Chuyện vận động nhân dân, hóa giải "điểm nóng" ở Yên Bái

Kinh nghiệm xoá điểm “nóng” trong giải phóng mặt bằng (Bài cuối)

Thứ Hai, 05/09/2022, 05:08

Trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, cần phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt….

Bí quyết hoá giải các điểm “nóng”

“Không thể ngồi bàn giấy, nghe báo cáo, muốn giải quyết được dứt điểm các sự việc thì Công an phải là người ở giữa, bảo đảm quyền lợi cho các bên. Bởi vậy, ngay khi tiếp nhận công tác, tôi đã trực tiếp nắm lại các vụ việc xảy ra mâu thuẫn kéo dài trên địa bàn từ đồng chí Phó trưởng Công an huyện phụ trách an ninh, Đội An ninh Công an huyện. Sau đó làm việc với cấp ủy và chính quyền địa phương…”, Thượng tá Phạm Duy Thịnh, Trưởng Công an huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

unnamed.jpg -0
Công an tỉnh Yên Bái tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.

Thời điểm Thượng tá Phạm Duy Thịnh nhận công tác tại Công an huyện Văn Yên, việc giải quyết các điểm “nóng” trên địa bàn trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Có những vụ việc phát sinh hàng chục năm vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Đặc biệt, trước thời điểm diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, một số trường hợp đã có ý định lợi dụng tình hình thực hiện hoạt động chống phá. Nếu cưỡng chế trước đại hội đảng, do tiềm ẩn mâu thuẫn lâu dài, một số trường hợp sẽ chống đối quyết liệt…

Phải bắt đầu từ những vụ việc phức tạp nhất, từ đó, ổn định tình hình. Sau khi xem xét hồ sơ các vụ án, anh lựa chọn vụ việc liên quan đến mâu thuẫn trong thu hồi diện tích mặt hồ Nước Vàng, thị trấn Mậu A giữa ông Trần Đức Chá, tổ dân phố số 10 và UBND thị trấn Mậu A cùng các cá nhân có liên quan, để giải quyết đầu tiên.

Vụ việc xuất phát từ khoảng năm 2006… Trước đó, trong khoảng thời gian từ năm 2006-2009, ông Chá đấu thầu, quản lý, sử dụng vào mục đích hồ nuôi cá theo hợp đồng ký kết với UBND thị trấn Mậu A; mức giao khoán là 16 triệu đồng/năm, tổng số tiền giao khoán trong 4 năm là 64 triệu đồng, thanh toán theo năm. Tháng 10/2006, ông Chá thanh toán cho UBND thị trấn Mậu A số tiền là 10 triệu đồng.

Những năm tiếp theo, mặc dù UBND thị trấn nhiều lần đốc thúc, yêu cầu thanh toán nhưng ông Chá không thanh toán thêm một lần nào nữa. Tháng 6/2009, UBND thị trấn Mậu A đã khởi kiện ông Chá ra Toà án nhân dân huyện Văn Yên; ngày 26/8/2009, Toà án nhân dân huyện Văn Yên tuyên án, yêu cầu ông Chá phải thanh toán cho UBND thị trấn 54 triệu đồng. Tuy nhiên, đến tháng 12/2009, ông Chá lại có đơn xin khất nợ…

Từ năm 2017 đến năm 2020, UBND thị trấn Mậu A đã 6 lần ra thông báo yêu cầu ông Chá nộp số tiền thuế khoán còn nợ và thu hoạch sản phẩm trên hồ để bàn giao lại diện tích hồ Nước Vàng cho thị trấn quản lý nhưng ông Chá không trả và tiếp tục sử dụng. Đến ngày 10/12/2019, UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định thu hồi đất giao cho một doanh nghiệp thực hiện dự án Khu vui chơi giải trí hồ Nước Vàng…, nhưng một thời gian dài không giải quyết được.

Một buổi chiều sau giờ làm việc, Thượng tá Phạm Duy Thịnh chủ động liên lạc với ông Trần Đức Chá. Sau vài phút ngỡ ngàng, ông Chá đã nhận lời gặp Thượng tá Thịnh tại phòng làm việc của anh. Đúng hẹn, ông Chá quần ống thấp, ống cao, khuôn mặt không giấu được sự miễn cưỡng có mặt tại phòng làm việc.

