Khẳng định địa vị pháp lý lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một trong những dự án luật được Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Hiện nay, hồ sơ dự án luật đã được Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia. Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, Bộ Công an xoay quanh những nội dung chính dự án luật.
PV: Đồng chí có thể cho biết sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thể hiện ở các điểm như sau:
Trước hết là thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở. Cùng với đó điều chỉnh thay đổi bản chất về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản dưới sự quản lý của chính quyền, tham gia hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở.
Việc xây dựng và ban hành luật còn kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã được tuyển dụng, huấn luyện và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có tác động trực tiếp. Sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT tại địa bàn cơ sở trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh liên quan đến an ninh, trật tự.
Cuối cùng là xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, hoạt động, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
PV: Vậy, những lực lượng, chức danh nào được kiện toàn thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo dự án Luật?
Trả lời: Dự thảo Luật sắp xếp, kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự với tổng số khoảng 300.000 người tham gia hoạt động.
PV: Việc xây dựng, ban hành Luật có làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, tăng chi ngân sách Nhà nước hay không, thưa đồng chí?
Trả lời: Việc xây dựng, ban hành luật không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách; bởi vì, dự thảo Luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động hiện nay và đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về bảo vệ dân phố để thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, các chế độ, chính sách đang chi trả cho các lực lượng, chức danh này đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, bảo đảm tính khả thi sẽ tiếp tục được kế thừa để quy định cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm không làm tăng chi ngân sách Nhà nước.
PV: Xin đồng chí cho biết những điều chỉnh, thay đổi tại dự thảo luật lần này về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở so với dự thảo đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Trước đây, dự thảo luật chưa quy định, phân định cụ thể sự khác nhau về bản chất vị trí, chức năng giữa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với vị trí, chức năng của lực lượng Công an cấp xã và các lực lượng khác có liên quan ở địa bàn cơ sở.
Hiện nay, dự thảo luật đã có sự điều chỉnh thay đổi bản chất về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất, đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm ANTT sang vị trí, chức năng là lực lượng hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự phòng, tự quản về ANTT trên địa bàn cấp xã.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã có sự phân định rõ sự khác nhau về vị trí, chức năng giữa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với vị trí, chức năng của lực lượng Công an cấp xã và các lực lượng khác ở địa bàn cơ sở đó là: Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được xác định là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ ANTT trên địa bàn cấp xã; lực lượng này có chức năng hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã (không thực hiện công tác quản lý về ANTT ở cơ sở mà do Công an cấp xã thực hiện).
PV: Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở như thế nào? Những nhiệm vụ này có chồng chéo, mâu thuẫn với các lực lượng khác không, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Trên cơ sở thống kê, khảo sát, đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý để tách bạch rõ giữa nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở; theo đó, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được giao thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ bảo vệ ANTT với tính chất là tham gia hỗ trợ Công an cấp xã và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Công an cấp xã (lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không thực hiện nhiệm vụ quản lý, không thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự mà do Công an cấp xã trực tiếp thực hiện). Các nhiệm vụ quy định cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm không chồng chéo, không mâu thuẫn với các lực lượng khác ở địa bàn cơ sở.
PV: Theo đồng chí, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được ban hành sẽ có vai trò như thế nào trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở từ sớm, từ xa?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Lịch sử đã chứng minh, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở và trong suốt quá trình hình thành, phát triển từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, lực lượng này đã có những đóng góp quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Trong bối cảnh hiện nay và thời gian tiếp theo càng thấy rõ hơn vị trí, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, trong đó có lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến ANTT và giữ vững ANTT ngay từ địa bàn cơ sở, từ sớm, từ xa là yêu cầu cần thiết; qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội an ninh, an toàn vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
PV: Vậy, để phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Để phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau: Trước hết, cần sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để khẳng định địa vị pháp lý về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này được rõ ràng, đầy đủ. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải bảo đảm tốt hơn điều kiện hoạt động, nhất là về chế độ, chính sách cho lực lượng này để tương xứng với tính chất công việc nặng nhọc mà lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã và đang thực hiện.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!