Các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc thiểu số tích cực hỗ trợ phòng, chống dịch:

Bài 1: Tổ công tác “đặc biệt” và câu chuyện cảm động giờ mới kể

Thứ Sáu, 07/01/2022, 16:42

Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an đã chủ động nắm chắc tình hình; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ vạch trần các luận điệu xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực thù địch

Dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an đã chủ động nắm chắc tình hình; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ vạch trần các luận điệu xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, vận động các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc thiểu số ủng hộ vật chất, tinh thần trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Mặt khác, hướng dẫn Công an các địa phương tham mưu cấp uỷ, chính quyền khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch bệnh; triển khai các gói an sinh xã hội đến tận tay người dân…

Tít, tít, tít... tiếng máy thở cấp cứu các bệnh nhân COVID- 19 trong Bệnh viện dã chiến Phước Lộc, Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh vang lên liên hồi, gây căng thẳng và áp lực cho cả y, bác sĩ và các bệnh nhân nhiễm COVID-19… Ngày cuối cùng của đợt tăng cường vào các tỉnh phía Nam, Trung tá Hồ Đại Thức, Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an, đồng thời là Trưởng Đoàn công tác Cục An ninh Nội địa, tăng cường các tỉnh phía Nam phát hiện mình bị nhiễm COVID-19…

Bài 1: Tổ công tác “đặc biệt” và câu chuyện cảm động giờ mới kể -0
Đoàn công tác tăng cường tham gia phòng, chống dịch, bệnh và ủng hộ người dân gặp nhiều khó khăn trong dịch bệnh

Và cũng chỉ đến lúc này, vợ anh ở ngoài Bắc mới biết chồng tình nguyện tăng cường vào các tỉnh phía Nam chống dịch. Qua điện thoại, hai vợ chồng động viên nhau không nói với bố mẹ, người thân để mọi người khỏi lo lắng.

1.Khi lãnh đạo Bộ có chủ trương tăng cường cán bộ vào các tỉnh miền Nam chống dịch, Cục An ninh Nội địa là đơn vị nghiệp vụ “tiên phong” trong khối An ninh và Cụm thi đua số 1 tăng cường 30 cán bộ, chiến sỹ (CBCS) vào các địa phương phía Nam, đảm bảo công tác an ninh nội địa và phòng, chống dịch bệnh.

Trung tá Hồ Đại Thức là một trong 30 cán bộ của Cục An ninh Nội tình nguyện, xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Nhớ lại những ngày đó, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh Nội địa không giấu được sự xúc động: Khi nhận được đơn đăng ký của CBCS, tôi không khỏi xúc động xen lẫn lo âu. Bởi phía sau mỗi đồng chí còn là gia đình, người thân, trong khi đại dịch diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam; tỉ lệ nhiễm bệnh, thậm chí tử vong là rất cao vào thời điểm đó…

 Trong đại dịch, công tác đảm bảo an ninh nội địa trở thành vấn đề “then chốt”, nếu không nắm chắc tình hình, dự báo sát, dự báo đúng và đề xuất, triển khai các biện pháp công tác; các phương án đảm bảo an ninh trật tự hiệu quả thì nguy cơ xảy ra phức tạp về an ninh trật tự, gây rối, biểu tình, bạo loạn là rất cao. 

Bài 1: Tổ công tác “đặc biệt” và câu chuyện cảm động giờ mới kể -0

2.Ngày xuất quân, đưa 30 CBCS vào các tỉnh phía Nam, trời âm u, khiến cảm xúc như lắng lại. Từ sáng sớm, lãnh đạo Cục và trưởng các đơn vị đều có mặt động viên Đoàn công tác. Sau những cái bắt tay đầm ấm là nỗi lo về sức khoẻ của những cán bộ làm nhiệm vụ; những khó khăn mà các cán bộ tăng cường phải đối mặt trong thời gian tới.

Bởi cùng với số đối tượng ở bên ngoài, các hội nhóm thù địch trong nước cũng “tát nước theo mưa”, lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi chống đối. Nổi lên trong số đó phải kể đến các nhóm như: “Phong trào liên đới dân oan Việt Nam”, tên trước đây là “Phòng trào dân oan Việt Nam tranh đấu” và “Lực lượng dân oan tỉnh Tiền Giang”- một nhóm phát hiện mới. Các thành viên trong những nhóm này đã đẩy mạnh việc chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung xuyên tạc công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước do tổ chức phản động “Việt Tân”, các báo, đài phản động bên ngoài như: BBC, RFA, VOA…

Ở trong nước, số đối tượng chống đối chính trị cũng soạn thảo, đăng tải trên các mạng xã hội: Youtube, facebook, tiktok… Nội dung các bài viết tuyên truyền sai sự thật về công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương; phản đối vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Bằng những lập luận cá nhân, thiếu căn cứ khoa học, các đối tượng cho rằng vaccine của Trung Quốc không hiệu quả trong phòng ngừa dịch COVID-19; tán phát các livestream của người dân tại các khu cách ly, quá trình điều trị của các bệnh nhân COVID-19; xuyên tạc, suy diễn theo hướng “Chỉ thị 16 không phải là văn bản quy phạm pháp luật”, “người dân có quyền không thực hiện Chỉ thị 16, không phải nộp phạt”.

