Lực lượng cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam: 45 năm ký ức hào hùng

Thứ Năm, 30/04/2020, 09:13
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có cơ may đến gặp, tìm hiểu về cuộc sống, chiến đấu của một số cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam. 45 năm qua, những chiến sỹ trẻ năm xưa nay đều tuổi cao, sức yếu, nhưng trong trái tim họ dường như vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày oanh liệt.

Vượt Trường Sơn vì tiếng gọi của Tổ quốc

Tôi gặp Đại tá Nguyễn Ích Chung, Phó trưởng Ban liên lạc lực lượng cán bộ Công an chi viện miền Nam vào những ngày Tháng Tư lịch sử. Cuộc trò chuyện với ông đã giúp tôi cảm nhận được phần nào những đóng góp, hy sinh của một thế hệ cha anh “Vượt Trường Sơn đi đánh giặc”.

Lực lượng cán bộ Công an chi viện miền Nam ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt. Đó là sau khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, buộc phải ký Hiệp định Geneva 1954 về việc lập lại hoà bình ở Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã phán đoán đế quốc Mỹ và các thế lực khác sẽ cấu kết nhau hòng chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa của Mỹ.

Trong tình hình đó, cùng với sự chỉ đạo của Đảng, đầu năm 1955, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thành lập Tổ cán bộ miền Nam trực thuộc phòng tổ chức của Bộ Công an. Năm 1957, đổi tên thành Bộ phận cán bộ miền Nam, chuyên trách việc chuẩn bị cán bộ chi viện An ninh miền Nam. Đồng thời, Bộ Công an cũng tìm cách mở đường bí mật, đưa cán bộ về miền Nam hoạt động.

Đoàn cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam đầu tiên có 5 người, vượt Trường Sơn năm 1959, cùng với đoàn do Ban thống nhất Trung ương tổ chức. Ngày 23-1-1962, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quyết định thành lập Tổ 15 (sau gọi là B90) trực thuộc Bộ để theo dõi tình hình địch, nghiên cứu báo cáo, đề xuất chủ trương, truyền đạt ý kiến chỉ đạo An ninh miền Nam. Năm 1966, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ban hành quyết định thành lập Ban nghiên cứu miền Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Tô Lâm gặp gỡ các cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam vào dịp 19-8-2019. Ảnh: Quỳnh Vinh.

Năm 1967, Bộ Công an ra quyết định thành lập Phòng công tác An ninh miền Nam. Như vậy, từ thực tiễn hoạt động, Bộ Công an đã dần hoàn thiện cơ cấu tổ chức nhằm đảm bảo hoạt động của lực lượng chi viện miền Nam. Những cán bộ Công an chi viện đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng quân, dân miền Nam và góp phần tạo nên chiến thắng oanh liệt ngày 30-4. Trong hành trình đến ngày toàn thắng, đã có 909 đồng chí hy sinh, 46 đồng chí bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man và hàng trăm đồng chí bị thương tật, di chứng của chiến tranh...

Phong trào “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Bộ Công an đã nhận được sự hưởng ứng của những người cán bộ, chỉ huy đầy kinh nghiệm trận mạc lẫn những người lính trẻ, tuổi mới đôi mươi. Đó là những cán bộ trung, cao cấp đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng của An ninh miền Nam như các đồng chí: Nguyễn Quang Việt, Phó Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam; Các đồng chí Trần Quốc Hương, Nguyễn Tài, Huỳnh Anh, Thái Doãn Mẫn, Hồ Văn Đại, Nguyễn Hoàn, là Ủy viên Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam...

Cùng với lãnh đạo chỉ huy, những người cán bộ trẻ đã cống hiến sức mình cho ngày toàn thắng. Tên tuổi của họ gắn liền với những chiến công của lực lượng Công an trong suốt những năm chống Mỹ tại chiến trường miền Nam. Đó là những bề dày thành tích của các tổ chức điệp báo A1, A2, A3, A4, A5, A10...  hoạt động tại các địa bàn trọng điểm: Sài Gòn, Nam Trung Bộ, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị...

