Chuyện chưa kể về công trình Tượng đài Bác Hồ tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND

Thứ Ba, 19/05/2020, 10:15
Những ngày này, Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND tại thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tấp nập hơn bởi các đoàn cán bộ chiến sĩ Công an và nhân dân cả nước.

Riêng tác giả Tượng đài Bác Hồ tại khu lưu niệm – nhà điêu khắc Vũ Đại Bình liên tiếp vinh dự nhận Giải A của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm về thành tích xuất sắc trong sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nhà điêu khắc Vũ Đại Bình bên 2 bằng khen, giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công an cho công trình.

Tuy nhiên, để có công trình đặc biệt này như ngày hôm nay là cả một hành trình nhiều nỗ lực của nhiều tập thể, đơn vị, trong đó có tác giả, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình mà không phải ai cũng tường tận.

Vinh dự, tự hào, hạnh phúc là chia sẻ đầu tiên của nhà điêu khắc Vũ Đại Bình khi hẹn gặp chúng tôi sau 2 ngày nhận giải thưởng (13 và 14/5). Trong căn hộ nhỏ khu chung cư gia đình anh đang sinh sống bên phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và Bằng chứng nhận giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Nhà điêu khắc Vũ Đại Bình nói rằng đây là những phần thưởng mà đến tận lúc này anh vẫn chưa hết bất ngờ.

“Ý tưởng thiết kế công trình Tượng đài Bác Hồ trong Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND đã hình thành từ khoảng 2-3 năm, trước khi Bộ Công an khởi công xây dựng Khu lưu niệm. Khi được thông báo Bộ Công an phát động sáng tác, thi thiết kế Tượng đài Bác cho Khu lưu niệm, tôi đã phối hợp với anh Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Di sản Văn hóa tham gia thi thiết kế. Lần đầu tiên được Bộ Công an tổ chức đoàn đến Nhã Nam khảo sát, địa điểm xây dựng công trình hiện nay vẫn còn hoang sơ, hầu hết đều là đồng ruộng.

Bản thân tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm và Tượng đài về Bác Hồ, trong đó có tác phẩm “Cha con Bác Hồ” Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành tại Quảng trường Quy Nhơn, Bình Định – công trình cũng từng đạt giải A của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tượng Bác Hồ với các chiến sĩ tình báo của Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng, Tượng đài Bác Hồ cho Bảo tàng Hải quân...

Tuy nhiên, để đáp ứng được “đề bài” của Bộ Công an là thiết kế Tượng đài Bác Hồ gắn với Sáu điều Bác Hồ dạy CAND lại khá khó khăn vì am hiểu về lực lượng Công an không sâu, không nhiều. Vì vậy, tôi phải lục tìm các tư liệu, kể cả trong các bảo tàng, thư viện về giai đoạn Bác Hồ gửi thư cho lực lượng Công an trong đó có Sáu điều Bác dạy CAND. Đây là thời kỳ mới thành lập nước, tôi suy nghĩ mình phải xây dựng hình ảnh như thế nào để vừa phù hợp với Bác giai đoạn đó, vừa gần gũi với hình ảnh mà người dân thường thấy bây giờ.

Nếu Bác viết thư cho Công an thì phải tạo dáng, thể hiện thần thái của Người như thế nào cho phù hợp và tính toán bố cục sao cho không trùng lặp với bố cục của các công trình tượng đài trước đó. Qua nhiều tư liệu, tôi được biết, thời điểm Bác viết thư cho lực lượng Công an, Người ở chiến khu, không chỉ viết bằng bút mà còn thường xuyên sử dụng máy đánh chữ. Vì vậy, tôi quyết định xây dựng hình ảnh Bác ung dung tự tại ngồi trên tảng đá, trên chiếc bàn đá là chiếc máy đánh chữ của Người.

Bức thư vừa viết xong, một tay Bác cầm lá thư, một tay cầm bút ký quyết định gửi cho Công an. Trong đó, phong thái Bác ung dung tự tại, cương nghị, thông minh, tươi tắn. Khi hoàn thành, tôi rất thích phác thảo này. Đây không phải là phác thảo duy nhất mà tôi làm đến 5-6 phác thảo với nhiều tư thế khác nhau, nhiều dáng khác nhau rồi mới lựa chọn lại. Phác thảo được chọn, chúng tôi tiến hành bước 2 là làm tượng đài kích cỡ nhỏ 1,5m.

Buổi thẩm định do Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì, với sự tham gia của nhiều thành viên là những người rất có uy tín trong Hội Mỹ thuật Việt Nam, giới kiến trúc sư và sử học. Sau nhiều giờ phân tích, bàn thảo, góp ý khá căng thẳng, chúng tôi vui mừng khi được Hội đồng thẩm định thông qua. Tuy nhiên, để dung hòa được với hiện tại, tượng Bác Hồ được điều chỉnh cho bớt phần khắc khổ”, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình nhớ lại.

