Công an Thủ đô thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy

“Bông hoa ban” Tây Bắc khoe sắc giữa Thủ đô

Thứ Tư, 16/11/2022, 16:50

Đã là chiến sỹ Công an thì công tác ở đơn vị nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Điều quan trọng là người cán bộ phải biết vận dụng linh hoạt những thuận lợi; khắc phục các khó khăn để cùng đồng đội vượt qua…

Nếu ai cũng ngại khó, ngại khổ, không muốn về cơ sở thì những việc đó ai làm. Đó là tâm sự của Trung tá Trương Thị Liễu, nữ chỉ huy cấp Đội duy nhất của Công an TP Hà Nội, xung phong đi cơ sở khi Bộ Công an và Công an TP Hà Nội thực hiện Đề án đưa Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã.

1.Trung tá Trương Thị Liễu từng là cựu sinh viên khóa D26- Học viện An ninh nhân dân. Sau khi tốt nghiệp ra trường chị đã từng trải qua nhiều đơn vị công tác khác nhau như Công an huyện Văn Chấn; Phó Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp Công an huyện Lương Sơn (Hòa Bình)… Từ năm 2020 đến nay, chị là Phó trưởng Công an xã Thanh Liệt, Công an huyện Thanh Trì, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

a.jpg -0
Trung tá Trương Thị Liễu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

Tôi hỏi, vì sao đang công tác tại Phòng An ninh chính trị nội bộ, chị lại xin về xã, chị cười xoà: Thật ra, đã là chiến sỹ Công an thì công tác ở đơn vị nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Điều quan trọng là mình biết sử dụng những thuận lợi và khắc phục những khó khăn để cùng đồng đội vượt qua. Hơn nữa nếu ai cũng ngại khó, ngại khổ, sợ cơ sở thì những việc đó ai làm…

Sau một thời gian ngắn gửi đơn tình nguyện đến Giám đốc Công an thành phố, ngày 20/4/2020, Trung tá Trương Thị Liễu nhận quyết định về Công an xã Thanh Liệt. Chị kể: Thời điểm về xã vào đúng dịp Tết nguyên đán nhưng Công an xã đã bắt tay ngay vào việc nắm tình hình địa bàn. Đại dịch COVID-19 tràn vào thủ đô, dịch diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội, Công an xã Thanh Liệt đã tích cực tham gia truy vết, giám sát người từ vùng dịch về, phối hợp với các ban, ngành đề quản lý người cách ly.

Là cán bộ phụ trách địa bàn, lại là tổ trưởng tổ COVID-19 cộng đồng, có những việc làm ngoài khả năng của Công an, chưa có tiền lệ nhưng chị cùng cán bộ, chiến sĩ Công an xã vẫn cố gắng vượt qua. Rồi chỉ trong vòng hai năm Bộ Công an triển khai 2 Đề án lớn đó là: “Đề án dữ liệu quốc gia về dân cư” và “Đề án Cấp Căn cước công dân có gắn chíp điện tử”

Trong quá trình ấy, chị và đồng đội phải đối mặt với không ít khó khăn, đơn cử như việc thực hiện “Đề án dữ liệu quốc gia về dân cư”. Vào thời điểm đó, trên địa bàn xã có một khu dân cư có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự (ANNT); nguyên nhân là do người dân đã đánh đồng việc thu thập thông tin dân cư với việc kê khai để thu hồi đất nông nghiệp để triển khai một số dự án của huyện Thanh Trì…

Vì thế, khi Công an xã thu  thu thập thông tin dân cư, một số người dân đã không hợp tác. Họ không nhận, không khai, không nghe giải thích và không cho người thân khai hay ký bất cứ một loại giấy tờ gì. Khi ấy, chị đã phải cùng cán bộ Công an xã “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà thật kỹ, không để một hộ dân nào bị bỏ sót”… Kiên trì vận động, tuyên truyền, cuối cùng đã thu thập được thông tin dân cư…

