11 điểm mới cơ bản của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015

Chủ Nhật, 07/01/2018, 07:38
Cùng với Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 cũng chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018.


BLTTHS năm 2015 đã thể chế hóa toàn diện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; kế thừa, phát triển các quy định còn phù hợp của BLTTHS năm 2003; hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự nhằm bảo đảm tính thống nhất nội tại của BLTTHS và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội; tăng cường trách nhiệm các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; xác định rõ trách nhiệm của từng chức danh tố tụng; cụ thể hóa trình tự, thủ tục tạo điều kiện để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của luật; bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.

Báo CAND xin tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Những điểm mới cơ bản của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015” của Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an.

Ngày 27-11-2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua BLTTHS năm 2015. Theo đó, so với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã tăng 164 điều, trong đó bổ sung mới 176 điều, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều; có thể khái quát những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung như sau:

Một là, bổ sung quy định các nguyên tắc phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn

Hệ thống các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS năm 2015 được quy định tại Chương II gồm 27 nguyên tắc, trên cơ sở điều chỉnh 30 nguyên tắc của BLTTHS năm 2003 và bổ sung một số nguyên tắc đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận nhằm khắc phục những hạn chế của BLTTHS năm 2003, bảo đảm các quy định về nguyên tắc cơ bản đúng nghĩa là những tư tưởng chỉ đạo đối với việc xây dựng và thực hiện BLTTHS, tạo cơ sở cho việc hình thành những chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Nguyên tắc tố tụng hình sự chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống quy phạm pháp luật tố tụng hình sự, thể hiện bản chất của tố tụng hình sự và tính dân chủ trong hoạt động tố tụng hình sự, là cơ sở để xây dựng các nội dung trong Bộ luật.

Theo đó, BLHS năm 2015 đã bổ sung các nguyên tắc sau: nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13); nguyên tắc không ai bị kết án 02 lần vì một tội phạm (Điều 14); nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra (Điều 19); nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo (Điều 26).

Hai là, quy định cụ thể trình tự, thủ tục và các hoạt động tố tụng trong từng giai đoạn nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm

BLTTHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn; xác lập đầy đủ cơ sở pháp lý để quá trình phát hiện, xử lý tội phạm được tiến hành chính xác, kịp thời, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Ba là, thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân

BLTTHS năm 2015 đã cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp thành những quy định, yêu cầu cụ thể đối với: quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong áp dụng biện pháp cưỡng chế tố tụng; bổ sung các quyền và cơ chế bảo đảm quyền của những người tham gia tố tụng.

Đặc biệt là, bổ sung quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu; bổ sung và quy định đầy đủ nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội; rút ngắn thời hạn tạm giam; quy định đầy đủ các cơ chế để người bị buộc tội thực hiện tốt quyền “tự bào chữa” và “nhờ người khác bào chữa”; bổ sung các quy định nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời, quy định nghiêm khắc các chế tài áp dụng nếu cơ quan tố tụng vi phạm quy định của luật.

Bốn là, phân định hợp lý thẩm quyền giữa các cơ quan tố tụng và giữa các cấp tố tụng

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và tháo gỡ những vướng mắc qua thực tiễn thi hành, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng: giảm số lượng vụ án do cơ quan tố tụng cấp trung ương thụ lý, để cấp này tập trung cho công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới; mở rộng diện cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với lực lượng Kiểm ngư; bổ sung, tăng cường trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tố tụng; phân định thẩm quyền giữa các cấp Tòa án nhằm tháo gỡ khó khăn cho cấp huyện.

Năm là, tăng quyền, tăng trách nhiệm cho các chức danh tư pháp

Thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và nhằm tháo gỡ bất cập trong thực tiễn, BLTTHS năm 2015 đã phân định một cách hợp lý thẩm quyền giữa Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng với người trực tiếp tiến hành tố tụng theo hướng: những thẩm quyền có tính chất quyết định việc “đóng, mở” một giai đoạn tố tụng, những thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân giao cho Thủ trưởng cơ quan tố tụng quyết định; hầu hết những thẩm quyền có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án giao cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trực tiếp quyết định. (Còn nữa)

PV
.
.
.