Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội
Vào đầu tháng 4 vừa qua, có đối tượng điện thoại giới thiệu là Công an liên lạc cho bà N.T.L trú tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La) hướng dẫn tải ứng dụng CỔNG DỊCH VỤ CÔNG giả mạo có gắn mã độc theo đường link “dichvucong.bvgov.com”.
Trong quá trình tải ứng dụng về, đối tượng đã hướng dẫn bà L làm theo các thao tác và yêu cầu bà L chuyển 10.000 đồng vào tài khoản của đối tượng là phí thực hiện cập nhật thông tin. Trong quá trình đợi ứng dụng chạy và tải tài khoản ứng dụng ngân hàng thực hiện phí chuyển tiền cho đối tượng. Bà L đã bị chiếm đoạt số tiền gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Thượng tá Phạm Hoàng Hiển, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Sơn La, thông tin: Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Phương thức thủ đoạn lừa đảo tinh vi, nhắm đến nhiều nhóm đối tượng, song chủ yếu là người ít tiếp xúc, cập nhật các thông tin về thời sự, xã hội, như: Người cao tuổi (đa số là phụ nữ), sinh viên, nhân viên văn phòng… mỗi nhóm độ tuổi khác nhau, đối tượng phạm tội sẽ thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là chúng đánh vào tâm lý lo sợ, lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng và chiếm đoạt tài sản.
Cũng theo lực lượng Công an Sơn La, gần đây nổi lên một số phương thức thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, như: Chiếm quyền quản trị(hack tài khoản)hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người dân rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt; kết bạn làm quen qua mạng xã hội(Facebook, Zalo, Tiktok…)hứa hẹn yêu đương, tặng quà hoặc vay tiền rồi lừa đảo. Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo gọi điện yêu cầu, hướng dẫn bị hại cài đặt phần mềm cổng dịch vụ công, định danh điện tử mức 2, sau đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị, truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tài sản; giả mạo là nhân viên các sàn thương mại điện tử, như: Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn nhắn đăng tuyển cộng tác viên bán hàng online…; mua bán hàng trực tuyến, đăng bán các mặt hàng lên mạng xã hội, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Một số đối tượng còn giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính cho vay tiền dẫn dụ người dân làm cộng tác viên bán hàng trực tuyến trên mạng… yêu cầu người dân cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Chủ động đấu tranh, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền. Trong đó, tập trung khai thác tối đa ưu thế hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, các hội nhóm đông thành viên, người có uy tín, ảnh hưởng trên không gian mạng; phối hợp xây dựng các bài viết, ấn phẩm, phóng sự, chuyên mục về đề tài phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, phát trên các kênh truyền thông, báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình; xây dựng đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chi bộ; sử dụng đa dạng các hình thức nghệ thuật biểu diễn, như: Các video clip ngắn, phim truyện để truyền tải các thông điệp về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng… nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và “sức đề kháng” cho người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo qua mạng. Tăng cường phối hợp, trao đổi với lực lượng công an trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thượng tá Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, cho biết: Trong năm 2023, lực lượng Công an toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết 16 tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, gây thiệt hại trên 12,2 tỷ đồng; khởi tố 7 vụ. Tính riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 4 tin báo, tố giác về lừa đảo trên không gian mạng, với số tiền bị chiếm đoạt trên 13,6 tỷ đồng. Song trên thực tế số vụ lừa đảo nhiều hơn số liệu thống kê, trong đó nhiều trường hợp bị hại là cán bộ, công chức, viên chức sau khi biết bị lừa, không tố cáo do lo ngại ảnh hưởng đến uy tín, công việc.