Vị thủ trưởng, người thầy khả kính

Thứ Sáu, 17/06/2016, 09:54

Trong ký ức của cán bộ, chiến sỹ Tổng cục Chính trị CAND, Thiếu tướng Phạm Văn Dần (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, nay là Tổng cục Chính trị CAND) vừa là thủ trưởng, vừa là người thầy, người anh khả kính. Từ một giáo viên dạy toán và Pháp văn của ngành Sư phạm, ông gia nhập lực lượng CAND và gắn bó trọn đời với sự nghiệp trồng người nói riêng và công tác xây dựng lực lượng Công an nói chung…

Hơn 10 năm từ ngày Thiếu tướng Phạm Văn Dần nghỉ hưu nhưng mỗi lần gặp ông, tôi vẫn thấy toát lên sự lịch lãm, mô phạm vốn có của một nhà giáo. Ông vẫn tham gia nhiều hoạt động xã hội với vai trò “cố vấn”, dự các cuộc hội thảo, hội nghị, gặp mặt kỉ niệm… Nhiều hôm, đang ngồi nhâm nhi li cà phê trên một con phố thân quen nào đó của Hà Nội, thấy dáng ông thong thả bách bộ; anh em lính cũ lại trân trọng mời ông vào ngồi cùng. Thế là câu chuyện giữa chúng tôi với ông lại thêm phần rôm rả, bao kỉ niệm vui buồn cùng những chiêm nghiệm nhân tình thế thái. Ông quan tâm hỏi chúng tôi về cuộc sống và công việc làm báo, những khó khăn, thuận lợi gần đây thế nào?...

Đồng chí Phạm Văn Dần (thứ ba từ trái sang) trong lần gặp mặt cộng tác viên Báo CAND (tháng 1-2016). Ảnh: An Khang

Tháng 12-1997, tôi chuyển công tác từ Công an tỉnh Long An về Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND (khi đó trực thuộc Văn phòng Tổng cục, nay là Cục Tham mưu Chính trị Tổng cục Chính trị CAND). Ban đầu, phòng Tạp chí kế bên phòng làm việc của Tổng cục trưởng tại tầng 2, toà nhà 92 Nguyễn Du – Hà Nội; nay là trụ sở của Báo CAND và Nhà xuất bản CAND, Tạp chí CAND. Bởi vậy mà anh em Tạp chí Xây dựng lực lượng vẫn tự hào nói vui: “Anh em mình rất gần gũi với Tổng cục trưởng!”.

Hầu như ngày nào chúng tôi cũng được gặp, nói chuyện với ông. Hiếm khi chúng tôi “dám” sang phòng ông – dù chỉ cách có một bức tường; nhưng ông thì vẫn dành thời gian sang phòng Tạp chí uống trà và trò chuyện với anh em phóng viên, biên tập viên; thường là vào đầu giờ làm việc các buổi chiều. Có vấn đề gì chúng tôi không hiểu, ông tận tình giải thích. Thông thạo cả tiếng Trung và tiếng Pháp nên ông có kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực… 

Ông luôn đi đứng thong thả, nói năng khúc chiết mà rất dí dỏm, hài hước. Từ ông toát lên sự chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói, trong ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đúng khuôn mẫu của một nhà giáo. Ở cương vị của ông, công việc rất bận bịu, nhiều áp lực; song tôi chưa từng chứng kiến ông nóng nảy, quát mắng cấp dưới. Lâu dần, chúng tôi nghiệm ra những lúc ông căng thẳng hoặc gặp chuyện không vui, thì biểu hiện rõ nhất là khi chúng tôi chào, ông chỉ khẽ gật đầu; khác với những lúc bình thường, ông luôn đáp lại bằng nụ cười ấm áp, hoặc một câu nói thân mật, giàu ý nghĩa...

