Kỷ niệm 75 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 – 1/11/2021):

Báo CAND đi đầu trong công tác tuyên truyền về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Chủ Nhật, 31/10/2021, 07:06

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Báo CAND đã có hàng nghìn tác phẩm báo chí thông tin kịp thời đường lối, chủ trương của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, đồng thời phản ánh đậm nét những vất vả, hy sinh của lực lượng CAND và các lực lượng tuyến đầu. Thành tích tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 của Báo CAND đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Bám sát chủ trương, đưa tin nhanh nhạy, kịp thời

Từ tháng 1/2020, dịch bệnh COVID -19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc và sau đó lan rộng tới Việt Nam, Báo CAND là một trong những cơ quan báo chí đi đầu cử phóng viên trực tiếp tác nghiệp bất kể ngày đêm, bám sát các cuộc họp của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế để phản ánh kịp thời các định hướng lớn, các phương châm, đường lối, chiến lược về phòng, chống dịch.

Thực hiện hàng loạt tin bài mỗi ngày trên báo in và báo điện tử, các phóng viên Báo CAND không chỉ làm nhiệm vụ đưa tin mà còn phản ánh, phân tích một cách có chiều sâu công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin trong nhân dân vào công tác chống dịch của Đảng và Nhà nước.

sơn.jpg -0
Phóng viên Phong Sơn đang tác nghiệp tại Sân bay Vân Đồn.

Các tin bài trên Báo CAND đã góp phần quan trọng để tạo sự thống nhất nhận thức rằng “khống chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn”; “phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác”; các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần chủ động các phương án, kịch bản chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả, với tinh thần “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”; công tác phòng, chống dịch phải “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn thật sự là “pháo đài”, người dân thật sự là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch...

Ở đợt dịch thứ nhất, Báo CAND đã bám sát đưa tin nhanh nhạy về chủng virus mới xâm nhập vào Việt Nam từ ca bệnh đầu tiên là 2 bố con bệnh nhân người Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đến đoàn công nhân từ Vũ Hán về. Báo CAND đã có nhiều bài viết phản ánh cuộc chiến chống dịch ở ổ dịch Sơn Lôi, Vĩnh Phúc; những vất vả, hy sinh của lực lượng Công an trong điều tra, truy vết; hay sự “giam mình” miệt mài trong phòng nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập thành công virus Corona; cũng như vừa mày mò nghiên cứu vừa điều trị cho những ca bệnh đầu tiên của các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đợt dịch thứ 2 bùng phát, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 6h00 ngày 24/7/2020 trên phạm vi toàn TP đã nảy sinh tâm lý bất an, một bộ phận người dân tập trung đi mua lương thực, tích trữ hàng hóa... Trước tình hình này, Báo CAND đã kịp thời cập nhật, đăng tải thông tin từ Bộ Công thương và UBND TP Hà Nội về việc đảm bảo hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhân dân ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn, góp phần ổn định tâm lý người dân.

Trong đợt dịch thứ 3 và thứ 4, Báo CAND có nhiều bài viết, tuyên truyền về những thay đổi, điều chỉnh trong chiến lược, biện pháp phòng, chống dịch của đất nước cũng như trên thế giới, khẳng định mục tiêu của những thay đổi, điều chỉnh là để bảo đảm cuộc sống của người dân, đã củng cố được niềm tin, sự đồng thuận của xã hội, của nhân dân với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, bài viết “Chiến lược vaccine - chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế”; hay nhiều tin, bài phản ánh về chiến dịch tiêm chủng, thử nghiệm vaccine; những bài phỏng vấn chuyên gia dịch tễ và lãnh đạo Bộ Y tế phân tích sâu về nỗ lực tìm kiếm nguồn vaccine; giải pháp trong công tác phòng, chống dịch; thay đổi trong chiến lược điều trị, xét nghiệm; kiến nghị những cơ chế, chính sách đặc thù cho đội ngũ bác sĩ ở nơi tuyến đầu; những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch…

