Đàn chó tấn công bé trai 7 tuổi gây tử vong: Phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe
Cái chết đau đớn vì chó cắn
Sáng 4-4, trao đổi với đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chúng tôi được biết, vào 21h30 ngày 3-4, bệnh viện tiếp nhận bé trai 7 tuổi, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (Hưng Yên) với đa vết thương ở hai vai, rất sâu ở vùng bẹn, đồng tử giãn 2 bên, không đo được huyết áp.
Các bác sĩ đã cố gắng cấp cứu cho cháu, song do tình trạng bệnh nhân nặng, không có khả năng cứu chữa nên hơn 22h, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà. Theo Công an huyện Kim Động, cháu bé đã tử vong vào 23h cùng ngày.
Người nhà cháu bé cho biết, chiều tối 3-4, cháu đang chơi ở sân vận động cạnh nhà, bất ngờ một đàn chó lao ra xông vào đuổi cắn khiến cháu bé bị thương nặng. Người dân phát hiện đã đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên trong tình trạng mất máu nặng, tim có dấu hiệu ngừng đập. Cháu được truyền 4 đơn vị máu, thực hiện ép tim, khi tim cháu đập trở lại đã được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.
Được biết, bố mẹ cháu bé là người thuê nhà của bà Lê Thị An ở gần sân vận động. Đàn chó cắn cháu khoảng 6 con là chó của gia đình bà An nuôi.
Chó thả rông cắn người gây thương tích liên tiếp xảy ra trong thời gian qua. Đã có nhiều người mất đi tính mạng vì chó cắn, đặc biệt là chó dại. BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là thương tích, tử vong do súc vật cắn vẫn thường xảy ra. Trong khi chờ Nghị định được thực thi, chúng ta phải tự cứu mình trước.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, cha mẹ phải luôn theo sát, để mắt, kiểm tra con. Trẻ em trên 6 tuổi cha mẹ phải hướng dẫn con các kỹ năng phòng tránh như: Kêu cứu, tự phòng vệ, tự bảo vệ…
Tuy nhiên, với súc vật như chó, đặc biệt các loại chó hung dữ như becgie, chó ngao Tây Tạng…, khi bị tấn công đến người học võ cũng khó chống đỡ. Do vậy, người nuôi chó cần thực thi nghiêm quy định đã có trong Nghị định, cơ quan chức năng cần phân công người giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm một cách nghiêm túc, có trách nhiệm chứ không phải làm cho có, làm rồi để đấy.
Cần phải xử lý nghiêm chủ nuôi chó thả rông. |
Phải xử lý hình sự
Hơn 2 năm thực thi Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay việc thả rông chó vẫn diễn ra nhan nhản. Ở Hà Nội còn có “phố khoe chó”, hoặc chó phóng uế bừa bãi ở Công viên Lê Nin khi ngay ngoài cổng có tấm biển “Cấm dắt chó vào”. Trang bị rọ mõm cho chó là để bảo vệ chính người nuôi và người xung quanh, nhưng rất ít người nuôi thực hiện.
Chó thả rông ngoài đường gây nguy hiểm cho con người, đặc biệt là chó không tiêm ngừa vaccin phòng dại. Theo Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Hồng Phú thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội thì nuôi chó như thế nào để an toàn cho bản thân và xã hội là câu chuyện pháp lý cả xã hội phải quan tâm.
Bởi lẽ mỗi năm, Việt Nam có khoảng 400.000 vụ chó cắn người, nhẹ thì thương tích, nặng thì tàn tật, mất mạng. Nhiều vụ chó cắn hết sức nghiêm trọng, gây thương tâm, ám ảnh như ông chủ bị chính 4 con chó do mình nuôi lao vào cắn xé, nhiều người phải dùng gậy đánh chó mới có thể cứu được chủ; có em bé bị cắn nát mặt, phải khâu đến 7,5m chỉ; có em thì bị cắn đứt khí quản…
Chó có đặc tính dã thú là truy đuổi, cắn xé con mồi, mức độ sát thương rất cao, có khả năng truy bắt và tấn công những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Chính vì vậy, Khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt từ 600.000 đến 800.000 đối với chủ nuôi không tiêm phòng bệnh cho chó, không rọ mõm chó khi đưa chó ra ngoài công cộng.
Khi chó gây ra thiệt hại, thì người nuôi chó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự 2015. Thậm chí nếu chó cắn chết người, thì người nuôi chó còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” được quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Khách thể của tội này là xâm phạm quyền sống của con người, hậu quả làm chết người.
Mặt khách quan của tội này là không rọ mõm chó khi thả ra ngoài công cộng, mặt chủ quan của tội này là lỗi vô ý cẩu thả, vì người nuôi chó không nhận thức trước về khả năng đàn chó cắn chết người khi không rọ mõm, nên không cẩn trọng khi thả chó ra; mặt chủ thể của tội này là người nuôi chó trên 16 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Hình phạt đối với tội vô ý làm chết người là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người nuôi chó còn phải bồi thường theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Hình sự đã nêu trên.
Theo Luật sư Hùng, nhà nước ban hành pháp luật rất chặt chẽ, nhưng các tổ chức cá nhân thực hiện chưa đầy đủ, việc kiểm tra giám sát, xử lý chưa nghiêm dẫn đến tình trạng này. Còn Theo BS Nguyễn Trọng An, các Nghị định muốn đi vào cuộc sống thì phải phù hợp và có con người thực hiện. Trường hợp chó cắn cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên tử vong gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vậy phải có người chịu trách nhiệm? Người đứng đầu xã, phường, cán bộ thôn, xóm phải chịu trách nhiệm trong việc tuyên truyền pháp luật và thực thi pháp luật. Theo BS Nguyễn Trọng An, trường hợp nuôi súc vật đặc biệt nguy hiểm gây thương tích và tử vong cho người khác cần phải căn cứ vào tính chất, mức độ, nếu nặng phải bị xử lý hình sự.