Có lần, ông tâm sự về căn duyên trở thành cán bộ Công an. Năm ấy đang thời kì kháng chiến chống Mỹ, ông đi chuyên gia ở châu Phi trở về thì đúng lúc Trường Công an Trung ương mở khóa đào tạo đại học đầu tiên (khóa Đ1, khai giảng tháng 10-1969). Giáo viên của Trường C500 lúc này còn rất thiếu, hơn nữa bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, khả năng sư phạm thì việc xét duyệt lí lịch khi tuyển giáo viên cũng rất khó khăn; nên cơ quan tổ chức gợi ý ông về trường dạy toán và Pháp văn. Ông kể: “Bố tôi là cụ Phạm Văn Nghi, khi đó là Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương – C500, nay là Học viện An ninh nhân dân. Vì vậy, cụ Nghi không muốn tôi về trường, vì e ngại sẽ khó xử khi cha là hiệu trưởng, con là giáo viên... Song tổ chức đã quyết định nên tôi chuyển công tác về Trường Công an Trung ương. Lúc này, khóa Đ1 cũng vừa khai giảng, rồi tiếp tới các khóa sau. Đất nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh; nhà trường phải thường xuyên sơ tán, song thầy và trò luôn hăng say, nghiêm túc dạy và học”.

Biết ông thông thạo tiếng Trung, một lần tôi tò mò hỏi ông học từ khi nào? Hóa ra, ông là cựu học sinh của Quảng Tây Nam Ninh dục tài Học hiệu – một chiếc nôi đào tạo cán bộ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong kháng chiến chống Pháp (tức Khu Học xá Việt Nam, đặt tại Trung Quốc từ năm 1951 - 1958). Năm 13 tuổi, ông đã xa gia đình, sang Trung Quốc học tập. Lần ấy, ông xúc động kể lại chặng đường du học thời kháng chiến gian nan: "Đường từ Việt Bắc sang Trung Quốc khi đó đi lại còn rất khó khăn. Nước bạn cũng mới được giải phóng, quân phiến loạn còn nhiều và vẫn lén lút hoạt động ở vùng rừng núi. Khoảng giữa năm 1951, từ Việt Bắc, chúng tôi đi bộ, rồi đi bằng ôtô tải có phủ bạt kín và được bộ đội Trung Quốc bảo vệ trong suốt quá trình di chuyển tới làng Tâm Hư, nơi đặt trụ sở ban đầu của Khu học xá Trung ương. Làng Tâm Hư cách thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) chừng 10km, là nơi sinh sống của người dân tộc Choang; đời sống của nhân dân rất lạc hậu. Trung Quốc cũng mới ra khỏi cuộc nội chiến đẫm máu, đất nước còn vô vàn khó khăn... Ban đầu, chúng tôi học trong những nhà tranh vách đất, ở trong những lều bạt mới được dựng lên tạm bợ. Lớp học không có bàn ghế, mỗi học viên được phát một tấm bảng con làm bàn (kê lên đầu gối để viết) và một chiếc ghế đẩu nhỏ vừa để ngồi học, vừa để ăn cơm, hội họp hoặc xem phim... Bảng viết của giáo viên thì được ghép từ những tấm ván rồi phết sơn đen. Khó khăn là thế, song tinh thần học tập của anh chị em học viên đều nghiêm túc, với quyết tâm thu nhận, tích lũy kiến thức để phụng sự Tổ quốc".

Vị thủ trưởng, người thầy khả kính -0
Thiếu tướng Phạm Văn Dần (bìa phải) và tác giả.

Như đã nêu ở phần trên, anh em Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND khi đó rất gần gũi với Thiếu tướng Phạm Văn Dần, luôn được ông dành cho sự quan tâm và tình cảm thân mật. Một buổi chiều, ông sang phòng Tạp chí uống trà. Nét mặt ông đượm buồn vì một việc mà về sau chúng tôi mới biết: ông vừa kí quyết định kỉ luật một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng ở một đơn vị đóng quân cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, có người bị cảnh cáo, có người bị tước danh hiệu CAND. Sau tuần trà, ông nói với Đại tá Nguyễn Văn Đông (nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí CAND, khi đó là Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND): “Cậu nên cử anh em đến làm việc, viết về vụ này nhằm rút ra bài học kinh nghiệm”.