Trong công việc, chị luân tự nhủ “dù ở đâu, khi nào người chiến sỹ Công an cũng phải giữ vững chữ “Tâm”. Bởi vậy, chị thường giúp đỡ người già và trẻ em cơ nhỡ. Trong đợt thực hiện chiến dịch thần tốc cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử năm 2021, chị đã rất nhiều lần giúp đỡ người già, người tàn tật để họ thực hiện quyền công dân của mình. Hình ảnh gần gũi, tận tuỵ với công việc của chị cũng đã từng được đồng đội của chị ở các báo, đài truyền hình trong và ngoài ngành ghi lại được thật giản dị và thân thương. Những việc thiện nguyện đó Liễu làm bằng cả trái tim.

2. Đầu năm 2021 đến nay, Công an xã được giao nhiệm vụ thực hiện việc chỉnh, sửa số sổ hộ khẩu theo cấu trúc mới trên hồ sơ gốc trên phiếu thu thập dân cư trên máy. Ở giai đoạn đầu, mỗi xã chỉ có 1 máy tính, nay mới có hai máy, đường truyền còn đang trong giai đoạn thử nghiệm…

Đồng thời, lại thêm việc thực hiện Đề án cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, hay còn gọi là thực hiện mục tiêu kép: Vừa tiếp tục thực hiện Đề án Quốc gia về dân cư, cập nhật, nhập, chỉnh sửa dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo “Đúng, đủ, sạch, sống” vừa tham gia, phối hợp cấp CCCD. Đồng thời, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vừa bảo vệ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; các chỉ tiêu nghiệp vụ…; phòng chống dịch COVID-19 tham gia chốt trực tại cổng bệnh viện K3 Tân Triều.

 Khi dịch bùng phát là các chốt tại các thôn, tổ dân phố của xã Thanh Liệt, chi cùng đồng đội lại tham gia truy vết người trở về từ vùng dịch; tiếp xúc với người bệnh, giao quyết định cách ly, tuần tra nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, kiểm tra lưu trú, truy vết người nhập cảnh trái phép, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, tiếp nhận các đối tượng do các tổ công tác 141, 113, Y29… tuần tra phát hiện bàn giao… thật quá sức.

“Công an xã mà, công việc chẳng khác gì nuôi con mọn. Công việc đối với nam giới đã vất vả, đối với nữ mà lại là chỉ huy thì sự vất vả còn nhân lên gấp bội”- chị cho biết. Ngoài công việc cơ quan, chị cũng là người con dâu, người vợ, người mẹ trong gia đình. Bình thường khi không cao điểm thực hiện các chiến dịch “thần tốc” thì cứ 2 đêm chị lại trực một đêm. Còn khi thực hiện các đợt cao điểm thì chị và cán bộ, chiến sĩ phải trực 100%.

Chị cho biết, từ khi ra trường đến nay, chị hầu như chưa được đón giao thừa ở nhà mấy khi, về xã thì điều tưởng như đơn giản đó lại càng không thể vì đêm giao thừa phải tuần tra khép kín địa bàn; phòng ngừa tội phạm và phòng ngừa sử dụng pháo trái phép. Chạnh lòng lắm, khi hai năm về cơ sở 8/3, chị em phụ nữ ngành khác khoe áo, khoe hoa còn mình thì đi tham gia cưỡng chế đất rồi trực đêm… nhưng nghề mà! Miễn là cuộc sống bình yên là tốt lắm rồi.

Đầu năm 2022, Bộ Công an đồng loạt triển khai Đề án 06. Đây cũng được gọi là chiến dịch “thần tốc” của Công an Hà Nội. Trong chiến dịch này, Công an xã cũng là lực lượng nòng cốt, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện Đề án này. Với sự quyết tâm đồng lòng, tập thể chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ Công an xã Thanh Liệt đã nhanh chóng tham mưu cho Ban chỉ đạo Đề án 06 của xã và các tổ giúp việc tại các thôn, tổ dân phố để mời công dân đã được cấp CCCD gắn chíp điện tử ra trụ sở Công an xã để xác thực định danh điện tử và cập nhật các giấy tờ như ảo hiểm xã hội, đăng ký xe, giấy phép lái xe… lên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết quả là đến nay xã Thanh Liệt đã đạt trên 110% chỉ tiêu giao.