Bên cạnh đó, Báo CAND đã tích cực có những tin, bài về việc hỗ trợ người dân từ vùng dịch trở về quê hương; các hoạt động hỗ trợ người dân trong mùa dịch, như điểm phát khẩu trang miễn phí, điểm phát quà cho người nghèo, thủ tục nhận hỗ trợ theo các gói của Chính phủ và địa phương; những bài viết giới thiệu những kinh nghiệm quý, cách làm hay, những điểm sáng tạo trong việc phòng, chống dịch hiệu quả; giữ vững trật tự an ninh tại cơ sở, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội…

Trong suốt cuộc chiến chống dịch, Báo CAND đã có hàng trăm tin, bài bám sát các hoạt động, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Công an. Trong đó nhấn mạnh những ứng dụng khoa học đáng ghi nhận phục vụ công tác chống dịch như: Bộ Công an triển khai phần mềm quản lý di biến động công dân vùng dịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kiểm soát, truy vết công dân là F0, F1, F2 khi cần thiết.

Đồng thời, các phóng viên Báo CAND cũng không quản ngại bám sát địa bàn trong điều kiện dịch bệnh để tuyên truyền biểu dương kịp thời những tấm gương vất vả hy sinh của CBCS CAND trong hoạt động chống dịch ở các điểm cách ly, truy vết; những y, bác sĩ CAND, chiến sĩ CSGT, Cảnh sát cơ động ở nơi tâm dịch miền Nam… 

Phóng viên lăn xả vào tâm dịch

Là một trong những cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm trong hệ thống báo chí cả nước, trong đó tờ nhật báo CAND và Báo điện tử CAND đòi hỏi tính cập nhật và tính chiến đấu cao, trong những ngày cả nước giãn cách xã hội vào tháng 4/2020, hay đợt dịch thứ 4 Hà Nội và 23 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội, các phóng viên của Báo vẫn phải trực tiếp có mặt tại các điểm nóng trên nhiều địa bàn khắp mọi miền của Tổ quốc.

Báo CAND đi đầu trong công tác tuyên truyền về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 -0
Phóng viên Xuân Mai (Thứ 2 từ trái sang) tác nghiệp tại sân bay Nội Bài.

Nỗ lực của các phóng viên nhằm phản ánh kịp thời, sinh động các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, các nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò rất quan trọng, không thể thiếu của lực lượng CAND. Theo đánh giá của Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND, đây là công việc vừa vất vả, vừa đòi hỏi ở các nhà báo sự “dấn thân”, sẵn sàng vượt qua hiểm nguy, gian khó.

Chia sẻ về những ngày bám sát địa bàn biên giới, cùng CBCS Công an tỉnh Lào Cai tuần tra tại các chốt chống người xuất nhập cảnh trái phép ở huyện Bát Xát, hay những đêm lạnh tê tái theo chân các chiến sĩ tại điểm chống dịch ở địa bàn giáp ranh giữa Lào Cai - Lai Châu, Lào Cai – Hà Giang, Thiếu tá Hoàng Xuân Mai, phóng viên Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ cho biết: “Đó là thời điểm khi dịch COVID-19 từ Vũ Hán xâm nhập vào Việt Nam, Lào Cai là địa bàn phức tạp về tình trạng xuất nhập cảnh trái phép. Mình đã theo chân các chiến sĩ Công an tại nhiều điểm chốt vùng biên, có những đêm ngồi ở vùng giáp ranh biên giới sương mù dày đặc, giá lạnh, bọ chó đốt đầy chân, quan sát anh em làm nhiệm vụ, ranh thủ trò chuyện cùng họ để nghi nhận. Nhờ đó, mình đã viết được rất nhiều bài báo phản ánh chân thực, sinh động những vất vả, hy sinh của lực lượng Công an tỉnh Lào Cai ở tuyến đầu trong những ngày cả nước căng thẳng chống dịch. Khi các tác phẩm báo chí của mình được mọi người đồng cảm, truyền tay nhau đọc mình cảm thấy rất vui”.

Ở đợt dịch thứ 3, Hải Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước dịch bùng phát vào khu công nghiệp với số sự lây lan rất mạnh do biến chủng virus của Anh. Thiếu tá Hoàng Xuân Mai đã có hàng chục tin, bài phản ánh sự vất vả, hy sinh của CBCS Công an tỉnh Hải Dương.

