Từ ý tưởng đến mô hình “Giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng”
Nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định tâm lý, không tái phạm, trở thành những công dân có ích cho xã hội, mô hình chuyên đề “Giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng” đã được Công an xã Tản Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội) triển khai.
Hiệu quả bước đầu của mô hình là sự tiến bộ của những người đã từng một thời lầm lỡ; sự phối hợp đồng bộ của chính quyền địa phương và sự đồng hành của doanh nghiệp đã cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, thấu tình, đạt lý.
Chia sẻ của người trong cuộc
Giữa trưa, nắng hanh hao trải vàng như rót mật trên cung đường dẫn vào xã Tản Hồng… Trên con đường liên thôn đang sửa chữa dang dở, anh Lê Huy H (SN 1970, trú tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì) cùng những người trong thôn tất tả đổ nốt phần bê tông còn lại. Giữa những ngày đầu đông, giọt mồ hôi trên trán “túa” ra như tắm… Nhìn anh H bây giờ, ít ai biết rằng người đàn ông đó đã từng có một thời lầm lỡ.
Khi “bập” vào ma tuý, H đã có vợ, con. Ban đầu chỉ là theo chúng bạn thử rồi H nghiện lúc nào mà không hay. Chia sẻ với chúng tôi, anh H bùi ngùi: Khi bố mẹ và gia đình phát hiện, tôi đã nghiện ma tuý lúc nào mà không hay. Ban đầu chỉ là hút, sau đó đến chích…
Và cũng như các trường hợp khác, bao nhiêu tài sản trong gia đình lần lượt “đội nón” ra đi. Không chịu được người chồng nghiện ngập, bê tha, vợ con cũng bỏ anh mà đi. Sau nhiều lần cai nghiện rồi tái nghiện, anh H cũng như các đối tượng nghiện ma tuý khác đã tham gia mua bán trái phép chất ma tuý rồi bị bắt giữ và bị xử phạt 24 tháng tù.
Sau 22 tháng chấp hành án bản án, H trở về địa phương. Bố mẹ già đã mất, còn “anh em thì kiến giả nhất phận” hằng ngày, H sống lủi thủi trong căn nhà của cha, mẹ để lại. Khi anh H trở về địa phương không ít đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo… Nhưng đã đi gần nửa cuộc đời, anh H hiểu rằng phải quyết tâm đoạn tuyệt với ma tuý. Tâm sự với chúng tôi, anh H giãi bày: “Tôi đã không ít lần phải đấu tranh với chính mình. Cùng với mặc cảm còn là nỗi cô đơn, trống trải…”.
Trong danh sách những người đã từng một thời lầm lỗi, Trung tá Nguyễn Đình Trà, Trưởng Công an xã Tản Hồng đặc biệt chú ý đến trường hợp của anh H… Sau khi tìm hiểu về gia cảnh của anh H, Công an xã Tản Hồng phối hợp với Trưởng thôn và Công an viên đã thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của anh H.
Đồng thời, họ tìm gặp một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân để vận động, giúp đỡ người lầm lỗi. Một doanh nghiệp trên địa bàn đã đồng ý giúp đỡ anh H vào làm bảo vệ tại công ty. Có việc làm, anh H đã xoá đi mặc cảm, yên tâm lao động và làm lại cuộc đời.
Anh H chỉ là một trong những người lầm lỡ đã và đang được giúp đỡ tại Tản Hồng.
Đổi thay ở một địa bàn
“Tiếng lành đồn xa”, hiệu quả của mô hình đã thôi thúc chúng tôi tìm về Tản Hồng, xã ven sông Hồng của huyện Ba Vì vào những ngày đầu đông. Lúc chúng tôi đến, Trưởng Công an xã Tản Hồng, Trung tá Nguyễn Đình Trà cùng các thành viên trong Ban Chỉ huy Công an xã vừa từ địa bàn trở về.
“Các nhà báo chắc chờ đã lâu…”, Trưởng Công an xã Tản Hồng mở lời thay câu chào. Anh tiếp lời: Anh em chúng tôi vừa xuống cơ sở gặp gỡ các chủ doanh nghiệp, động viên họ hợp tác rồi đưa ra danh sách các công ty với hàng loạt các ngành nghề kinh doanh như bán buôn máy vi tính, cưa xẻ, sản xuất gỗ dán…
Năm 2019, thực hiện chủ trương của Bộ Công an về đưa Công an chính quy về xã, Trưởng Công an xã Tân Hồng, Trung tá Nguyễn Đình Trà cùng đồng đội xuống địa bàn. Những ngày đầu, địa bàn mới, lĩnh vực công tác mới, anh em lại từ các đơn vị khác nhau nên cán bộ, chiến sĩ động viên nhau khẩn trương bắt tay vào nhiệm vụ.
