Việt Nam chủ động hợp tác với các cơ quan, cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc
Phát biểu khai mạc Hội thảo "Các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc: Phương hướng hợp tác của Việt Nam", Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều vấn đề đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trong đó có vấn đề nhân quyền.
Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền. |
Để có thể tham gia vào các liên kết hợp tác khu vực và thế giới, các nước đều phải tuân theo luật chơi chung đó là các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Trên lĩnh vực quyền con người, đó là các nguyên tắc và chuẩn mực pháp lý quốc tế được ghi nhận trong Bộ luật nhân quyền và các văn bản pháp lý quốc tế khác.
Việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trước hết được thực hiện bởi pháp luật quốc gia nhưng nó cũng được điều chỉnh bởi pháp luật quốc tế mà các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ với tư cách là chủ thể của luật pháp và là thành viên của các điều ước quốc tế. Trên cơ sở luật pháp quốc tế về quyền con người, hệ thống các cơ quan và cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc đã được thiết lập nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, hỗ trợ và giám sát các quốc gia trong việc thực thi các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên từ Vụ Các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao); Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp); Vụ Pháp chế (Bộ Công an) trình bày các chuyên đề: Tổng quan về các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc và sự tham gia của Việt Nam; Vai trò của Văn phòng Cao Uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; Vai trò và hoạt động của Uỷ ban Nhân quyền trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu của Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Khái lược về Công ước Chống tra tấn và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên…
Toàn cảnh hội thảo. |
Bế mạc Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng VPTT Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ đánh giá cao chất lượng các chuyên đề do các diễn giả chuẩn bị và phần thảo luận, trao đổi tương tác giữa các đại biểu.
Trên cơ sở nhận thức những khó khăn, thách thức đặt ra đối với Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế, đặc biệt trên lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, các đại biểu tham gia Hội thảo đã thống nhất một số phương hướng trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp hợp tác với các cơ chế nhân quyền LHQ trong thời gian tới: Một là, thể hiện thái độ trách nhiệm, tích cực hợp tác, đối thoại với các cơ quan, cơ chế nhân quyền LHQ, chủ động tham gia vào hoạt động của các cơ chế nhân quyền LHQ góp phần vào việc định hình nguyên tắc và các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại về việc Việt Nam thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ nhân quyền quốc tế và sự tích cực, chủ động của Việt Nam trong hợp tác với các cơ quan, tổ chức nhân quyền quốc tế.
Ba là, đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động lợi dụng cơ chế nhân quyền quốc tế chống phá Việt Nam.
Bốn là, triển khai và thực hiện có hiệu quả nghĩa vụ quốc gia thành viên các công ước và các cam kết nhân quyền quốc tế; chủ động nâng cao năng lực nhân quyền cho cán bộ và nhân dân; tiếp tục bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thi hành và áp dụng pháp luật; khắc phục các tổn tại hạn chế ảnh hưởng đến quyền con người để có thể hạn chế được các hoạt động lợi dụng thông qua các cơ chế nhân quyền LHQ chống phá ta.
Năm là, thúc đẩy nghiên cứu lý luận về quyền con người, tăng cường phổ biến, truyên truyền giáo dục quan điểm của Đảng ta về vấn đề quyền con người, góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng XHCN về quyền con người.