Cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo vẫn “tấn công” người dùng

Thứ Sáu, 15/03/2024, 08:26

Tháng 3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao có thông tin không chính xác. Sau 1 năm, khoảng 127 triệu thuê bao đã được chuẩn hóa thông tin.

Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo vẫn tiếp tục “tấn công” người dùng.

Mỗi tháng chặn 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, có dấu hiệu lừa đảo

Trước tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác giả danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp gọi điện, nhắn tin cho người dân để đe dọa, dụ dỗ vẫn còn diễn ra với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây bức xúc, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm ngăn chặn vấn nạn tin nhắn rác.

9.114.jpg -0
Người dân có thể gửi phản ánh về đầu số 5656 khi nhận được cuộc gọi rác hoặc có dấu hiệu lừa đảo. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao; bổ sung hình thức xử phạt là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 1 tháng đến 12 tháng nếu thực hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Đây là hình thức xử phạt rất nặng, nghiêm minh đối với các doanh nghiệp viễn thông.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành đối soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao của 125 triệu thuê bao đang hoạt động với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Trong đó, 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu và 10 triệu thuê bao đứng tên từ 10 SIM trở lên trên 1 giấy tờ đã bị xử lý. Trên cơ sở đó, trong năm 2024, các doanh nghiệp tập trung tiếp tục triển khai xử lý với các thuê bao đang sở hữu, đứng tên nhiều SIM. Trong tháng 3, các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai xử lý tập 8 SIM/giấy tờ, đồng thời bổ sung điều kiện xác thực OTP với thuê bao phát triển mới từ SIM thứ 2 trở đi.

Theo lãnh đạo Cục Viễn thông, việc chuẩn hoá thuê bao trong 1 năm qua thể hiện nỗ lực rất lớn của các nhà mạng. Tuy nhiên, sau chuẩn hoá, vẫn phát sinh các cuộc gọi rác, các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Do vậy, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; chỉ đạo các nhà mạng khóa 2 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh.

Đặc biệt, Bộ TT&TT sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước, góp phần xác định thuê bao chính chủ; chỉ đạo các nhà mạng khóa 2 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan.

Tuyên truyền về lừa đảo trực tuyến qua hệ thống loa phường

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết: Về góc độ kỹ thuật, phần lớn người dân bị lừa đảo trực tuyến đang sử dụng thiết bị Android màn hình nhỏ. Tỷ lệ cao nạn nhân nằm trong nhóm thu nhập thấp, người cao tuổi. Trong đó, người cao tuổi là nhóm mà kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo còn hạn chế nên các đối tượng lừa đảo tập trung chuyển hướng vào nhóm này.

Về giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn lừa đảo trực tuyến, đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng, bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện định danh tài khoản ngân hàng, SIM chính chủ thì Bộ TT&TT cũng xác định việc cập nhật, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về cách thức nhận diện hình thức lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Để tận dụng hệ thống truyền thanh cơ sở đến từng phường, xã, trong thời gian tới, Cục An toàn thông tin sẽ phối hợp với Cục Thông tin cơ sở để truyền thông tốt hơn qua hệ thống loa phường.

Cũng theo lãnh đạo Cục An toàn thông tin, hiện tại, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời một số nhóm tội phạm công nghệ cao.

Ngoài ra, một số biện pháp kỹ thuật khác đang được Cục An toàn thông tin triển khai gồm tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại; chỉ đạo, điều phối ngăn chặn các trang web vi phạm pháp luật, bảo vệ người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng; thúc đẩy phát triển cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia; tăng cường giám sát, vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn; tổ chức chỉ đạo, điều phối các nhà mạng chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Hùng Quân
.
.
.