Chặn buôn lậu vùng biên mùa nước nổi

Thứ Bảy, 18/06/2022, 21:00

Tội phạm buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam từng lúc, từng nơi vẫn diễn biến phức tạp. Nguồn lợi bất chính cao ngất ngưởng so với những công việc lao động chân chính là “liều thuốc kích thích” khiến các đối tượng buôn lậu bất chấp mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Để phục vụ công tác đấu tranh, triệt xóa các đường dây buôn lậu, các trinh sát của lực lượng phòng, chống buôn lậu phải bám sát địa bàn, đối tượng…

Mùa nước nổi, những cánh đồng vùng biên trải dài phẳng lặng, mực nước dâng cao gây ngập đến ngọn cây. Các đối tượng buôn lậu triệt để tận dụng để chuyển hàng hóa, khu vực nào cũng có thể trở thành “điểm nóng”.

Trong vai người dân làm nghề đánh bắt cá, trên chiếc xuồng lưới, tôi cùng 2 trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang tiến dần về các ngả đi “hàng” của các đối tượng. Sau nhiều ngày làm ngư dân, 2 trinh sát dần hoàn thành phương án tác chiến để phục vụ cho công tác “đánh bắt” các đối tượng vận chuyển hàng lậu.

nhonhunglan1.jpg -0
Lực lượng Công an, Biên phòng An Giang tuần tra, phòng, chống buôn lậu trong mùa nước nổi trên tuyến biên giới.

Với tuyến biên giới kéo dài gần 100km, các khu vực như: kênh Ngọn Cả Hàng (xã Vĩnh Hội Đông), khu vực dòng sông chung thị trấn Long Bình (huyện An Phú); thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên); xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu); khu  vực gò Tà Mâu (thuộc phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc) và tuyến quốc lộ 91, tuyến sông Hậu, sông Tiền... được xem là “điểm nóng”. Hàng lậu từ phía Campuchia được tuồn qua mương Sáu Nhỏ, mương 3 Ông Đá, rạch Chắc Ri, mương 5 Lùn, rạch Miếng Ngói Lớn, rạch Miếng Ngói Nhỏ… sau đó được tập kết về các nhà sàn hoặc bãi đất trống sát bờ kênh Vĩnh Tế.

Tiến sâu vào kênh Vĩnh Tế dễ dàng nhận thấy ở 2 đầu kênh đều có người cảnh giới, báo động cho đối tượng vận chuyển hàng lậu. Những căn nhà sàn dựng san sát nhau trên bờ kênh đều chừa một khoảng trống cố định giữa hai nhà, tạo thành “cánh cửa độc địa”. Mỗi khi có người lạ ra vào, toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng hoá đều “đóng băng”, cửa nhà chốt lại, then cài then. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng đóng chặt cửa cho các vỏ lãi, ghe chở hàng lậu quay ngược, chạy về phía Campuchia… Nếu không có lực lượng chức năng, các đối tượng nhanh chóng đưa hàng lậu lên xe máy theo từng nhóm, phóng bạt mạng về các điểm tập kết hàng. Hàng lậu được phân nhỏ, ém vào các điểm tập kết tại TP Châu Đốc, tiếp đến các đối tượng dùng xe máy giao hàng cho các đối tượng ở khu vực huyện Châu Phú và được chuyển đi tiêu thụ tại TP Long Xuyên, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh…

Tại huyện Tịnh Biên, hàng sau khi được tập kết sẽ được các đối tượng ở Hà Tiên (Kiên Giang) dùng xe tải, ôtô lên nhận… Riêng đối với đường cát Thái Lan, sau khi vào nội địa được các đầu nậu tại Châu Đốc, Tịnh Biên dùng ghe lớn, xe tải vận chuyển giao cho các điểm tiêu thụ tại Cần Thơ, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh...