“Em mời anh lên đây để anh có thể chia sẻ tâm tư và nguyện vọng của mình. Nếu có gì bức xúc, anh có thể trao đổi… , lực lượng Công an sẽ đứng ở giữa, không nghiêng về bên nào, đảm bảo lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp.”- Thượng tá Thịnh nói với ông Chá. Không đi vào câu chuyện cụ thể, anh thăm hỏi hoàn cảnh gia đình ông Chá…

Ông Chá là người từng trải nên chỉ sau khoảng nửa giờ nói chuyện, trước sự thẳng thắn của đồng chí Trưởng Công an huyện đã bắt đầu chia sẻ. Ông Chá cho biết, ban đầu ông đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với UBND thị trấn Mậu A nhưng nhiều năm không có cán bộ đôn đốc, nhắc nhở… Khi xảy ra tranh chấp, một số công chức ở thị trấn chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu, gửi giấy mời ông lên trụ sở làm việc nhưng giữa mùa hè nóng nực phải ngồi đợi cả tiếng không ai tiếp. Cũng vì thế, ông Chá bức xúc…

Anh Thịnh lắng nghe rồi từ từ phân tích với ông Chá những cái được và mất. Ông Chá năm nay đã ở vào cái tuổi ngoài 60, trong khi diện tích trên mặt hồ lớn, muốn làm được phải có nhân công, nhân lực và phải có vốn. Trong khi đó, việc thu hồi diện tích mặt hồ nước Vàng là chủ trương của Nhà nước để phục vụ phát triển kinh tế… Nếu ông Chá chống đối thì sẽ vi phạm pháp luật, sẽ phải đối diện để giải quyết. Nhưng anh và đồng đội lại không muốn như thế…

“Chú nói chuyện như vậy, anh cảm thấy thoải mái. Anh sẽ về suy nghĩ rồi có câu trả lời sớm nhất”, lúc đó ông Chá nói với Thượng tá Phạm Duy Thịnh. Một tuần sau đó, ông Chá đã nhất trí, tự nguyện bàn giao mặt bằng cho UBND thị trấn Mậu A.

Cái tâm của những người làm công tác dân vận

Tiếp đó, là vụ 4 hộ dân không nhất trí giải quyết mặt bằng để thực hiện dự án phát triển quỹ đất xây dựng khu dân cư phía Tây cầu Mậu A, thôn Đại An, xã An Thịnh. Vụ việc này, trước thời điểm thực hiện cưỡng chế đã được Công an huyện Văn Yên “hoá giải” thành công…

Trước đó, UBND huyện Văn Yên triển khai dự án khu dân cư mới phía Tây cầu Mậu A, tại địa điểm của 2 thôn trên địa bàn. Vào thời điểm đó, đa số người dân đều nhất trí nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao đất cho huyện thực hiện dự án, chỉ có 4 hộ gia đình không bàn giao đất với lý do giá đền bù thấp. Sau đó, UBND huyện và các cơ quan chức năng đã tiến hành tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng các hộ dân vẫn không nhất trí.

Vào tháng 10/2020, UBND huyện Văn Yên đã ban hành 4 quyết định cưỡng chế nhưng các cá nhân kiên quyết không bàn giao đất cho dự án. Một số trường hợp còn có dấu hiệu chống đối khi lực lượng chức năng thực hiện kế hoạch cưỡng chế, nổi lên là trường hợp của chị Nguyễn Thị H. Trước tình hình trên, để thực hiện việc cưỡng chế, ngày 24/3/2021, Công an huyện Văn Yên đã xây dựng kế hoạch về việc đảm bảo ANTT; hơn 100 cán bộ, chiến sĩ phục vụ tổ chức cưỡng chế, thu hồi dất để thực hiện dự án để sáng hôm sau triển khai.

Một ngày trước khi quyết định cưỡng chế được thực hiện (trưa 23/3/2021), Thượng tá Thịnh nhận thông tin, nếu thực hiện việc cưỡng chế, H sẽ chống đối đến cùng…, tiềm ẩn nguy cơ lớn về ANTT. Ngay sau đó, anh đã chủ động liên lạc với đồng chí Chủ tịch UBND huyện, trao đổi tình hình rồi trực tiếp nói chuyện với H phân tích đúng sai.

Từ kết quả gặp gỡ của anh, chiều 23/3/2021, H đã chấp hành quyết định thu hồi đất của UBND huyện Văn Yên và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án đã được UBND huyện Văn Yên phê duyệt. Đồng thời, đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Ngay sau đó, anh đã báo cáo đồng chí Chủ tịch UBND huyện, ban hành quyết định về việc dừng thi hành cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ H.

