Lực lượng Cảnh vệ được huy động người và phương tiện trong trường hợp nào?
- Luật Cảnh vệ có hiệu lực từ 1-7-2018
- Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ
- Toạ đàm thảo luận, lấy ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ
“Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ được huy động người, phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó, trừ trường hợp phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Nước CHXHCN Việt Nam là thành viên”, Điều 22 Luật Cảnh vệ quy định rõ.
Luật Cảnh vệ có hiệu lực từ ngày 1-7-2018 quy định, lực lượng Cảnh vệ là cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ An ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo quy định của Luật này, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam; Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ.
Điều 20 của Luật quy định, trong khi thi hành công vụ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội có quyền quyết định áp dụng, sử dụng biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Có quyền yêu cầu đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ và phối hợp, hỗ trợ lực lượng Cảnh vệ khi cần thiết. Được quyền huy động người, phương tiện theo quy định tại Điều 22 của Luật này.
Một buổi diễn tập của lực lượng Cảnh vệ. |
Được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông hoặc hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam khi có căn cứ xác định hoạt động này có thể gây nguy hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
Đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ, Luật quy định, có quyền hạn sử dụng biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật Cảnh vệ và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; giấy bảo vệ đặc biệt, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và tín hiệu của xe ưu tiên.
“Cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ được mang vũ khí, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không và lên tàu bay. Được kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật mang theo, phương tiện ra, vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ.
Được tạm giữ người, đồ vật mang theo, phương tiện ra, vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ khi có căn cứ cho rằng, người, đồ vật, phương tiện đó có nguy cơ gây nguy hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
Được huy động người, phương tiện theo quy định tại Điều 22 của Luật này”. Luật nêu rõ. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ để đảm bảo an toàn cho đối tượng cảnh vệ trong mọi tình huống.
Ngoài quyền hạn được giao, cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ có trách nhiệm “Tuyệt đối giữ bí mật về công tác cảnh vệ, thực hiện nghiêm biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”, khoản 1, Điều 19 của Luật quy định.
“Cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ huy động người, phương tiện có trách nhiệm hoàn trả phương tiện ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Nếu người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách quy định tại khoản 2, Điều 7 của Luật này.
Trường hợp phương tiện được huy động bị mất mát, hư hỏng thì cơ quan có cán bộ, chiến sĩ huy động phải đền bù theo quy định của pháp luật”, khoản 2, Điều 22 nêu rõ. Luật Cảnh vệ cũng quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ hoặc hành vi vi phạm khác thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhà nước đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ theo quy định của pháp luật và giữ bí mật thông tin mà họ cung cấp.