Cha và con trên bục giảng trường C500

Chủ Nhật, 26/09/2010, 10:24

Trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của lực lượng CAND, có những người thầy để lại ấn tượng sâu sắc với bao thế hệ học viên, cán bộ, chiến sĩ, dù nhiều năm tháng đã qua. Nhà giáo Phạm Văn Nghi (nguyên Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương, nay là Học viện An ninh nhân dân) là một người thầy như thế.

 Thời gian trôi đi, nhiều cán bộ Công an được trưởng thành từ "Chiếc nôi C500", vẫn luôn trân trọng khi nói đến người thầy khả kính Phạm Văn Nghi, một tấm gương mẫu mực về đạo làm thầy, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp trồng người của lực lượng CAND.

Tôi may mắn có thời gian được gần gũi Thiếu tướng Phạm Văn Dần (trưởng nam của nhà giáo Phạm Văn Nghi), nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND. Nói gần gũi là theo nghĩa đen của từ này, bởi khi đó tôi là phóng viên Tạp chí Xây dựng lực lượng - CAND, mà trụ sở của tạp chí thì liền kề với phòng làm việc của đồng chí Tổng Cục trưởng tại địa chỉ 92 Nguyễn Du - Hà Nội (ở tầng 2 của tòa nhà). Hầu như ngày nào, những phóng viên trẻ chúng tôi cũng được gặp, được nói chuyện với ông. Hiếm khi chúng tôi "dám" sang phòng ông - dù chỉ cách có một bức tường; nhưng ông thì vẫn dành thời gian sang phòng Tạp chí Xây dựng lực lượng uống trà và trò chuyện với anh em phóng viên, biên tập viên.

Cha và con trên bục giảng trường C500 -0
Thiếu tướng Phạm Văn Dần nguyên Tổng cục trưởng (thứ hai từ phải qua), cùng một số nhà giáo và các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND.

Ông luôn đi đứng thong thả, nói năng khúc chiết mà rất dí dỏm, hài hước... Từ ông toát lên sự mô phạm, chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói, trong ứng xử với cấp trên, cấp dưới, luôn nghiêm ngắn đúng khuôn mẫu của một nhà giáo. Ở cương vị của ông, công việc rất bận bịu, nhiều áp lực; song tôi chưa từng chứng kiến ông nóng nảy, quát mắng cấp dưới. Lâu dần, chúng tôi nghiệm ra những lúc ông căng thẳng hoặc gặp chuyện không vui, thì biểu hiện rõ nhất là khi chúng tôi chào, ông chỉ khẽ gật đầu; khác với những lúc bình thường, ông luôn đáp lại bằng nụ cười ấm áp, hoặc một câu nói thân mật, giàu ý nghĩa...

Một sáng Hà Nội vào thu, tôi đến thăm Thiếu tướng Phạm Văn Dần tại nhà riêng trong khu tập thể Thành Công. Ông rất kiệm lời khi nói về người người cha của mình. Thiếu tướng Phạm Văn Dần tâm sự: "Thú thực, tôi ít được gần gũi ông cụ, nên không có nhiều kỷ niệm. Lúc tôi còn bé thì cụ đi kháng chiến. Mười hai tuổi, tôi đi Trung Quốc học tập ở Khu học xá Việt Nam (phía bạn gọi là Quảng Tây Nam Ninh Dục tài học hiệu); sau đó tôi về nước học đại học và đi làm chuyên gia ở châu Phi, nên cha con ít khi được sống cùng nhau. Song tôi vẫn nhớ, cụ dạy con nghiêm khắc, không "đao to búa lớn". Cụ thường dùng tích xưa chuyện cũ, ca dao, ngạn ngữ để răn dạy con cái... Có lẽ cũng là cái nghiệp, nên sau này cả 4 anh em chúng tôi gồm hai chị gái và em trai đều theo bước cụ làm nghề giáo; em trai tôi là Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Ty, giảng viên ngành Sinh học  - Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây".

Tâm sự về căn duyên trở thành nhà giáo Công an, Thiếu tượng Phạm Văn Dần kể: "Ngày ấy, tôi đi chuyên gia ở châu Phi về, thì đúng lúc Trường Công an Trung ương mở khóa đào tạo đại học đầu tiên (khóa Đ1, khai giảng tháng 10-1969). Giáo viên của Trường C500 lúc này còn rất thiếu, hơn nữa bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, khả năng sư phạm thì việc xét duyệt lí lịch khi tuyển giáo viên cũng rất khó khăn; nên cơ quan tổ chức gợi ý tôi về trường dạy toán và Pháp văn. Nhưng cụ Nghi thì không muốn, vì e ngại sẽ khó xử khi cha là hiệu trưởng, con là giáo viên... Song tổ chức đã quyết định, nên tôi chuyển công tác về Trường Công an Trung ương". Lúc này, khóa Đ1 cũng vừa khai giảng, rồi tiếp tới các khóa sau. Đất nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh; nhà trường phải thường xuyên sơ tán, song thầy và trò luôn hăng say, nghiêm túc dạy và học.