Sau khi H đồng ý, Thượng tá Thịnh tiếp tục trao đổi với H về việc phối hợp, tuyên truyền đối với hai hộ dân còn lại. Khi đó, H hứa sẽ giúp đỡ Thượng tá Thịnh gặp gỡ người thân trong hai gia đình nhưng không chắc chắn họ có đồng ý hay không. Khoảng 21h cùng ngày thì anh nhận được điện thoại của H cho biết đang ngồi tại nhà của một trong hai hộ gia đình, các hộ muốn trực tiếp được gặp gỡ trưởng Công an huyện…

Khi Thượng tá Thịnh cùng đồng chí Phó trưởng Công an huyện phụ trách an ninh trực tiếp xuống nhà các nạn nhân thì bóng tối đã bao trùm phố núi. Anh cùng đồng chí Phó trưởng Công an huyện đã giải thích từng vướng mắc của hai hộ dân. Sau khi được phân tích, giải thích, đến sáng 25/3/2021, gia đình ông Nguyễn Văn T và ông Trương Đức H cũng đã nhất trí, chấp hành quyết định thu hồi đất của UBND huyện Văn Yên… 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2021 đến nay, các cấp chính quyền của tỉnh Yên Bái đã ban hành 34 quyết định cưỡng chế, giải phóng mặt bằng để thu hồi.

Trong quá trình giải quyết giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ để thực hiện các công trình, dự án, một số chủ đầu tư đã tự ý thoả thuận với các hộ dân, với mức giá đền bù cao hơn giá quy định của Nhà nước. Từ đó, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi áp giá đền bù thưc hiện các công trình, dự án khác. Ngoài ra, giá đền bù có sự chênh lệch giữa các địa phương, dẫn đến việc người dân so bì, đòi tăng giá bồi thường gây khó khăn, chậm tiến độ cho việc thực hiện dự án. Quá trình triển khai, thực hiện các công trình, dự án tại một số địa phương, các cơ quan chức năng và các ban, ngành, đoàn thể chưa thật sự quyết liệt trong công tác vận động, tuyên truyền; có hiện tượng né tránh, đùn đẩy, ngại tiếp xúc…

Trước tình hình trên, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ, Công an cấp huyện và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức nắm tình hình, tuyên truyền, vận động thành công 23/24 hộ chấp hành không phải tổ chức cưỡng chế. Đối với 11 trường hợp còn lại đã hướng dẫn Công an cấp huyện tham mưu với Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền, vận động, bảo đảm an ninh, an toàn cho việc tổ chức cưỡng chế; xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT theo đúng quy trình và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an.

Có những vụ việc, gia đình phản đối gay gắt bằng việc không hợp tác với chính quyền địa phương; tập hợp người thân rồi thuê các đối tượng ngoài xã hội để gây áp lực, nhằm mục đích chống đối khi tổ chức cưỡng chế cũng được hoá giải thành công. Điển hình trong số đó là vụ việc ông Phạm Quang Tuân, cư trú tại tổ 12, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái xây dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án Công viên Đồng Tâm.

Trước đó, gia đình ông Tuân đã xây dựng 3 hạng mục công trình có giá trị lớn trên đất không được phép xây dựng trong dự án hạ tầng kỹ thuật Công viên Đồng Tâm. Quá trình triển khai, thực hiện dự án công viên, gia đình không chấp hành các quyết định hành chính về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cho rằng giá đền bù đất thấp và có nguyện vọng chuyển mục đích sử dụng đối với khoảng 100m2 diện tích đất rừng còn lại sau thu hồi. Sau khi được Phòng An ninh nội địa và Công an TP Yên Bái tuyên truyền, gia đình Tuân đã hiểu và viết đơn gửi UBND TP tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, không phải tổ chức cưỡng chế.

“Phải thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp chủ động trong công tác nắm tình hình; phân loại, rà soát, đánh giá các vụ việc, địa bàn, đối tượng có thể phát sinh tình hình phức tạp; xác định tính chất vụ việc theo thời gian, quy mô và sự tác động, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Từ đó, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp giải quyết ngay từ cơ sở, không để hoặc hạn chế tối đa việc ban hành các quyết định cưỡng chế, thi công công trình”- chia sẻ với chúng tôi về một số kinh nghiệm, Đại tá Đinh Xuân Thiệp, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Yên Bái cho biết. 

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Công an tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết các bức xúc, kiến nghị của người dân ngay từ đầu; tổ chức tiếp xúc đối thoại với các hộ dân liên quan để xác định nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó kiên quyết, kiên trì trong việc thực hiện chủ trương. Đồng thời, tham gia cùng với các đơn vị chức năng, chính quyền các cấp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, tự giác chấp hành để không phải ban hành và tổ chức cưỡng chế, thi công công trình và các hoạt động vi phạm pháp luật.

Quá trình triển khai kế hoạch công tác đảm bảo ANTT phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đã tuân thủ phương châm “bốn tại chỗ”; lấy vận động, giáo dục, thuyết phục làm chính; kiên quyết xử lý nghiêm đối với số đối tượng lợi dụng việc cưỡng chế, thi công công trình để kích động, chống đối, vi phạm pháp luật. Khắc phục mọi sơ hở, thiếu sót, không để các thế lực thù địch, phản động, phần tử chống đối lợi dụng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Xuân Mai
.
.