra vụ việc đau lòng ở Trường Quốc tế Gateway, trách nhiệm của nhà trường và những người liên quan sẽ thế nào?

Trao đổi với PV Báo CAND, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, cho biết: Đây là một việc đau lòng và cần lên án hành động cẩu thả của những người đã đưa đón các cháu và của trường này. Theo thông tin ban đầu anh Sơn (cha cháu bé) cho biết với báo chí thì, 7h sáng 6-8, vợ chồng anh đưa con trai là L.H.L. (6 tuổi) đến điểm đón ở phố Yên Hòa để tới Trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) học tập. Đây là buổi thứ hai bé L. học tại ngôi trường này. Sau khi giáo viên của Trường Quốc tế Gateway đón bé L. lên xe, vợ chồng anh Sơn yên tâm đi làm như mọi ngày.

Đại diện các cơ quan chức năng của quận Cầu Giấy (Hà Nội) tại buổi họp báo. (Ảnh: C.Thắng)

Có thể thấy, khi cha mẹ giao con cho xe của nhà trường thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nhà trường. Vậy nhưng cả ngày mà thầy cô trường/lớp không biết học sinh của mình có đến lớp hay không thì thật là tắc trách giữa cái thời buổi công nghệ chỉ cần một cú điện thoại.

Như vậy, có thể thấy trách nhiệm trực tiếp và đầu tiên ở đây là cô giáo, người đã trực tiếp đón nhận cháu bé. Với trách nhiệm của mình cô giáo đón cháu buộc phải nhớ và bàn giao cháu bé cho cô giáo chủ nhiệm và kiểm tra phát hiện trên xe có cháu nào chưa xuống hay không, còn nếu là cô giáo chủ nhiệm thì càng bị lên án bởi cả một ngày cô giáo đã làm gì khi không điểm danh và liên hệ với phụ huynh...

Như vậy, cho dù với lý do gì thì hành động bỏ quên, không kiểm tra của cô giáo là người phải chịu trách nhiệm hình sự đầu tiên. Trong trường hợp này cô giáo đưa đón phải chịu trách nhiệm với hành vi vô ý làm chết người do mình gây ra. Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy chính hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra còn có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hậu quả chết người xảy ra là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.

Trong trường hợp này mối quan hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người quá rõ ràng. Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra. Ý thức của cô giáo đưa đón là lỗi vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin. Thiếu cẩn trọng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.

Tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự) như sau: "1- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo thông tin mới nhất, được biết cô giáo chủ nhiệm đã có thông báo về sự vắng mặt của cháu cho Ban quản trị. Thế nhưng khi Ban quản trị tiếp nhận thông tin đã không liên lạc với phụ huynh để kiểm tra trường hợp của cháu. Nếu Ban quản trị không tắc trách thì có lẽ hậu quả không xảy ra đối với cháu. Do vậy, ai là người đã tiếp nhận thông tin này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nêu trên do lỗi vô ý của mình.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật.

Cũng qua thông tin đăng tải trên báo chí về buổi họp báo liên quan đến vụ việc đau lòng này, được biết trên địa bàn quận Cầu Giấy không có trường quốc tế thế nhưng tại sao ngôi trường này vẫn treo bảng quốc tế và thu học phí ngất ngưỡng đồng thời đã để xảy ra hậu quả chết người? Vì vậy, cũng cần điều tra và xử lý hành vi quảng cáo không đúng sự thật hay lừa dối phụ huynh...

K.Hiền (thực hiện)
.
.
.