Cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử - chuyện bây giờ mới kể

Thứ Ba, 28/02/2023, 04:52

23h, Phòng Ứng dụng công nghệ thông tin và Quản lý hồ sơ xuất nhập cảnh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an vẫn sáng đèn. Trong màn đêm tĩnh mịch, các cán bộ của đơn vị vẫn cần mẫn làm nhiệm vụ…

Từ nhiều tháng nay, lãnh đạo, cán bộ Phòng Ứng dụng công nghệ thông tin và Quản lý hồ sơ xuất nhập cảnh đã quen với cường độ làm việc gấp rút, khẩn trương để chuẩn bị cho việc chính thức phát hành cuốn hộ chiếu điện tử đầu tiên của Việt Nam vào ngày 1/3/2023. Tính đến thời điểm này, việc cấp hộ chiếu phổ thông (hộ chiếu điện tử) đã hoàn thành trước kế hoạch 1 tháng.  

Tháo gỡ từng nút thắt

Từ nhiều tháng nay, lãnh đạo và CBCS của Phòng Ứng dụng công nghệ thông tin và Quản lý hồ sơ xuất nhập cảnh đã quen với guồng quay làm việc mới. Cùng với việc triển khai thực hiện 37 dịch vụ công ở cấp độ 4, trả lời yêu cầu của các đơn vị nghiệp vụ liên quan đến công tác xuất, nhập cảnh, đơn vị lại cùng lúc gấp rút hoàn tất các bước để thực hiện việc cấp hộ chiếu điện tử…, nên khối lượng công việc rất nặng nề.

img_20221004_231508.jpg -0
Cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm thủ tục.

"Việc phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử đòi hỏi thiết bị, phần mềm và quy trình xử lý phức tạp hơn rất nhiều so với phát hành hộ chiếu thông thường. Vì thế, khi bắt đầu triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn"- Trung tá Vũ Thanh Nhân, Phó trưởng Phòng Ứng dụng công nghệ thông tin và Quản lý hồ sơ xuất nhập cảnh chia sẻ.

Khi ấy, Phòng Ứng dụng công nghệ thông tin và Quản lý hồ sơ xuất nhập cảnh phải hoàn thành một lượng lớn công việc như phối hợp với các nhà thầu triển khai hiệu chỉnh phần mềm đảm bảo việc cấp, phát, kiểm soát hộ chiếu có gắn chíp thống nhất từ trung ương xuống địa phương; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai hệ thống trung tâm chữ ký số quốc gia, phục vụ phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam; phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH hoàn thiện chức năng khai thác, đối sách dữ liệu sinh trắc học của người được đề nghị cấp hộ chiếu điện tử. Phần mềm phức tạp, thiết bị máy móc có số lượng lớn, đa dạng về chủng loại.

Trong khi đó, địa bàn triển khai lại trải rộng từ trụ sở Cục, 5 Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế tới Công an 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc; một số nội dung cần triển khai ngay trong thời kỳ cao điểm chống dịch COVID-19, thật không dễ dàng. Song, trong những ngày đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Cục, các cán bộ của Phòng đã xây dựng quy chế phối hợp giữa Cục với các đơn vị nghiệp vụ và Ban Cơ yếu Chính phủ liên quan đến cấp, quản lý, sử dụng các chữ ký số phục vụ cấp, kiểm soát hộ chiếu điện tử.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị hiệu chỉnh lại quy trình xử lý hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu; các nhà thầu để triển khai. Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng ủy, lãnh đạo Cục; sự quyết tâm của CBCS, đơn vị đã hoàn thành phần việc trên đúng kế hoạch đề ra.

Sau phần mềm là việc chuẩn bị hạ tầng chữ ký số quốc gia. Nhớ lại quá trình triển khai, Trung tá Nhân cho biết: Cục Quản lý xuất nhập cảnh được giao xây dựng, quản lý và vận hành Trung tâm chữ ký số quốc gia dùng cho hộ chiếu điện tử.

Trung tâm này có nhiệm vụ tiếp nhận chứng thư số quốc gia từ Ban Cơ yếu Chính phủ phục vụ cho việc phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam; đồng thời, là trung tâm duy nhất của Việt Nam có chức năng tiếp nhận chứng thư số quốc gia của các nước phát hành hộ chiếu điện tử trên thế giới thông qua hệ thống của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) phục vụ việc kiểm tra hộ chiếu điện tử nước ngoài.

Vào thời điểm đó, đây là hệ thống còn khá mới mẻ. Trong khi đó, việc trao đổi kinh nghiệm đối với các quốc gia khác bị hạn chế do tính chất bảo mật nghiêm ngặt của hệ thống; thủ tục phối hợp với ICAO khá phức tạp và gặp khó khăn về khoảng cách địa lý. Trong quá trình triển khai phải bảo đảm chính xác, bảo mật và tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn quốc tế…

Tuy nhiên, đến nay, Phòng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Viễn thông - Cơ yếu và các đơn vị liên quan cơ bản hoàn thành các phần việc của nội dung này, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp phát, quản lý và kiểm soát hộ chiếu điện tử kể từ ngày 1/3/2023.

Ngày, đêm chạy đua với thời gian

Những ngày này, cường độ làm việc của cán bộ Phòng 3, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng căng thẳng không kém. Cùng với việc cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp, cán bộ của đơn vị còn phải phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai cấp hộ chiếu điện tử. Nhiệm vụ của Phòng 3 là cung cấp các vật tư tiêu hao liên quan đến dây chuyền, máy móc…, đảm bảo hệ thống máy móc hoạt động thông suốt.