Chị kể: “Đợt dịch này tôi chủ yếu tác nghiệp qua điện thoại do tỉnh giãn cách xã hội. Ngày nào tôi cũng gọi hàng chục cuộc, có ngày vài chục cuộc, nghe điện thoại đến nỗi “nóng cả tai”. Họ rất bận, có khi gọi điện còn bị anh em “quát”, nhưng tôi vẫn kiên trì, tranh thủ lúc anh em rỗi là gọi điện, kể cả 23h-24h đêm tôi cũng đợi để gọi”.

Theo chia sẻ của Thiếu tá Hoàng Xuân Mai, chị là người tuyên truyền sâu đậm về mô hình mới của Công an tỉnh Hải Dương - thành lập Tổ truy vết đặc biệt nằm trong Công an tỉnh mà sau này được nhiều công an địa phương áp dụng. Các bài báo đã phản ánh được công việc không có giờ nghỉ (24/24h) trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào truy vết, góp phần rất quan trọng vào thành quả chống dịch của địa phương.

“Đây là thời điểm giáp Tết, nếu không truy vết nhanh thì người ở các ổ dịch phức tạp như nhân viên quán karaoke, shipper về các tỉnh làm lây lan dịch bệnh. Các bài viết của mình đã thông tin kịp thời về tình hình chống dịch, những kinh nghiệm mới trong chống dịch, qua đó góp phần động viên CBCS. Các bài viết được lãnh đạo Công an tỉnh đánh giá cao, gọi điện cảm ơn phóng viên đã tuyên truyền được những vất vả của lực lượng Công an. Mình thấy rất vui và hạnh phúc khi bài viết của mình được anh em chia sẻ trên các nhóm của Công an tỉnh”, Thiếu tá Hoàng Xuân Mai cho biết.

Phóng viên Nguyễn Phong Sơn, Ban Điện tử là người “lăn lộn” ở nhiều điểm “nóng” để có những bức ảnh sinh động về cuộc chiến chống dịch, đặc biệt là chuyến bay đầu tiên đưa công dân về nước ở Sân bay Vân Đồn (trên chuyến bay này có nhiều người dương tính).

“Khi vào điểm “nóng” tôi chỉ có tâm niệm làm sao có những bức ảnh đẹp nhất, độc nhất, thông tin quý giá nhất cho dù khu vực đó nguy cơ lây nhiễm cao. Thú thực, tôi cũng có chút băn khoăn, lo lắng, nhưng niềm đam mê, sự dấn thân vẫn khiến tôi không ngần ngại. Chuyến đó về, nhiều người thấy tôi còn “tránh xa” vì sợ lây nhiễm”, anh Sơn chia sẻ.

Để đảm bảo thông tin nhanh, kịp thời, phóng viên theo dõi mảng y tế, phóng viên phụ trách các địa bàn trong gần 2 năm qua luôn trong trạng thái “ôm” máy tính từ sáng sớm đến nửa đêm. Theo chia sẻ của nhiều phóng viên phải “canh tin nóng” về dịch, có khi đi tắm cũng phải mang máy tính theo.

Thời gian đầu, Bộ Y tế cung cấp bản tin ca bệnh không cố định giờ, có ngày hơn 23h đêm mới có tin, phóng viên “ôm” máy tính đến 24h đêm là chuyện thường ngày. Ở đợt dịch thứ 4, các phóng viên phía Nam tác nghiệp trong vùng dịch, nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực. Nhưng vượt lên tất cả những khó khăn đó, các tác phẩm báo chí sinh động, bám sát những nỗ lực, vất vả của lực lượng CAND trong điều tra, truy vết, của các lực lượng tuyến đầu đã được truyền tải chân thực trên Báo CAND.

Trong quá trình tác nghiệp, như đồng nghiệp tại một số cơ quan báo chí, đã có phóng viên Báo CAND phải bị cách ly để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Rất may, đến thời điểm hiện tại chưa có phóng viên nào bị nhiễm COVID-19. Trong gần 2 năm qua, mặc dù có những giai đoạn khó khăn, song đội ngũ phóng viên Báo CAND vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, đam mê với công việc, góp phần quan trọng vào thành quả của công tác phòng, chống dịch bệnh trên lĩnh vực thông tin tuyên truyền.

Ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 13/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 40/QĐ-TTg tặng Bằng khen cho Báo CAND.

Trần Hằng
.
.