Theo một cán bộ trinh sát đi cùng chia sẻ, điều quan ngại nhất là mỗi đối tượng buôn lậu lại có thêm 10 đối tượng khác canh đường, tiếp tay… Thực tế cho thấy, các đối tượng canh đường với công việc nhẹ nhàng nhưng được các đầu nậu trả tiền rất cao, trên 200.000 đồng/người/ngày. Mặt khác, chính người thân của lực lượng này là đối tượng trực tiếp tham gia vận chuyển hàng lậu nên họ luôn tìm cách bảo vệ nhau nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Ở vùng biên giới, ngoài nghề trồng lúa, đánh bắt thủy sản thì đối với những hộ gia đình không có đất đai, phương tiện sản xuất, tìm việc có mức thu nhập cao là rất khó. Các đối tượng vận chuyển dùng xuồng máy được nâng cấp, chạy băng đồng với tốc độ cao, né chốt kiểm tra trên bờ, đưa hàng đến điểm tập kết trên bờ nội địa. Khi bị phát hiện, rượt đuổi bắt giữ thì các đối tượng sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng để tẩu thoát.

nhonhunglan4.jpg -0
Công an tỉnh An Giang bắt quả tang một vụ vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Giáp ranh với tỉnh An Giang, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) có đường biên giới dài hơn 18km trên cả đường bộ và đường sông giáp với tỉnh PreyVeng (Vương quốc Campuchia). Các đối tượng buôn lậu khu vực này lập thành nhóm, đường dây, thuê người canh đường và hoạt động cả ngày lẫn đêm, có điều kiện thích hợp là chúng hoạt động.

Trinh sát cho biết, gần đây một số đối tượng buôn lậu còn dùng flycam, livestream, quay phim, chụp ảnh để theo dõi cơ quan chức năng. Để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, các đối tượng vận chuyển không chứa hàng lậu trong nhà hoặc kho mà để ở các khoảng đất trống và thường xuyên thay đổi địa điểm, cắt cử người canh giữ.

Các đối tượng vận chuyển hàng hóa bằng mọi hình thức như dùng xe tải chở cá, ôtô 4 chỗ để ngụy trang. Các đối tượng dùng xe máy “đôn dên, xoáy nòng” chạy với tốc độ rất cao vận chuyển hàng lậu, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nếu phát hiện lực lượng chống buôn lậu, bọn chúng bỏ lại hàng hóa, phương tiện để thoát thân.

Phương tiện dùng chở hàng lậu đều không có giấy tờ, biển số giả hoặc đã bôi đen biển số, còn người tham gia hoặc liên quan phần lớn là người địa phương. Vì vậy, họ rất thông thạo địa bàn và tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng. Các đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu không trực tiếp thực hiện mà thuê người dân biên giới làm thay. “Để bắt được tận tay những đối tượng buôn lậu là điều không dễ dàng. Chúng có thể nhấn chìm cả vỏ lãi chở hàng xuống nước rồi chạy thoát thân”, trinh sát đi cùng cho biết.

Dọc theo tuyến biên giới trải dài về hướng Kiên Giang, các đầu nậu thuê người sử dụng xe máy vận chuyển hàng hoặc đóng thành thùng để đẩy dọc theo tuyến biển. Sau khi nhận hàng từ bên kia biên giới, những người vận chuyển thuê như làm xiếc trên cánh đồng, họ đánh võng liên hồi ở những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu. Khi vào nội địa, các phương tiện lập tức tăng tốc với tốc độ kinh hoàng. Đối với những xe vận chuyển đường cát lậu thường chạy chậm hơn bởi được nhóm canh đường hướng dẫn. Hàng lậu được chuyển theo hướng quốc lộ 80 về tập kết tại các kho chứa ở khu vực chợ Hà Tiên trước khi “hô biến” thành đường nội…

Đóng vai người đi mua phân bón và thuốc diệt cỏ để làm đồng cho vụ lúa mới, phóng viên cùng một trinh sát của tổ liên ngành tìm đến cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Đức An tại ấp Đồng Ky (xã Quốc Thái, huyện An Phú). Nơi đây trưng bày hàng hóa đủ nhãn hiệu, giá cả đa dạng. Tuy nhiên, khi xem kỹ thì có nhiều gói thuốc trừ sâu bệnh, diệt cỏ và phân bón… đã hết hạn sử dụng, có những sản phẩm nghi vấn thuộc danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam. Khi Tổ công tác liên ngành kiểm tra thì phát hiện ngoài những sản phẩm bày bán, bên trong nhà kho có chứa trên 12.180 chai, gói thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón… đã hết hạn sử dụng.

Trần Lĩnh
.
.