Nở rộ mã độc tống tiền và mã độc đào tiền ảo

Thứ Hai, 12/03/2018, 09:01
Cùng với sự nở rộ các thiết bị kết nối internet và sự tăng giá chóng mặt của các đồng tiền ảo, ngày càng có nhiều cuộc tấn công mạng nhằm mục đích tống tiền và biến máy tính người dùng thành cỗ máy “ma” nhằm đào tiền ảo.

Hệ thống giám sát CyRadar (startup của FPT) cho biết, gần đây, hệ thống liên tục ghi nhận các cuộc tấn công vào mạng máy tính của nhiều doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam.

Các cuộc tấn công này đều được khai thác dựa trên lỗ hổng MS17-010 của Windows vốn đã từng được mã độc WannaCry lợi dụng, tạo ra sự bùng nổ trên toàn cầu vào tháng 5-2017. Cơ chế lây lan của mã độc này cũng tương tự WannaCry. 

Theo đó, nếu một máy tính trong mạng nội bộ (LAN) bị nhiễm mã độc thì mã độc sẽ tự động thực hiện dò quét các IP trong cùng mạng và sử dụng mã khai thác EternalBlue để lây lan qua cổng 445 của những máy tính khác. Các máy này tiếp tục có khả năng lây lan nếu chúng được kết nối sang mạng khác. 

Việc tấn công này nhằm mục đích lợi dụng tài nguyên mạng máy tính của doanh nghiệp để đào tiền ảo (đồng Monero). Gần đây nhất, hệ thống của CyRadar cũng đã ghi nhận hình thức chiếm đoạt tiền ảo vô cùng tinh vi với giá trị lên tới vài tỉ đồng. 

Mã độc đào tiền ảo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong năm 2018.

Theo đó, hacker tạo ra một email mạo danh sàn giao dịch tiền ảo CoinDesk. Khi click vào email này, nạn nhân sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo có tên miền của sàn CoinDesk. Nếu làm theo hướng dẫn trên trang web mạo danh, hacker sẽ chiếm đoạt ví lưu trữ tiền ảo của nạn nhân và chuyển toàn bộ số tiền ảo đó sang ví của hacker.

Mã độc tống tiền cũng đang là mối đe dọa hàng đầu cho các doanh nghiệp Việt. Năm 2017 đã chứng kiến nhiều vụ tấn công của loại mã độc này, điển hình là WannaCry vào ngày 12-5, ExPetr vào ngày 27-6 và BadRabbit vào cuối tháng 10. Cả 3 cuộc tấn công này, hacker đều sử dụng các mã độc để chiếm quyền kiểm soát hệ thống dữ liệu của các công ty. 

Khi bị nhiễm mã độc, máy tính sẽ bị mã hóa toàn bộ các tập dữ liệu, hacker sẽ yêu cầu nạn nhân trả tiền để gửi mã mở khóa, nếu không sẽ mất toàn bộ dữ liệu. 

Với loại mã độc này, hacker chủ yếu nhằm vào người dùng doanh nghiệp do đối tượng này dễ bị tấn công, có thể bị đòi tiền chuộc cao hơn và thường sẵn sàng chi trả để duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2017, các đơn vị chức năng đã ghi nhận hơn 17 triệu lượt truy vấn từ các địa chỉ IP của Việt Nam đến các tên miền hoặc IP phát tán, điều khiển mã độc trên thế giới, chủ yếu là kết nối tới các mạng botnet lớn như conficker, mirai, ramnit, sality, cutwai, zeroaccess… 

Ngoài ra, đơn vị này cũng đã ghi nhận hơn 19.000 lượt địa chỉ máy chủ web tại Việt Nam bị tấn công. Không chỉ vậy, có hơn 3 triệu địa chỉ IP Việt Nam thường xuyên nằm trong danh sách đen (black list) của các tổ chức quốc tế và có hơn 100.000/307.201 camera IP đang được công khai trên internet của Việt Nam tồn tại các điểm yếu và lỗ hổng bảo mật có thể bị khai thác, lợi dụng.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, trong năm 2017, có khoảng 14.000 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, gồm khoảng 3.000 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 6.500 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại (Malware) và 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface). 

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 1.500 cuộc tấn công mạng vào Việt Nam, trong đó có 962 cuộc tấn công Deface, 324 cuộc tấn công Malware và 218 cuộc tấn công Phishing. Trong số này có hàng trăm cuộc tấn công vào hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước có tên miền “.gov.vn”. 

Chỉ tính riêng năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng (540 triệu USD), trong khi con số này năm 2016 là 10.400 tỷ đồng.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc của Bkav cho biết, với sự tăng giá chóng mặt của các đồng tiền ảo, ngày càng có nhiều cuộc tấn công mạng nhằm biến máy tính người dùng thành công cụ đào tiền ảo. Hiện có 2 hình thức tấn công phổ biến nhất được hacker sử dụng là khai thác lỗ hổng website và lợi dụng mạng xã hội để phát tán virus. 

Mục tiêu của tin tặc là lây nhiễm virus cho thật nhiều máy tính để có thể tạo ra nhiều tiền ảo. Các file chứa mã độc thường có nội dung gây tò mò như “wow hot video”, “sex_video_xxx.zip”... để lừa nạn nhân. Đặc biệt, mã độc còn cài sẵn chức năng lấy cắp mật khẩu Facebook.

Các chuyên gia an ninh mạng dự báo, năm 2018 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ các cuộc tấn công phát tán mã độc tống tiền và mã độc đào tiền ảo. Ước tính, đến năm 2020, trên toàn cầu sẽ có hơn 20 tỷ thiết bị kết nối internet bị tấn công (năm 2017 là 8,7 tỷ thiết bị). 

Để đạt được mục đích cao nhất, hacker thường chọn các website có nhiều người sử dụng để tấn công và cài mã độc có chức năng đào tiền ảo. Khi người dùng truy cập vào các website này, mã độc sẽ được kích hoạt. 

Hiện có hơn 40% các website tại Việt Nam đang có những lỗ hổng nghiêm trọng khiến hacker có thể xâm nhập. Ngoài ra, hacker cũng sẽ nhằm tới mạng xã hội như Facebook, Google... do có số lượng người dùng lớn. Các sàn giao dịch tiền ảo cũng là đích ngắm của tội phạm mạng khi mà hầu hết đều không có sự bảo đảm của Chính phủ.

Trước việc nở rộ mã độc tống tiền và mã độc đào tiền ảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng tuyệt đối không mở các tập tin lạ và nếu có nghi ngờ, cần thông báo về Cục để tổng hợp, phân tích và cảnh báo về nguy cơ tấn công mạng. Đối với trường hợp đã bị lây nhiễm, người dùng cần cài đặt và cập nhật các phần mềm diệt virus để phát hiện và ngăn chặn, loại bỏ mã độc. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc CyRadar khuyến cáo người dùng cá nhân và doanh nghiệp nên trang bị các phần mềm diệt virus uy tín, đồng thời thường xuyên cập nhật các bản vá cho hệ điều hành. Dấu hiệu để nhận biết máy tính bị mã độc tấn công là tốc độ làm việc của máy chậm, nóng máy...

Chỉ số an toàn thông tin của doanh nghiệp Việt chỉ ở mức trung bình

Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam (VNISA) đã công bố chỉ số ATTT năm 2017 đối với nhóm các doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ số ATTT năm 2017 của các doanh nghiệp Việt là 54,2%, chỉ ở mức trung bình. Đáng chú ý là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có chỉ số ATTT thấp, tương đương với nguy cơ mất ATTT rất cao.

Khánh Vy
.
.
.