Dây chuyền cấp hộ chiếu điện tử có tính bảo an cao, yêu cầu mang tính đặc thù. Vì thế, để đảm bảo đúng chất lượng của hộ chiếu điện tử, các cán bộ của phòng phải nghiên cứu kỹ hồ sư về các công ty cung cấp nguyên liệu, vật liệu sản xuất hộ chiếu điện tử…, yêu cầu đặt ra là các mặt hàng đảm bảo phải phù hợp với quy định…

Cùng với việc sản xuất phôi, Phòng 3 còn có nhiệm vụ phải phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, tiến hành tính toán số lượng hộ chiếu điện tử cần sử dụng để sản xuất số lượng phù hợp, không gây lãng phí. Đây là việc không dễ dàng vì cùng lúc, Cục Quản lý xuất nhập cảnh vừa cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử; vừa cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp.

Trong khi đó, người dân có thể xin cấp hộ chiếu dưới mọi hình thức, ở bất kỳ địa điểm nào; hộ chiếu điện tử là mặt hàng "khó tính"; đòi hỏi việc bảo quản phải thực hiện nghiêm ngặt. Nếu sản xuất với số lượng lớn, để lâu thì khả năng thì có thể chất lượng con chíp điện tử sẽ bị ảnh hưởng…

Cũng chính vì thế, cán bộ đơn vị phải có mặt ở các địa bàn; phối hợp với Công an địa phương nắm bắt nhu cầu thực tế. Từ đó, xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết, báo cáo lãnh đạo đơn vị…

Để có thể cấp hộ chiếu điện tử đúng thời hạn, một khâu rất quan trọng mà Cục Quản lý xuất nhập cảnh phải thực hiện, đó là cài đặt hệ thống cá thể hoá. Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã trang bị 2 dây chuyền cá thể hóa hộ chiếu hiện đại, công suất lớn. Hệ thống có tính tự động cao và tự động kiểm soát chất lượng hộ chiếu trước khi phát hành.

Tuy nhiên, có một khó khăn là dây chuyền này đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường hoạt động; việc hiệu chỉnh, vận hành, bảo trì các dây chuyền này và các thiết bị rất phức tạp. Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp chặt chẽ với nhà sản xuất, đơn vị cung cấp, lựa chọn cán bộ có năng lực về ngoại ngữ, công nghệ thông tin để nhận chuyển giao công nghệ, vận hành hệ thống.

Đến nay, cán bộ của Cục đã thành thạo trong việc sử dụng hệ thống, bảo đảm các dây chuyền cá thể hóa vận hành với năng lực cao nhất, đáp ứng nhu cầu cấp hộ chiếu ngày càng cao của nhân dân.

Tiếp đó là việc hoàn thiện các mẫu hộ chiếu mới. Ngoài việc bổ sung chíp điện tử, hộ chiếu sắp phát hành còn sử dụng mẫu hộ chiếu mới có nhiều thay đổi về nội dung và hình thức, bổ sung nhiều hình thức bảo mật. Từ 1/7/2022 đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phát hành hộ chiếu theo mẫu mới; sau đó tiếp tục hiệu chỉnh, bổ sung nội dung nơi sinh, tách họ và tên đệm trên trang nhân thân của hộ chiếu.

Việc điều chỉnh nội dung trên đòi hỏi chỉnh sửa rất nhiều về phần mềm đăng ký, xử lý hồ sơ, cá thể hóa và kiểm soát hộ chiếu. Tuy nhiên, CBCS Phòng Ứng dụng công nghệ thông tin và Quản lý hồ sơ nhập cảnh đã chủ động hiệu chỉnh phần mềm và trang thiết bị, đặc biệt là dây chuyền cá thể hóa hộ chiếu để đáp ứng yêu cầu đề ra, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi sử dụng hộ chiếu để nhập cảnh, cư trú tại nước ngoài.

 Hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ lưu trữ được nhiều thông tin của công dân bao gồm cả các thông tin sinh trắc học. Về các dữ liệu khai thác, Cục Quản lý xuất nhập cảnh được khai thác dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu ảnh mặt, ảnh vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu từ các CSDL nêu trên.

Vậy nhưng yêu cầu đặt ra đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ này không đơn giản. Cụ thể, quá trình khai thác phải bảo đảm bí mật, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo vệ tuyệt đối thông tin cá nhân của công dân. Trong khi đó, hạ tầng mạng kết nối, hệ thống phần mềm khai thác đều được các cơ quan chức năng của Bộ Công an kiểm tra, thẩm định về tính bảo mật, an ninh, an toàn.

 Từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, các dữ liệu được khai thác đã giúp cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu của công dân, chủ động, kịp thời bổ sung, hiệu chỉnh các nội dung chưa đúng, chưa đủ và đặc biệt là phát hiện, ngăn chặn các hành vi giả mạo hồ sơ.

Chỉ còn vài ngày nữa, sẽ triển khai trên toàn quốc. Điều này, không chỉ tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động xuất nhập cảnh mà còn phù hợp với Chính phủ điện tử; tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội; nâng cao vị thế của hộ chiếu Việt Nam, thúc đẩy hội nhập của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Xuân Mai
.
.