Những cán bộ Công an nhiều lần trả tài sản cho người dân đánh rơi
Trong một lần tác nghiệp tại chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19 tại ấp Xẻo Chích, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), chúng tôi nghe chuyện về một cán bộ Công an nhiều lần nhặt được và trả lại tài sản cho người dân đánh rơi- đó là Đại úy Nguyễn Phi Công, Phó Đội trưởng Đội Kỹ thuật hình sự Công an huyện Vĩnh Lợi.
Như bao cán bộ, chiến sĩ (CBCS) khác của Công an huyện Vĩnh Lợi, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn tỉnh, với tinh thần “Mỗi CBCS Công an là một chiến sĩ tiên phong tuyến đầu phòng, chống dịch”, Đại úy Nguyễn Phi Công không quản ngại khó khăn, xa gia đình để ứng trực 24/24h, thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu nhằm kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Công việc kiểm soát tại các chốt phòng, chống dịch vốn khó khăn, vất vả nhưng ngay tại cửa ngõ giáp ranh liên tỉnh thì càng hiểm nguy bội phần. Là chốt trưởng, hàng ngày Đại úy Nguyễn Phi Công đều có mặt tại chốt để phối hợp với bộ phận y tế, quân sự, dân phòng kiểm tra người, phương tiện ra vào địa bàn tỉnh, hướng dẫn người dân khai báo y tế theo quy định.
Với ánh mắt tinh tường của người lính kỹ thuật hình sự, nhiều lần Đại úy Nguyễn Phi Công phát hiện ra các tài xế lợi dụng thẻ nhận diện “luồng xanh” để chở người từ vùng dịch về Bạc Liêu, kịp thời xử lý.
Đã hơn 4 tháng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát, cũng là ngần ấy thời gian anh và đồng đội xa gia đình, xa người thân. Song, bằng tất cả trách nhiệm với nhân dân, Đại úy Nguyễn Phi Công và CBCS tại chốt luôn xông pha trên trận tuyến phòng, chống dịch.
Tận mắt chứng kiến CBCS thâu đêm trực chốt kiểm soát, cùng ăn những hộp cơm nguội ngắt, khô rời hạt, dầm mưa như trút hay nắng như đổ lửa… mới cảm nhận được những giọt mồ hôi đẫm trên áo, thấu hiểu hết nỗi vất vả, sự hy sinh thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch.
Câu chuyện về Đại úy Nguyễn Phi Công không chỉ dừng ở sự vất vả mà anh trải qua hàng ngày nơi chốt cửa ngõ giáp ranh mà còn ở nghĩa cử đời thường, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. Đó là trả lại tài sản cho người dân đánh rơi.
Đại úy Nguyễn Phi Công không nhớ nổi đã nhặt tài sản, giấy tờ trả lại cho người dân bao nhiêu lần. Chỉ nhớ mỗi lần người dân đến nhận lại tài sản là những nụ cười chứa chan niềm hạnh phúc, là ánh mắt xúc động khi tìm thấy số tiền có khi là cả “gia tài” trong những ngày khó khăn do dịch bệnh.
Với lưu lượng người, phương tiện qua chốt hàng ngày rất đông, việc người dân đánh rơi, bỏ quên giấy tờ sau khi làm thủ tục khai báo y tế là điều không tránh khỏi. Song, khi làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân, Đại úy Công luôn chú ý quan sát để kịp thời trao trả lại tài sản cho người dân.
Với những trường hợp không tìm ra người đánh rơi để trao trả trực tiếp, Đại úy Công chụp ảnh lại rồi thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo cá nhân để đăng lên tìm người đánh rơi. Với cách làm đó, cùng sự lan tỏa đến từ cộng động mạng, đã hàng chục lần những chiếc ví tiền, những tờ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, bằng lái xe… nhanh chóng quay về với chủ nhân.
Lúc 7h20 ngày 29/9, Trung tá Tạ Thanh Hoà, Phó Trưởng Công an xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), đến chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19 đặt tại đường ra vào chợ Nhu Gia để kiểm tra thì phát hiện tại chốt có một túi vải nhỏ màu đỏ nằm dưới đất nên anh nhặt lên, mở kiểm tra thì thấy bên trong có hai đôi hoa tai bằng vàng.
Nhìn xung quanh, Trung tá Hòa phát hiện một người phụ nữ đang đi về phía chợ nên gọi lại hỏi xem có đánh rơi gì không. Nghe Trung tá Hoà hỏi, người phụ nữ kiểm tra túi, mặt biến sắc, giọng không được bình tĩnh cho biết bị mất hai đôi hoa tai bằng vàng trọng lượng 2 chỉ. Sau khi nghe người phụ nữ trình bày, Trung tá Hoà mời lại chốt, đề nghị nói rõ về tài sản bị mất.
Người đánh rơitài sản là bà Lưu Thị Đẹt (SN 1967, ngụ ấp Phú Thành, xã Thạnh Phú). Sáng cùng ngày, bà Đẹt đi chợ sớm. Đến chốt trực, bà Đẹt móc túi lấy phiếu đi chợ đưa cho cán bộ trực chốt kiểm tra, vô tìnhmóc luôn túi nhỏ đựng bông tai ra, rơi mất mà không hay. Đối chiếu trình bày của bà Đẹt, trích xuất camera thấy đúng người này đánh rơi tài sản, Trung tá Hoà làm thủ tục trả lại trước sự chứng kiến của lực lượng trực chốt và người dân đi chợ.
Trung tá Tạ Thanh Hoà, chia sẻ: “Khi thấy có vật rơi, tôi phải kiểm tra ngay vì đây là khu vực chốt trực để phòng có chuyện gì hay không. Thấy tài sản của ai đánh rơi, tôi quan sát xem có người nào đang ở gần hiện trường và cho hỏi nhanh với mong muốn tìm được người đánh rơi trả lại ngay cho họ vì đó là tài sản quí của bà con.
Trước đó, tôi cũng nhiều lần nhặt được tài sản trả lại người đánh rơi. Đặt mình trong hoàn cảnh người bị đánh rơi nên mong tìm lại được tài sản nên cố gắng liên lạc trả nhanh cho chủ. Họ hạnh phúc mình cũng vui lây”.