Không dừng lại ở đó, lợi dụng việc chính quyền một số địa phương ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là tỉnh trọng điểm công nghiệp như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai kéo dài thời gian phong toả, giãn cách, công nhân và người lao động đang trong tình trạng nghỉ việc, không có thu nhập, đời sống khó khăn, mong muốn được về quê…, các tổ chức phản động trong và ngoài nước triệt để lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để tác động, chống phá gây bất ổn an ninh trật tự (ANTT) trong vùng giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Trung tá Hồ Đại Thức là trưởng đoàn tăng cường các tỉnh phía Nam gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An và trực tiếp được phân công về Công an quận Bình Tân thực hiện tuần tra, kiểm tra, trực chốt đảm bảo ANTT và thực hiện các mặt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận Bình Tân.

Bình Tân - địa bàn anh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ là quận đông dân nhất thành phố Hồ Chí Minh với hơn 784.713 người, tổng diện tích hơn 50 km2, mật độ dân số hơn 15 nghìn người/km 2. Từ tháng 6/2021, mặc dù chính quyền và nhân dân địa phương đã nỗ lực, tích cực triển khai, thực hiện các chủ trương, giải pháp của Chính phủ, thành phố…, nhưng do nhiều nguyên nhân, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp. Vào thời điểm đó, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn có hàng hàng nghìn ca nhiễm mới, xếp hàng đầu trong 5 quận, huyện có nguy cơ cao tại TP Hồ Chí Minh.

3.Ngay khi có mặt ở địa bàn, Trung tá Hồ Đại Thức đã cùng đồng đội bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ; phân công các trinh sát phối hợp Công an địa phương liên quan kiểm danh, kiểm diện; giám sát, phân loại, quản lý chặt các đối tượng chống đối; nắm chắc tình hình, âm mưu, phương thức, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là số đối tượng cơ hội chính trị, bất đồng chính kiến...

Đồng thời, triển khai công tác nắm tình hình dư luận, những vấn đề nổi, tác động ảnh hưởng đến an ninh, chính trị trên địa bàn; tập trung nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của số công nhân, người lao động tự do ở các khu nhà trọ với số lượng 1/3 dân số toàn quận. Họ cũng là những người có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và áp lực khi không có công ăn việc làm do phải thực hiện phong toả, giãn cách, điều kiện kinh tế cực khó khăn. Cùng với đó là tình trạng thiếu lương thực, hạn chế điều kiện tiếp cận và chăm sóc y tế …

Đó còn là việc nắm bắt thông tin về việc triển khai các gói an sinh xã hội. Từ đó, phát hiện một số bất cập còn tồn tại dẫn đến việc một số người dân cho rằng mình đã bị “bỏ rơi”, mất lòng tin vào chính quyền cơ sở. Thậm chí, hiểu sai lệch về chủ trương, chính sách của chính quyền. Đó còn là các hoạt động phức tạp về ANTT phát sinh từ hệ luỵ tiêu cực từ tình hình dịch bệnh COVID-19 với diễn biến khó lường, với quy mô, tính chất và mức độ tăng dần. Một bộ phận người dân vì thế đã kéo dến trụ sở để yêu cầu giải thích.

Lợi dụng tình hình đó, số đối tượng phản động, chống đối chính trị trong và ngoài nước đã triệt để lợi dụng tình hình dịch bênh COVID-19 tại quận Bình Tân, đặc biệt tại địa bàn phức tạp như quận Bình Tân…. Qua công tác nắm tình hình, xác định đây là thời điểm, cơ hội để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình; tạo dư luận, phản ứng trái chiếu trên không gian mạng, Trung tá Hồ Đại Thức và đồng đội đã kịp thời năm bắt.  

“Nếu không có phương án xử lý tốt thì khả năng xảy ra các vụ gây rối, biểu tình,  chống người thi hành công vụ, cộng thêm yếu tố kích động sẽ diễn ra với quy mô lớn hơn ở nhiều địa phương. Số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá trên không gian mạng, trong đó có việc lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá” - Trung tá Hồ Đại Thức nhớ lại.

Sau những ngày làm việc, tối đến anh lại cùng tổ công tác báo cáo tình hình về lãnh đạo Cục; các đơn vị chức năng lãnh đạo Bộ, Bộ chỉ huy tiền phương về tình hình dư luận. Đó là những bản viết bằng tay dài hàng chục trang… Đó là việc phối hợp, hướng dẫn Công an TP Hồ Chí Minh; tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương tập trung phòng, chống dịch.

Từ thực tiễn, họ đã có những sáng kiến, giải pháp hiệu quả phù hợp với tình hình như quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu đòi, khó khăn trong việc tiếp cận, chăm sóc y tế. Đó là việc nhanh chóng giải quyết những khó khăn, bức xúc của quần chúng; chấn chỉnh, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Cùng với đó là gặp gỡ các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong dân tộc, người có ảnh hưởng ở các địa bàn, tham gia tuyên truyền, quản lý, hướng dẫn và vận động quần chúng, tín đồ các tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân địa phương chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19… Từ đó, tổ công tác tăng cường đã thực hiện tốt chỉ đạo của lãnh đạo Cục và yêu cầu của Công an các địa phương; nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hoá âm mưu, ý đồ của các đối tượng, góp phần ổn định tại địa bàn quận Bình Tân.

Xuân Mai
.
.