Những nữ chiến sĩ mang sắc áo An ninh:

Đảm bảo mạch máu nền kinh tế - Bài 1

Thứ Tư, 20/10/2021, 08:52

Khi nhắc đến những “bông hoa thép” của lực lượng CAND, người ta thường nghĩ đến những nữ chiến sĩ mang sắc áo hình sự hay những nữ trinh sát can trường, mưu trí trong từng chuyên án đấu tranh với tội phạm ma tuý…

Trong CAND còn có một lực lượng ít người biết đến nhưng những chiến công, thành tích của họ đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an ninh quốc gia. Họ là những nữ trinh sát đang công tác tại các đơn vị An ninh.

Ở bất kỳ vị trí công tác nào, cán bộ hội viên, Hội Phụ nữ Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với việc tham gia đấu tranh, xử lý các vụ việc liên quan đến lĩnh vực kinh tế; xác minh các vụ việc liên quan đến ngân hàng, thuế, hải quan, bảo hiểm, chứng khoán đầu tư và đấu tranh chống tội phạm tiền giả; triển khai các kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn các hội nghị, sự kiện quốc tế tại Việt Nam, các sự kiện lớn trong nước…

3.jpg -0
Trung tá Nguyễn Thanh Hương trong một lần tham gia hiến máu nhân đạo.

1. Đêm về khuya, Đại tá Lều Thu Vân, Trưởng phòng An ninh tiền tệ, Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an, vẫn trằn trọc chẳng thể chợp mắt.

Làm thế nào để các báo cáo có chất lượng, tham mưu cho lãnh đạo Bộ, tham mưu cho Chính phủ xử lý các ngân hàng yếu kém, đảm bảo an ninh kinh tế và các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong đại dịch khi nền kinh tế gặp khó khăn. Ngân hàng là “mạch máu” của nền kinh tế…, chỉ cần một cái “hắt hơi, sổ mũi” cũng có thể tác động đến hoạt động của nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới có dấu hiệu suy giảm và đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tác động của COVID-19; Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế, nền kinh tế đạt được những thành tựu nhưng cũng phải đối mặt với thách thức, đặc biệt là đại dịch…

Đơn vị chị được phân công, phụ trách có chức năng tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo an ninh tiền tệ và an toàn của hệ thống ngân hàng. Vì thế, với trách nhiệm của người lãnh đạo, ngoài việc sát sao công việc của từng CBCS, chị đã tập trung quy tụ, phát huy được sức mạnh tập thể của cấp uỷ, lãnh đạo phòng.

Từ đó, trong những năm qua, đơn vị do chị phụ trách đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, có nhiều báo cáo lên lãnh đạo các cấp; kịp thời nắm vững tình hình an ninh trên lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ và phòng, chống tội phạm rửa tiền.

Nổi bật là việc chủ động, triển khai thực hiện, đôn đốc Công an các địa phương thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về công tác đảm bảo an ninh quá trình thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm nợ xấu. Đối với nền kinh tế, nợ xấu sẽ làm gia tăng sức ép lên tình trạng lạm phát, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Mối nguy lớn nhất là nếu nợ xấu với dòng tín dụng lớn thì có thể dẫn đến khủng hoảng hệ thống tài chính ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Đối với hệ thống các ngân hàng thương mại, nợ xấu sẽ khiến các ngân hàng thương mại sử dụng vốn kém hiệu quả, giảm lợi nhuận, chịu rủi ro dòng tiền, giảm khả năng thanh toán cho các khoản thanh toán của ngân hàng.

Đặc biệt, nếu tình trạng nợ xấu diễn ra thường xuyên, liên tục và không được xử lý dứt điểm sẽ khiến các ngân hàng thương mại bị mất uy tín trong hoạt động kinh doanh tín dụng của mình.