Xã Tản Hồng nằm ở phía Bắc của huyện Ba Vì, địa bàn xã có đường bờ sông tiếp giáp với các tỉnh lân cận như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Khi cây cầu Văn Lang nối Ba vì với TP Việt Trì (Phú Thọ) đi vào hoạt động, thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế nhưng cùng tiềm ẩn các hoạt động phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) liên quan đến đối tượng hoạt động tín dụng đen, cố ý gây thương tích…
Một số người dân đi làm ăn xa mang theo các tệ nạn xã hội trở về địa phương. Một xã chỉ với hơn 3.523 hộ đã có tới tới 70 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong số đó có 6 người chưa đủ thời gian xoá án tích…
Những ngày lăn lộn ở địa bàn, nắm bắt tình hình, trực tiếp gặp gỡ và tiếp xúc, anh nhận thấy phần lớn những người chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương đều mang trong mình mặc cảm; đa phần không có việc làm ổn định… Phải làm gì để đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật; nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương?
Câu hỏi đó cứ thôi thúc Trung tá Nguyễn Đình Trà. Bởi nếu cảm hoá tốt thì đây sẽ là một biện pháp phòng ngừa xã hội hiệu quả, góp phần giảm được tội phạm. Song muốn làm được điều đó thì chỉ lực lượng Công an không đủ mà đòi hỏi phải có sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Từ những suy nghĩ đó, Công an xã Tản Hồng đã tham mưu với Đảng uỷ xã Tản Hồng xây dựng mô hình “ Giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng”. Ý tưởng của Công an xã Tản Hồng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Đảng uỷ và chính quyền địa phương.
Một nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, xây dựng mô hình “Giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng” đã được triển khai. Theo đó, để thực hiện tốt mô hình, Đảng uỷ xã Tản Hồng đã yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể trong xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 5 mục tiêu và nhiệm vụ.
Trong đó, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, nhân dân, gia đình và xã hội; huy động các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn…, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi để họ phát triển kinh tế, gia đình, tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội, ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng…
Sau khi chuyên đề được triển khai, Công an xã Tản Hồng với vai trò là lực lượng nòng cốt, đã bắt tay vào việc tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Những ngày đó, cán bộ Công an xã Tản Hồng đã phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự và các lực lượng có liên quan “lăn lộn” ở địa bàn nắm tình hình.
Danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng có biểu biện nghi vấn đã được dựng lên. Số các vụ việc xảy ra trên địa bàn cũng được rà soát; đồng thời, phân loại số người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng…
Cùng với đó, Công an xã Tản Hồng đã tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý, giám sát, theo dõi người chấp hành xong án phạt tù; phân công người quản lý, giúp đỡ người lầm lỗi. Cùng với đó, tăng cường làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình; rà soát, phần loại số người chấp hành xong án phạt tù, tái hoà nhập cộng đồng; hỗ trợ các thủ tục pháp lý, làm thủ tục đề nghị Toà án có thẩm quyền xem xét, quyết định xoá án tích trong trường hợp đặc biệt cho người chấp hành xong án phạt tù đã có tiến bộ rõ rệt và có công theo quy định của pháp luật.
“Mặt khác, Công an xã cũng xây dựng các mảng bài viết, tuyên truyền đến nhân dân về phương thức và thủ đoạn phạm tội của các đối tượng thông qua các buổi họp chi bộ thôn, họp giao ban UBND xã. Từ đó, ý thức chấp hành của người dân cũng được nâng lên”, Trung tá Nguyễn Đình Trà cho biết thêm.
Sau khi lên danh sách các đối tượng cần giúp đỡ là việc vận động các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh hợp tác với cơ quan Công an trong việc tạo công ăn, việc làm cho những người đã từng một thời lầm lỗi, đây là việc không dễ dàng.
Công an xã Tản Hồng đã tham với UBND xã chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, tổ chức xã hội, khu dân cư, tổ chức vận động các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn hoạt động từ thiện, nhân đạo…
Tranh thủ vào những lúc ngoài giờ, cán bộ Công an xã Tản Hồng đến từng doanh nghiệp để gặp gỡ. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công ăn việc làm khó khăn, một số còn e dè vì chưa thực sự tin tưởng vào sự tiến bộ của của những người đã từng một thời lầm lỗi.
Cùng với sự phối hợp giúp đỡ của chính quyền địa phương, Công an xã Tản Hồng đã phối hợp với Công viên phụ trách thôn rà soát các công ty trên địa bàn có đủ điều kiện, có khả năng tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động…
Từ sự vào cuộc của các lực lượng mà Công an là nòng cốt, một số trường hợp lầm lỗi đã có những chuyển biến tích cực. Hiệu quả của mô hình đã góp phần phòng ngừa tội phạm.
Đánh giá về hiệu quả của việc đưa Công an chính quy xuống xã, đồng chí Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng cho biết: Từ khi Công an chính quy về xã, an ninh chính trị được đảm bảo, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống tội phạm cũng được nâng lên…Từ đó, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.