Trong ký ức của Thiếu tướng Phạm Văn Dần, ấn tượng sâu sắc về người cha, cũng là người thủ trưởng một thời của mình, là phương châm "Tam giáo" trong cách sống và làm việc. Trong đó "Ngôn giáo", là nói năng phải có tính giáo dục, sư phạm; "Thân giáo" là bản thân mình phải gương mẫu; "Văn giáo" là cách sống, ứng xử phải có văn hóa của người thầy... Bản thân cụ luôn nêu cao và thực hiện tốt phương châm ấy.

Tôi nhớ lần ấy, anh em cán bộ nhà trường tổ chức tát ao (thời đó trong khu vực Trường Công an Trung ương có những cái ao tự nhiên, rất nhiều cá), bắt được con cá chép to, bèn mang biếu thầy Hiệu trưởng. Khi anh em mang con cá đến, cụ nhận và cảm ơn, rồi bảo chờ một lát. Tưởng có việc gì, hóa ra cụ vào lấy tiền để trả; anh em giải thích thế nào, cụ cũng nhất định bắt phải mang tiền về nộp vào công quỹ... Cụ rất coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, học viên, để họ thấm nhuần sáu điều Bác Hồ dạy, thấm nhuần bản chất đạo đức cách mạng người Công an nhân dân.

Cha và con trên bục giảng trường C500 -0
Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND.

Trong kí ức của nhiều cán bộ, học viên Trường Công an Trung ương, vẫn mãi không quên những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đời sống, sinh hoạt, điều kiện học tập vô cùng khó khăn. Để cải thiện đời sống, nhà trường đã phát động tăng gia, sản xuất. Bản thân thầy Phạm Văn Nghi ngoài giờ làm việc, cũng xắn quần lội ruộng trồng rau, nuôi lợn. Có những buổi sớm ngày nghỉ, thầy thu hoạch được nhiều rau, liền tự tay đem biếu một số gia đình giáo viên.

Nhận món quà từ người thầy, người thủ trưởng của mình, nhiều anh em xúc động nói: "Cảm ơn ông - nhiều anh em trẻ ngoài giờ làm việc vẫn xưng hô như thế về thầy Phạm Văn Nghi - Ông làm thế này, chúng con ngại quá"... Và từ đấy, những anh em trẻ cũng tích cực, tự giác hơn trong việc tăng gia, sản xuất.

Trong số những cán bộ từng có thời gian công tác với thầy Phạm Văn Nghi tại Trường Công an Trung ương năm xưa, có Đại tá Nguyễn Văn Dần, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế chính trị và quản lý kinh tế. Đại tá Nguyễn Văn Dần có thời gian là Thư ký riêng của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, trước khi là trở thành giáo viên Trường Công an Trung ương.

Nhớ lại những kỷ niệm với thầy Phạm Văn Nghi, Đại tá Nguyễn Văn Dần tâm sự: "Thầy Nghi luôn đề cao "thân giáo" - tức là bản thân người thầy giáo phải mực thước, gương mẫu. Những năm thầy Nghi làm Hiệu trưởng, thầy thực hiện rất nghiêm túc các quy định của nhà trường. Tôi vẫn nhớ mãi, bất kể xuân hạ thu đông, mưa hay bão, cứ đúng 5h sáng là thầy trở dậy, cầm cây đèn bão đi kiểm tra rồi cùng cán bộ, học viên tập thể dục. Hằng đêm, thầy lại tự thân đi tới các phòng học, khu ký túc xá nhắc nhở anh em không thức quá 11h đêm, phải ngủ đúng giờ để hôm sau còn có sức giảng dạy, học tập. Cuối tuần giao ban, thầy đều có nhận xét, biểu dương hoặc phê bình, nhằm giúp anh em thực hiện nghiêm quy định. Hình ảnh thầy hiệu trưởng với cặp kính dày, cây đèn bão trong tay, cần mẫn ngày lại ngày đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những quy định của nhà trường, đã trở nên rất đỗi quen thuộc, thân thương mà đáng kính với tất cả cán bộ, học viên Trường Công an Trung ương".

