Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính từ triển khai Đề án 06/CP tại Hải Phòng

Thứ Năm, 24/10/2024, 05:56

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ANTT trên địa bàn, thời gian qua, Công an TP Hải Phòng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Khi được hỏi về tiện tích trong ứng dụng chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06/CP, ông Nguyễn Xuân Minh, người dân ở xã Tân Dân (huyện An Lão, TP Hải Phòng) chia sẻ, từ khi Công an TP Hải Phòng triển khai mô hình "Tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID", người dân đã tích cực hơn trong việc tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT trên địa bàn.

 "Chỉ với vài thao tác trên điện thoại có cài đặt ứng dụng VneID của Bộ Công an, chúng tôi đã có thể gửi thông tin phản ánh, tố giác tội phạm tới Công an mà không phải lo mất thời gian, phiền hà hay bị kẻ xấu trả thù…" - ông Bùi Xuân Minh vui vẻ nói.

Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính từ triển khai Đề án 06/CP tại Hải Phòng -0
Công an TP Hải Phòng tăng cường về cơ sở hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích qua ứng dụng VNeID.

Theo Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an TP, Thư ký Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP TP Hải Phòng, thời gian qua TP đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tổ Công tác triển khai thực hiện Đề án 06/CP Trung ương, tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, đạt kết quả tích cực, đảm bảo tiến độ đề ra.

Theo đó, Công an TP Hải Phòng đã tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các nhóm tiện ích, từng bước phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số…

Bên cạnh đó, Công an TP đã tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP, Ban Chỉ đạo các cấp ngành, địa phương quán triệt, triển khai hiệu quả Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 15/2/2024 của UBND TP Hải Phòng về thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn Hải Phòng năm 2024, gắn với thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan.

Đáng chú ý, Công an TP Hải Phòng đã tham mưu triển khai xây dựng và nhân rộng 43 mô hình điểm của Đề án, tập trung cao vào việc triển khai các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao hằng tháng. Quá trình triển khai, kết quả luôn được cập nhật, đánh giá, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đại tá Bùi Trung Thành cũng cho biết, cùng với tăng cường tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06/CP đối với người dân, cơ quan, doanh nghiệp, Công an TP Hải Phòng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử; cấp thẻ căn cước công dân, định danh điện tử cho công dân trên địa bàn.

Mặt khác, phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hệ thống máy chủ, hệ thống Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử thành phố phục vụ kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên cơ sở đó, bảo đảm cho các nhóm tiện ích của đề án được phát huy hiệu quả một cách tối ưu nhất.

Đến nay, Hải Phòng đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố với Hệ thống định danh, xác thực điện tử thông qua SSO của Cổng dịch vụ công quốc gia, công bố phương thức đăng nhập duy nhất trên Cổng dịch vụ công TP Hải Phòng (https://dichvucong.haiphong.gov.vn) bằng tài khoản điện thoại di động trên ứng dụng VNeID.

UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành quyết định công bố danh mục gồm 1.733 TTHC trên hệ thống, làm căn cứ cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Tính đến hết tháng 9, hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã kết nối thực hiện 28.740 lượt xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp nhận 1.093.651 dịch vụ công trực tuyến (đạt 96,3%).

Đơn cử, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hệ thống cơ sở dữ liệu đã hoàn thành cập nhật đầy đủ dữ liệu theo các yêu cầu quản lý của ngành đối với hơn 532.600 học sinh và gần 33.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục. Hoàn thành xác thực dữ liệu trên hệ thống với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với tỉ lệ 99,74% đối với học sinh và 99,68% đối với nhân sự nội ngành.

Trong lĩnh vực BHXH, hiện nay, toàn thành phố đã có 1.861.961 người tham gia BHXH, BHYT được xác thực, đạt 99,12% tổng số người tham gia; có 188/188 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 1.752.248 lượt tra cứu.

Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, Hải Phòng đã tiến hành số hoá tạo lập dữ liệu trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, làm sạch đối tượng được hưởng an sinh xã hội đạt tỷ lệ 100%. Dữ liệu đất đai của 217/217 xã, phường, thị trấn cũng đã được kết nối dữ liệu với Bộ TN&MT.

Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng Bùi Trung Thành nhấn mạnh, kể từ khi triển khai thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06/CP, đến nay toàn bộ 43 mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ANTT, thúc đẩy tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, công dân số của thành phố nói riêng, góp phần vào thành tựu cả nước nói chung.

Điển hình có thể kể đến mô hình "Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, Kiosk tự phục vụ" của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (TP Hải Phòng). TS. Bác sỹ Đỗ Mạnh Thắng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp chia sẻ, mô hình được triển khai đã góp phần giảm việc tiếp đón bệnh nhân trực tiếp.

"Nhưng quan trọng hơn, việc định danh bệnh nhân, tài khoản thanh toán trong quá trình khám, chữa bệnh giúp người nhà bệnh nhân tiết kiệm thời gian, chi phí, thủ tục dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, đồng thời bệnh viện cũng quản lý theo dõi bệnh nhân, lịch sử bệnh và quản lý thanh toán đơn giản hơn" - bác sỹ Đỗ Mạnh Thắng khẳng định.

V.Huy
.
.