Mạng xã hội gắn kết Công an với người dân

Chủ Nhật, 10/04/2022, 09:46

Vừa giúp Công an TP Hồ Chí Minh và các quận huyện truyền tải nhanh thông tin tình hình an ninh trật tự (ANTT) đến người dân, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn một cách nhanh chóng, chính xác; hỗ trợ Công an hướng dẫn, tư vấn, giải đáp, tháo gỡ, thúc đẩy hiệu quả hoạt động cải cách các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân trên địa bàn…

Đó là hiệu quả rõ rệt mang lại từ các mô hình ứng dụng công nghệ, các trang mạng xã hội, giúp hoạt động của Công an trở nên gần gũi hơn với người dân…

Theo đó, Công an quận 12 triển khai thực hiện mô hình Zalo an ninh ("Công an quận 12" - kết nối Zalo vì quận 12 bình yên - Tiếp nhận tin báo ANTT, cải cách hành chính và tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội) từ tháng 9/2021, trong bối cảnh tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Và cũng chính trong tình hình như vậy, mô hình này đã phát huy hiệu quả rất cao.

3-2.jpg -0
Công an quận 12 và đại diện Zalo ký kết triển khai mô hình Zalo An ninh.

Thượng tá Trần Ngọc Nhứt, Phó Trưởng Công an quận 12 cho biết, sau hơn 6 tháng triển khai thử nghiệm, các trang Zalo Công an quận 12 đã thu hút gần 25.400 lượt người quan tâm, đăng tải gần 200 bài viết và clip tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn chung tay phòng ngừa tội phạm, cũng như xây dựng hình ảnh đẹp về lực lượng CAND trong mắt người dân.

Việc triển khai kênh tương tác với người dân trên Zalo, kết hợp tính năng trò chuyện (chatbot), Công an quận 12 đã thúc đẩy kết nối giữa người dân và lực lượng Công an, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc làm các TTHC như cấp, đổi căn cước công dân gắn chip (CCCD)… và đặc biệt tăng cường hiệu quả công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn quận 12.

Thông qua các trang Zalo An ninh, Công an quận 12 đã tư vấn, cung cấp thông tin nhanh chóng và hiệu quả đến người dân các nội dung: Cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và các biện pháp chủ động phòng, chống; Thông tin tuyên truyền về công tác bảo đảm ANTT; Thông tin phòng, chống những âm mưu, hoạt động chống phá và công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái… Qua đó, giúp người dân nắm bắt những kiến thức cơ bản về pháp luật, chủ động cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

Đặc biệt, các trang Zalo của Công an quận 12 đều tích hợp "chatbot" trả lời tự động để tư vấn cho người dân về TTHC. Người dân chỉ cần nhập thông tin muốn tìm hiểu về các thủ tục liên quan, trang Zalo sẽ tự động trả về kết quả tương ứng. Công an quận cũng cung cấp biểu mẫu, hướng dẫn các quy trình thực hiện các TTHC như: Đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu, cấp CCCD, thủ tục đăng ký phương tiện giao thông,… để người dân đăng ký, thực hiện đầy đủ, nhanh chóng, thuận tiện đáp ứng yêu cầu công tác phòng dịch hiện nay.

Theo Thượng tá Trần Ngọc Nhứt, Công an quận 12 lựa chọn Zalo là một trong những nền tảng chuyển đổi số của quận vì đây là ứng dụng nhiều người sử dụng nên thuận lợi hơn cho lực lượng Công an trong tiếp cận người dân, từ đó phổ biến pháp luật, nâng cao cảnh giác cho mọi người. So với những mô hình khác, sử dụng Zalo cách thức tuy đơn giản nhưng hiệu quả. Hiện nay, Công an quận 12 đã thiết lập 15 tài khoản Zalo. Trong đó có 4 tài khoản cấp quận và 11 tài khoản Zalo của Công an 11 phường.

Trước đó, vào đầu năm 2021, Công an quận Tân Phú cũng đã thiết lập mô hình Zalo An ninh tích hợp "chatbot" để cải cách TTHC, tương tác trực tiếp với người dân và cung cấp tin tức về phòng ngừa tội phạm. Công an quận Tân Phú chính là đơn vị tiên phong của ngành Công an trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong việc ứng dụng mô hình "Kết nối Zalo an ninh - bình yên cho mỗi gia đình" trong công tác bảo vệ ANTT, cải cách TTHC và công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm…

Hay Công an quận Bình Thạnh cũng tổ chức tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm; phổ biến các thủ đoạn tội phạm, biện pháp phòng, tránh qua các nhóm mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo... Và qua thực tế, các mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ nét, gợi mở cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hữu ích…

Cuối năm 2021, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh cũng công bố thành lập các trang mạng xã hội (trang Facebook và kênh Youtube), chính thức đưa vào hoạt động để tuyên truyền, phổ biến pháp luật và những quy định của pháp luật liên quan an ninh mạng cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết, chủ động phòng ngừa trước các âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các hệ loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, hành vi lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức…

Liên quan đến lĩnh vực giao thông, ngày 6/4/2022, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành chạy thử nghiệm kênh thông tin Official Account "Phòng CSGT ĐB-ĐS CATP.HCM" trên nền tảng mạng xã hội Zalo, qua đó tích hợp nhiều ứng dụng liên kết với trang thông tin điện tử của Phòng.

Điểm sáng trong năm 2021 phải kể đến là việc Công an của nhiều tỉnh thành đã sử dụng mạng Zalo hỗ trợ cho chiến dịch cấp CCCD từ công tác truyền thông đến hướng dẫn thủ tục, chatbot hỗ trợ, đặt chỗ, hẹn lịch làm việc, tra cứu tiến độ... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu.

Từ những hiệu quả mang lại, mô hình Zalo An ninh mở ra cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật linh hoạt, gần dân, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT tại cơ sở, góp phần gắn kết lực lượng Công an và người dân chung sức phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT.

Phú Lữ
.
.