Nhớ lại những ngày đầu trở thành giáo viên Trường Công an Trung ương, Đại tá Nguyễn Văn Dần kể: "Tôi dành hẳn một tuần tập viết bảng, viết sao cho đẹp; tập cách đi đứng, cách chào khi vào lớp. Hôm tập giảng, chúng tôi mời thầy Phạm Văn Nghi tới dự. Anh em giáo viên trong bộ môn đóng vai học viên, tôi là giáo viên. Quần áo chỉnh tế, nét mặt nghiêm nghị mà tươi tắn, tôi cắp cặp bước vào lớp, chào các học viên, đặt cặp lên bàn và bắt đầu vào bài giảng... Hôm ấy, thầy Phạm Văn Nghi đã có những góp ý rất cụ thể với tôi, từ cách cắp cặp, tư thế tác phong khi chào, khi giảng bài. Chúng tôi cũng học hỏi rất nhiều ở thầy về cách chuẩn bị bài giảng, cách trình bày vấn đề thật chặt chẽ trong mỗi tiết giảng".

"Nhớ tới thầy Phạm Văn Nghi, tôi muốn nhấn mạnh sự đóng góp của thầy với việc hình thành hệ thống lí luận nghiệp vụ Công an, thông qua việc xây dựng, hoàn chỉnh giáo trình, giáo án của Trường Công an Trung ương... - Đại tá Nguyễn Văn Dần tâm sự - Trước khi trở thành giáo viên Trường Công an Trung ương, tôi có thời gian là Thư ký của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Tôi đã được tiếp cận, tìm hiểu giáo trình, giáo án của Nhà trường do thầy Phạm Văn Nghi và tập thể giáo viên xây dựng, trình Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn phê duyệt. Bởi vậy, tôi có khá nhiều kỉ niệm với thầy Phạm Văn Nghi và hiểu được vai trò, sự đóng góp của thầy với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo trình, giáo án của Trường Công an Trung ương qua nhiều năm. Thầy Phạm Văn Nghi đặc biệt quan tâm công tác cải cách, đổi mới giáo dục, đào tạo trong nhà trường; đã đề ra mục tiêu nào là quyết tâm thực hiện bằng được... Thầy luôn đau đáu câu hỏi phải làm sao để giáo viên giảng dạy tốt nhất, học viên học tập rèn luyện hiệu quả nhất".

Đại tá Nguyễn Văn Dần nhớ lại, quan điểm Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện Công an nhân dân đã được hệ thống giáo trình của Trường Công an Trung ương xác định từ rất sớm, trong đó có sự đóng góp rất ý nghĩa của thầy Phạm Văn Nghi. Đó là: Công an nhân dân là một lực lượng vũ trang tin cậy của Đảng và Nhà nước, phục tùng sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lí, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành; dựa vào dân, dân là gốc... Bên cạnh đó là những nguyên tắc, phương châm công tác hết sức cơ bản, cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, như: Công an phải dựa vào quần chúng, kết hợp tính tích cực của quần chúng với các mặt nghiệp vụ của công tác Công an. Phải tích cực bảo vệ mình, chủ động tấn công và tiêu diệt địch, nâng cao cảnh giác, đề phòng lệch lạc, không để sót kẻ gian, không làm oan người vô tội... Đánh án phải đánh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Lấy chủ động phòng ngừa là chính. Nghiêm cấm bức cung, mớm cung, nhục hình, trọng chứng hơn trọng cung, lạt mềm buộc chặt. Dạy chính trị trước, nghiệp vụ, pháp luật và ngoại ngữ sau, lấy tự học là chính, phải thân giáo ngôn giáo (giáo dục).

Và một điều mà Đại tá Nguyễn Văn Dần luôn tâm đắc, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thường xuyên nhắc nhở thầy Phạm Văn Nghi là phải quán triệt phương châm: "Hay bắt không bằng bắt hay, bắt hay không bằng không hay bắt"...

Như đã nói ở phần trên, tôi thuộc lớp hậu thế chưa từng được gặp, mà chỉ được nghe các bậc cha chú, đàn anh nói về người thầy khả kính Phạm Văn Nghi. Với Thiếu tướng Phạm Văn Dần, tôi may mắn có những kỉ niệm đẹp về đồng chí nguyên Tổng Cục trưởng, khi phòng làm việc của anh em phóng viên chúng tôi trong nhiều năm được ở kế bên phòng làm việc của ông...

Lúc Thiếu tướng Phạm Văn Dần đã nghỉ hưu, có dịp tôi lại đến nhà riêng thăm người thủ trưởng mình vốn kính trọng. Được trò chuyện với ông, tôi vẫn vẹn nguyên sự háo hức và luôn cảm thấy bổ ích. Ông vẫn như ngày xưa, mô phạm, gần gũi - giống như người cha khả kính của ông, nhà giáo Phạm Văn Nghi

Trần Duy Hiển
.
.