Giá trị sâu sắc và lớn lao của “Sáu điều Bác Hồ dạy CAND”

Thứ Sáu, 19/08/2022, 08:15

CAND Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước; lực lượng nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt và sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát, cụ thể đối với lực lượng CAND, trong đó có Sáu điều Bác Hồ dạy CAND đến nay vẫn còn nguyên giá trị, luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động của cán bộ, chiến sĩ CAND Việt Nam.

6.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ báo công tại khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND (xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).

Năm 1948, Báo Bạn dân (Nội san của Công an Khu XII) ra số Tết Nguyên đán Mậu Tý. Đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII đã gửi số báo Tết đó biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng chí Hoàng Mai.

Mở đầu bức thư, Người viết: “Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng, đáng hoan nghênh. Nhưng báo theo cháu nói, từ 24 đến 32 trang thì dài quá. Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực, mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong. Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách của người Công an cách mệnh là:

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”...

Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mạng có nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú với đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học, thể hiện đầy đủ bản chất của CAND Việt Nam.

Lời dạy đầu tiên của Bác Hồ về tư cách người Công an cách mạng là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”.

“Cần, kiệm, liêm, chính” được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là cái gốc, là nền tảng của con người mới XHCN nói chung, đối với cán bộ, đảng viên nói riêng, đặc biệt là lực lượng CAND thì đó phải là đức tính đầu tiên làm nên tư cách người Công an cách mạng, có những nét đặc trưng riêng, đòi hỏi chuẩn mực cao hơn so với xã hội.

Tuy mỗi phẩm chất có nội dung riêng nhưng cần, kiệm, liêm, chính lại gắn bó mật thiết với nhau, đòi hỏi phải thực hiện nó trong một tổng thể, cái này làm tiền đề cho cái kia để tạo thành chỉnh thể về nhân cách của người Công an cách mạng. Cần, kiệm, liêm, chính phải được thể hiện cụ thể trong thực tiễn công tác, chiến đấu, trong đời sống xã hội và trong phong cách của từng cán bộ, chiến sĩ, đòi hỏi phải được tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì mới có được. Để rèn luyện được “cần, kiệm, liêm, chính” theo lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sĩ CAND phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu và xây dựng phong cách chính quy, hiện đại trong công tác, chiến đấu, đặc biệt cần biết trọng danh dự vì “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường căn dặn.

Người cán bộ Công an cách mạng theo lời dạy của Bác cần có phẩm chất tốt đẹp là: “Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ”.

Trong hàng ngũ những người cách mạng, tình đồng chí, đồng đội, đồng sự là rất thiêng liêng, chung thủy, keo sơn, gắn bó với nhau thành sức mạnh của tổ chức. Đối với đồng chí, đồng đội, cán bộ Công an phải có tinh thần thân ái với tấm lòng chân thành, thiết tha mong muốn cho đồng sự của mình tiến bộ và hạnh phúc…

Bản chất chính trị của Công an cách mạng thể hiện qua lời dạy của Bác Hồ: “Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”.

Theo Bác Hồ, tuyệt đối trung thành với Đảng phải là bản chất chính trị và nguyên tắc rèn luyện cao nhất của CAND. Phẩm chất trung thành của Công an đối với Đảng xuất phát từ tính chất, nhiệm vụ đặc biệt của Công an được Đảng giao cho, đó là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ XHCN và bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội…

Nguyên tắc đạo đức, văn hóa ứng xử của người Công an cách mạng là: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”.

Công an là một cơ quan của Đảng, của Chính phủ, vì vậy thái độ kính trọng, lễ phép đối với nhân dân không chỉ là phẩm chất đạo đức cao đẹp mà còn là một nguyên tắc làm việc, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ không ngừng trau dồi, rèn luyện. Thái độ kính trọng nhân dân thể hiện ở việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng của nhân dân, xử lý kịp thời những kẻ có hành động xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Nguyên tắc làm việc của Công an cách mạng theo lời dạy của Bác là: “Đối với công việc, phải tận tụy”.

Theo Người, tận tụy là đức tính dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh. Tận tụy trong công việc thể hiện ở đức tính bền bỉ, khắc phục khó khăn, phát huy tính năng động chủ quan, tự lực, tự cường để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Thước đo của tính tận tụy là hiệu quả trong công việc, sản xuất, chiến đấu và trong công tác. Học tập theo lời dạy của Bác, lực lượng Công an luôn ngày đêm tận tụy với sự nghiệp cách mạng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khó khăn, phức tạp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Bản lĩnh chiến đấu của Công an cách mạng qua lời dạy của Người: “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Đó là hai nội dung có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời. Cùng một vụ việc có lúc cần đưa ra chủ trương kiên quyết song có lúc cần khôn khéo, mưu trí, sáng tạo. Ngược lại, một chủ trương, đối sách khéo léo, linh hoạt lại phải được hình thành trên cơ sở cương quyết tiêu diệt địch và các thế lực tội phạm. Phải thống nhất giữa bảo vệ mình nghiêm ngặt với tiến công địch triệt để, trong đó bảo vệ mình nghiêm ngặt là nguyên tắc cao nhất. Để quán triệt tư tưởng “cương quyết, khôn khéo” đối với địch, lực lượng Công an cần phải không ngừng nâng cao nhận thức về đối tượng, đối tác; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác trong thực hiện nhiệm vụ; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

Hơn 7 thập kỷ qua, Sáu điều Bác dạy CAND luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động của cán bộ, chiến sĩ CAND Việt Nam. Từ phong trào thi đua học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND đã xuất hiện rất nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, lập công xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu.

Cũng trong 77 năm qua đã xuất hiện hàng vạn tấm gương anh dũng, quên mình vì sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc. Chỉ tính riêng trong thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Lực lượng CAND – Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 – Thanh bảo kiếm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, Bộ Công an đã tăng cường 1.163 cán bộ y tế, hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị trực thuộc Bộ và các học viện, trường CAND cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp; huy động tối đa lực lượng, phương tiện để đảm bảo an ninh, trật tự trên các địa bàn. Trong “cuộc chiến” chống dịch bệnh đó, đã có 3 đồng chí Công an hy sinh, 11 đồng chí Công an tử vong và gần 5.000 đồng chí Công an bị lây nhiễm COVID-19. Riêng năm 2021 đã có 8 cán bộ Công an hy sinh trong khi thi hành công vụ; 208 cán bộ Công an bị thương trong khi thi hành công vụ; có 31 cán bộ Công an bị phơi nhiễm HIV/AIDS trong khi thi hành công vụ…

Mới đây, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Công an Thao Văn Súa, nguyên Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã hy sinh quên mình trong phòng, chống lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, bảo vệ nhân dân.

Cho đến hôm nay, những lời dạy quý báu của Người vẫn tươi nguyên giá trị, bởi nội dung, ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Đó là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm
.
.