 Song song với các việc trên, Công an xã còn tham mưu cho UBND xã đảm nhiệm công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo phân cấp tại danh mục IV Nghị định số 136/NĐ-CP. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn với Công an xã, vì không phải xã nào cũng có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về công tác PCCC…Trong khi đó, Thanh Liệt lại là địa bàn đang đô thị hóa rất nhanh, có nhiều nhà dân là hộ gia đình để ở kết hợp với kinh doanh nên là một trong bốn xã-thị trấn được UBND - Công an huyện Thanh Trì giao thí điểm xây dựng mô hình “ Tổ liên gia về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn”.

Công an xã Thanh Liệt đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã, sau khi nghiên cứu kỹ địa bàn, xã đã chọn 10 hộ dân tại thôn Nội để xây dựng mô hình này. Chỉ từ tháng 8 đến tháng 10/2022, từ việc chọn địa điểm, đến thuyết phục người dân, lên kế hoạch, triển khai, lắp đặt thiết bị, ra mắt vào ngày 15/10/2022 để hoàn thành được một mô hình về công tác PCCC. Đây là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương nhưng vai trò tham mưu chính lại chính là Công an xã Thanh Liệt và chính cá nhân người phụ nữ-người chỉ huy- “bông hoa ban” Tây Bắc mà tôi đang nhắc tới trong bài.

Trên 28 năm trong ngành Công an là thời gian không dài nhưng cũng đủ để chị rút ra nhiều bài học quý giá cho mình. Chị tâm nguyện, CAND phải khắc ghi lời dạy của Bác “Việc gì tốt cho dân thì cương quyết làm…”; “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” vì Thủ đô bình yên.

Trong những năm qua, chị liên tục là chiến sỹ tiên tiến; ba năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, được Bộ Công an, thành ủy tặng Bằng khen và nhiều giấy khen của Giám đốc Công an TP. Chị từng là 60 gương điển hình của Công an Thủ đô nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh sát nhân dân được Công an thành phố Hà Nội tôn vinh tháng 7/2022 vừa qua.

Trung tá Liễu cho rằng, để có được ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ tận tình của cấp ủy, lãnh đạo các cấp; anh em đồng chí, đồng đội luôn kề vai, sát cánh chia sẻ giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày và cũng như trong công tác chuyên môn. Tiếp xúc với Trung tá Liễu, tôi được biết chị là người thân thiện, hòa đông với mọi người, được đồng đội và bạn bè yêu mến. Chị còn có một người chồng yêu thương vợ, con hết mực và biết chia sẻ mọi việc nhà, góp sức chăm sóc hai đứa con để chị yên tâm công tác.

Chị còn được biết đến là một người có tâm hồn nghệ sĩ. Ngoài những bài thơ về các loài hoa, mới đây tại buổi Gặp mặt đối thoại giữa Ban Giám đốc Công an TP với các đồng chí nữ cảnh sát khu vực, Công an xã  vào ngày 26/3 vừa qua, chị đã thể hiện bài hát do chính mình sáng tác với tựa đề “Khúc ca Công an xã” với những lời lẽ giản dị, đời thường mà làm cả hội trường lặng đi vì xúc động: Công an xã thường xuyên phải vắng nhà/Chồng anh/ Vợ tôi/Hờn giận là lẽ đương nhiên/Yên tâm nhé/Chúng tôi vì nhiệm vụ/Khi nhân dân cần là lại có chúng tôi…

 Viết về chị - “Bông hoa ban” Tây Bắc vẫn luôn khoe sắc giữa lòng Thủ đô, tôi càng hiểu, để có cuộc sống bình yên, Thủ đô xanh- sạch- đẹp, hiện đại, thân thiện, mỗi chúng ta ở cương vị của mình, cần phải nỗ lực đóng góp thật nhiều với tình yêu và trách nhiệm của một công dân Thủ đô.

Mai Anh
.
.