Để nắm bắt phải hiểu được cơ chế hoạt động trong hệ thống tài chính mới có thể tham mưu đúng, các vấn đề mấu chốt cần xử lý. Trong khi đó, tài liệu nhiều, trong thời gian ngắn phải có câu trả lời… Những ngày đó, chị và đồng đội “bơi” trong công việc; đầu óc căng thẳng. Nhiều đêm mất ngủ, chị động viên đồng đội hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ đó, chị và CBCS trong đơn vị đã tỉ mỉ tìm tòi, thu thập tài liệu để đưa ra những nhận định, đánh giá đúng đắn về tình hình…

Chỉ tính riêng trong năm 2020, chị đã chỉ đạo tiến hành xác minh, xử lý 18 vụ việc, trong đó có 3 chuyên án; báo cáo đề xuất kịp thời các vấn đề gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và an toàn hệ thống ngân hàng lên lãnh đạo các cấp, đáp ứng yêu cầu của cấp trên. Đồng thời, thực hiện tốt các chuyên đề nghiệp vụ nhưng xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42 của Quốc hội và Đề án 1058 của Chính phủ, xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tín dụng có yếu tố nước ngoài; công tác phòng, chống tội phạm tiền giả và rửa tiền…

Cùng với công tác chuyên môn, chị tham gia thực hiện tốt các phong trào do Hội Phụ nữ phát động. Với các thành tích đạt được, chị đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong tham mưu, đề xuất, xây dựng ban hành quy trình công tác Công an đảm bảo ANTT, trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo theo Nghị quyết 42; 1 Bằng khen Hội Phụ nữ Bộ Công an năm 2020 vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào phụ nữ Bộ Công an… 

Cho đến bây giờ, Đại tá Lều Thu Vân và đồng đội vẫn không quên được quá trình điều tra, khám phá vụ án nhóm đối tượng làm giả thẻ ngân hàng chuyển tiền Việt Nam để chiếm đoạt. Chuyên án này được mở ra từ việc Phòng An ninh tiền tệ có thông tin về một nhóm gồm 8 đối tượng người nước ngoài qua một nữ phiên dịch người Việt Nam đặt vấn đề với một công ty có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để mở các tài khoản thanh toán thẻ và lắp máy POS tại ngân hàng.

Sau khi nhận được đơn tố cáo từ công ty trên, chị và đồng đội đã nhanh chóng nhận định đây là những thông tin có giá trị; phản ánh chính xác thực trạng tình hình hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng vào thời điểm đó nên đã báo cáo lãnh đạo các cấp xin chủ trương; đồng thời chỉ đạo CBCS tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác minh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ đã phối hợp với các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội bắt quả tang 3 đối tượng khi đang thực hiện hành vi “quét” thẻ nhằm chiếm đoạt tài sản. Quá trình mở rộng vụ án còn tạm giữ thêm 2 đối tượng.

2. Phòng làm việc của Trung tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Trưởng phòng An ninh Giao thông, Xây dựng- Cục An ninh Kinh tế, trên tường, tấm Huân chương Chiến công hạng ba được đặt trang trọng bên cạnh nhiều Bằng khen, Giấy khen từ các thành tích xuất sắc trong công tác và những huy chương từ các giải bắn súng của lực lượng CAND. Lúc gặp tôi, Trung tá Nguyễn Thanh Hương cùng đồng đội vừa trở về từ cơ sở. Câu chuyện chỉ chia sẻ được ngắn gọn, ngay sau đó chị lại vội vàng quay lại với các công việc đang đợi.

Trong nhiều năm qua, Phòng An ninh Giao thông, Xây dựng nhận nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh an toàn trong lĩnh vực giao thông và xây dựng. Đây là một công việc nhiều khó khăn, phức tạp và đặc biệt hơn khi việc đảm bảo an ninh, an toàn là vấn đề sống còn của lĩnh vực hàng không, cũng là công việc chị được giao phụ trách trực tiếp.