Sáng hôm sau, đích thân ông kí giấy giới thiệu nhà báo Đoàn Xuân Tuyến và tôi tới đơn vị đó để làm việc. Hai anh em tôi hăm hở phóng chiếc Dream lùn vượt cầu Thăng Long đến đơn vị đó. Hiếm khi nào Tổng cục trưởng kí giấy giới thiệu nên các đồng chí chỉ huy đơn vị mặc dù không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nhưng vẫn phải vui vẻ cung cấp đầy đủ tài liệu, hồ sơ vụ việc. Đau xót thay, những người bị kỉ luật hầu hết là cán bộ tốt, có quá trình phấn đấu liên tục. Hôm đó, họ tổ chức liên hoan cho mấy anh em vừa được tuyển dụng; rượu vào, không làm chủ bản thân dẫn đến vi phạm pháp luật nghiêm trọng… Thế là, có người tháng trước vừa được trao quyết định tuyển dụng, phong hàm thì tháng sau phải nhận quyết định tước danh hiệu CAND. Trở về, anh em tôi hì hụi hoàn chỉnh bài viết có tiêu đề “Bài học đau xót từ một vụ kỉ luật”; Ban biên tập đã duyệt nhưng vì có chỉ đạo của Tổng cục trưởng nên Đại tá Nguyễn Văn Đông cẩn thận báo cáo ông. Hôm sau, ông sang phòng Tạp chí trả lại bản thảo và nói: “Thôi, không đăng nữa!”. Rồi ông phân tích, việc rút ra bài học kinh nghiệm là cần thiết, nhưng nếu đưa lên công luận thì trường hợp này dễ gây dư luận phức tạp…

Lần khác, ông sang phòng Tạp chí Xây dựng lực lượng và cầm lên một bản thảo rồi đọc nhanh. Tới một đoạn, ông nhíu mày và quay sang nhắc chúng tôi: “Câu này đúng phải là, người cán bộ Công an phải có trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch. Các cậu nhầm sang bàn tay lạnh thì đó là bàn tay của người chết!”. Sự phê bình của ông nhẹ nhàng nhưng cũng rất thấm thía và chúng tôi vẫn nhớ mãi.

Những câu chuyện trên là bài học bổ ích trong đời làm báo với chúng tôi, đó là sự thận trọng, có cái nhìn tổng thể và cân nhắc các yêu cầu thông tin. Không chỉ vậy, Thiếu tướng Phạm Văn Dần còn là người truyền cảm hứng cho nhiều anh chị em văn nghệ sỹ, báo chí trong và ngoài lực lượng CAND, để từ đó công tác báo chí, văn nghệ của lực lượng CAND có nhiều thành tựu trong 20 năm qua. Bản thân ông là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an; ông cũng là người hết sức ủng hộ, tạo điều kiện cho sự ra đời của Chuyên đề An ninh Thế giới.

Nhân dịp 35 năm Ngày thành lập Tổng cục Chính trị CAND, chúng tôi nhớ về người thủ trưởng năm xưa với bao kỉ niệm sâu sắc. Thời gian trôi đi thật nhanh và Thiếu tướng Phạm Văn Dần đã “hoàn dân” hơn 10 năm, song với anh em, đồng chí, ông vẫn luôn là người được quý mến, trân trọng. Chắc hẳn, mỗi khi gặp ông trên phố, chúng tôi cũng như nhiều đồng đội lại vui vẻ mời ông vào cùng ăn sáng, trò chuyện bên ly cà phê và ngắm dòng đời trôi như vẫn vậy.

Trần Duy Hiển
.
.