Cũng theo tác giả Vũ Đại Bình, nếu tượng Bác đã khó thì với anh, bức phù điêu phía sau còn phải vất vả thay đổi nhiều lần hơn. Đây là Tượng đài Bác Hồ trong Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND nên nội dung và hình thức làm sao phải phù hợp với Công an, phản ánh được nội dung tiêu biểu, chiến công tiêu biểu về lực lượng Công an một cách cô đọng, sinh động nhất. Các demo, phác thảo bước đầu, anh lấy ý tưởng “Tiến bước dưới quân kỳ”, dưới hình tượng lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc đang bay trong gió là các đoàn quân tiến bước theo.

Ý tưởng này lại không chuyển tải được nội dung Bác Hồ gửi thư và có Sáu điều dạy CAND nên phác thảo chuyển thành phù điêu giống như cuốn sách mở. Một phương án khác là phù điêu hình đồi núi trập trùng. Hình ảnh những ngọn núi nhấp nhô cùng đám mây trên bầu trời hùng vĩ như bao bọc chở che cho Người và các cán bộ chiến sĩ cách mạng vừa nhẹ nhàng vừa lãng mạn. Không gian của Nhã Nam là làng quê trung du nên hình tượng này phù hợp với thực tế nhất.

Sau đó, Hội đồng thẩm định cũng chọn phác thảo này nhưng nội dung bên trong còn chỉnh sửa nhiều lần. Lần đầu tiên, rất nhiều nội dung được đưa vào phù điêu. Hội đồng thẩm định, lãnh đạo Bộ Công an góp ý chỉ lấy những dấu mốc quan trọng, chiến công thật tiêu biểu. Nếu đưa hết vào thì sẽ không diễn tả được mà phù điêu sẽ xấu.

Vì vậy, bức phù điêu xoay quanh nội dung và các chiến công tiêu biểu nhất của lực lượng Công an trong vận dụng 6 điều Bác Hồ dạy qua các thời kỳ và được hình tượng hóa thành 6 chiếc lán như lán Nà Lừa, nơi Bác Hồ viết Sáu điều dạy CAND. Riêng nội dung các chiến công của lực lượng Công an, các lãnh đạo Bộ phải hỗ trợ về mặt tư liệu, góp ý chia sẻ rất nhiều vì nghệ sĩ ít có cơ hội tìm hiểu sâu về lực lượng Công an, hiểu về các chiến công cũng mang tính… đại khái, qua các phương tiện thông tin là chính.

Các thiết kế được thông qua, theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an, công trình phải được hoàn thiện, khánh thành đúng dịp kỷ niệm vào vài tháng sau đó. Đây là công trình lớn, thực hiện rất gấp nên từ thiết kế kỹ thuật, kỹ sư, lãnh đạo Bộ Công an, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Văn Thành thường xuyên có mặt trên khu lưu niệm. Giám đốc Nguyễn Văn Mạc gần như là Tổng công trình sư, túc trực 24/24h, từ lúc san lấp mặt bằng đến lúc đóng cọc, đổ bê tông đến lúc trồng cây. May mắn là Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi tối đa về các khâu nên công việc gặp rất nhiều thuận lợi.

 “Trong mấy tháng ấy, chúng tôi phải tính toán làm sao vừa đảm bảo chất lượng đúng yêu cầu, vừa đảm bảo tiến độ nên vừa làm mẫu, vừa chuyển chất liệu. Trong khi san lấp mặt bằng, nên làm phù điêu vừa khai thác đá, chia phiến cho thích hợp… Vì phù điêu lớn, dài 50m, điểm cao nhất khoảng 13,5m nên cần rất nhiều đá và phải rất lâu mới chọn được những phiến đá có màu sắc tương đồng. Các tảng đá được chia đều thành phiến, vận chuyển từ Thanh Hóa về Ninh Bình, chế tác tại Ninh Bình rồi chuyển về Nhã Nam lắp ngay. Đồng phải đặt từ nước ngoài mang về vì trong nước không sản xuất chất liệu đồng này. Họ phải chuẩn bị cơ sở vật chất, lán trại, lò đúc, rất nhiều lò để đúc, máy ép đồng, nguyên liệu để làm khuôn, máy ép thủy lực, máy hàn, máy cắt đặc biệt từ bên Đức về để đảm bảo không bị cong vênh.

Tôi đi lại như con thoi giữa các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Giang vừa kiểm soát, thực hiện công trình. Lúc cao điểm, công trình ở Nhã Nam có đến 40-50 người làm không quản ngày đêm. Ngày công trình hoàn thành, được hội đồng thẩm định thông qua, khánh thành đúng thời điểm theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an, chúng tôi ai cũng mừng… Đối với người nghệ sĩ, tác phẩm như con đẻ, phải chăm chút từ lúc mới sinh cho đến lúc trưởng thành. Ai cũng mong muốn con cái mình trở thành người tốt. Những công trình tượng đài đối với tôi cũng thế. Tôi rất tự hào và hạnh phúc khi thấy đứa con tinh thần của mình đẹp đẽ, được nhiều người đón nhận.

Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công an lần này là sự ghi nhận và cũng là động lực để những người nghệ sĩ như chúng tôi có thêm động lực lao động sáng tạo, cống hiến cho cộng đồng, góp phần nhân rộng các điều tốt đẹp trong xã hội”, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình chia sẻ.

N.Hoa
.
.
.