Với địa bàn trải dài trên cả nước gồm 22 cảng hàng không, công việc của chị và đồng đội gặp không ít khó khăn. Mỗi giai đoạn khác nhau, áp lực công việc lại có những khó khăn khác nhau. Giai đoạn ngành Hàng không phát triển “nóng” nhiều hãng hàng không mới thành lập, nhiều đường bay mới được mở, số lượng chuyến bay khai thác tăng cao, công việc của chị và đồng đội thêm nhiều vất vả trong việc giám sát, tham mưu đảm bảo an ninh, an toàn sân bay và hoạt động vận tải hàng không.

Những năm gần đây, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Hàng không gặp rất nhiều khó khăn khi vừa phải đảm bảo an ninh, an toàn, thông suốt vừa phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Đơn vị của chị đã tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành các giải pháp giảm thiểu nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế, trong đó đánh giá những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách pháp luật, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng ngành hàng không, từ đó kiến nghị giải pháp tháo gỡ.

“An ninh an toàn hàng không là bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia, do đó công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không là nhiệm vụ sống còn của ngành hàng không và đặc biệt quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội của đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ cần có sự hiệp đồng công tác của nhiều đơn vị, cơ quan chức năng, các ngành, địa phương, không phải của riêng đơn vị nào nên dù có vất vả, khó khăn bản thân chị luôn xác định cùng đồng đội nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc ”, Trung tá Nguyễn Thanh Hương chia sẻ.

Luôn giữ tinh thần ấy trong công việc, chị đã phát huy được năng lực của bản thân cùng đồng đội tham gia nhiều vụ án. Cho đến thời điểm này, vụ án Vinashin vẫn là một trong những vụ án kinh tế lớn đặc biệt, gây thất thoát số tiền lớn; đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Việc phá vụ án là một chiến công của Cục An ninh Kinh tế Tổng hợp (nay là Cục An ninh Kinh tế).

Tham gia nhiệm vụ đặc biệt, phải xa gia đình, xa con nhỏ trong một thời gian dài, công việc đòi hỏi sự mưu trí, không được xảy ra một sai sót nào nhưng vượt lên tất cả, chị đã bám sát các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục An ninh, lãnh đạo Cục An ninh Kinh tế, Ban chuyên án để cùng đồng đội nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào sự thành công chung của công tác đấu tranh chuyên án. Với thành tích trên, chị đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3.

Đó chỉ là một trong những chuyên án mà Trung tá Nguyễn Thanh Hương và đồng đội đã tham gia và phá án thành công.

3. Đó chỉ là hai trong những điển hình tiên tiến của những “bông hoa thép” của lực lượng An ninh kinh tế. Triển khai phong trào thi đua, Hội Phụ nữ Cục An ninh Kinh tế xác định chất lượng công tác chuyên môn là mục tiêu hàng đầu, là thước đo giá trị năng lực, sự phấn đấu của mỗi hội viên. Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị và đặc thù công tác của đơn vị, Hội Phụ nữ Cục An ninh Kinh tế đã xây dựng thành chương trình công tác hội sát với đặc điểm hội phụ nữ và thực tế công tác chuyên môn để phát huy thế mạnh của tất cả hội viên đơn vị. 

Hội viên thuộc khối tham mưu, chính trị, hậu cần đã thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động trong công tác tham mưu tổng hợp, bám sát diễn biến tình hình thực tiễn, đánh giá, tác động các vấn đề tác động an ninh lĩnh vực kinh tế. Từ đó, hằng năm đã tham gia hàng trăm báo cáo lên lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục…

Chị em các khối trinh sát đã cùng đơn vị thực hiện có hiệu quả, tham gia phục vụ kịp thời báo cáo về tình hình phức tạp liên quan đến việc thực hiện chính sách kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục liên quan đến tình hình an ninh các lĩnh vực công thương, tiền tệ, giao thông, xây dựng, tài chính, đầu tư, nông, lâm, ngư nghiệp, khoa học công nghệ và tài nguyên, môi trường và an ninh doanh nghiệp ngoài Nhà nước…

Xuân Mai
.
.