Các đầu mối hoạt động tình báo tại miền Nam đã thu thập nhiều thông tin quan trọng để phục vụ không chỉ tại chiến trường miền Nam mà cả miền Bắc. Cùng với đó, công tác bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ lãnh đạo và các cơ quan đầu não của ta là nhiệm vụ quan trọng của Ban An ninh các cấp. Bộ Công an đã chi viện hơn 3.000 cán bộ vũ trang ưu tú, trở thành lực lượng chiến đấu sắc bén, tin cậy và bảo vệ vững chắc căn cứ, cán bộ lãnh đạo của ta từ Trung ương Cục đến các khu, tỉnh, thành phố trong toàn miền Nam.

Đoàn xe đưa các anh đi vào phía Nam, leo lên mãi Trường Sơn hùng vĩ... Càng đi, thấy đất nước mình hùng vĩ, xinh đẹp, phong phú. Tiếc rằng, anh không có điều kiện vẽ hết được phong cảnh nơi đây. Sau này hoà bình, lúc trở về với em, anh vừa đi vừa vẽ bằng được những phong cảnh của đất nước”.

Đại tá Lương Mạnh Tâm

Những lá thư làm sống lại những ngày oanh liệt

Khi đọc lại “Những lá thư thời chiến CAND”, những lá thư được viết từ chiến trường khốc liệt của cán bộ Công an gửi về hậu phương, trong đó có những bức được viết bởi các liệt sỹ trước khi hy sinh, tôi như được sống trong cái không khí đầy nhiệt huyết cách mạng của thế hệ cha anh mình.

Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng LLVTND, từ năm 1964-1975 tham gia chi viện miền Nam và được giao nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng uỷ, Chánh văn phòng Ban An ninh Khu Trị - Thiên – Huế. Hiện ông đang làm Trưởng Ban liên lạc lực lượng cán bộ Công an chi viện miền Nam. Trong lá thư gửi hai người em ngày 12-1-1964, ông viết: “Giữ vững lời thề: “Nguyện suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng”. Trong thư, còn có bài thơ chứa chan tình cảm gia đình, tinh thần lạc quan cách mạng.

Lá thư viết vào tháng 7-1964, ông nói về tình cảm của bà con miền Nam dành cho cán bộ miền Bắc chi viện: “Đi đến đâu, người nào, gia đình nào cũng tỏ ra quý mến, thương cán bộ... Họ chả tiếc thứ gì, đem cho đủ thứ, sắn gùi về, củ nào to và ngon nhất cho mình ăn mới bằng lòng...”.

Bức thư đề ngày 7-3-1968 của Đại tá Lương Mạnh Tâm gửi người thân dạt dào tình cảm yêu quê hương, đất nước. Ông viết: “Đoàn xe đưa các anh đi vào về phía Nam, leo lên mãi Trường Sơn hùng vĩ... Càng đi, thấy đất nước mình hùng vĩ, xinh đẹp, phong phú. Tiếc rằng, anh không có điều kiện vẽ hết được phong cảnh nơi đây. Sau này hoà bình, lúc trở về với em, anh vừa đi vừa vẽ bằng được những phong cảnh của đất nước”.

Vào miền Nam, công tác tại Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, nhiều năm sống, chiến đấu tại mảnh đất thiêng liêng này, từng tham gia xây dựng tờ “Tin An ninh giải phóng miền Nam”, ông còn là một họa sỹ chiến trường, đã cho ra đời hàng nghìn bức vẽ, trong đó có những bức vẽ phong cảnh quê hương đất nước như tâm nguyện của ông lúc vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ.

Liệt sỹ Nguyễn Văn Bảo, hy sinh năm 1968 tại chiến trường miền Nam. Sau này, con gái ông là chị Nguyễn Thị Tú, Thẩm phán TAND Tối cao vẫn lưu giữ lá thư ông gửi về từ chiến trường. Trong ký ức của chị, đó là ngày cô bé 7 tuổi tiễn cha lên đường và nhận được lời dặn dò: “Con ở lại nhé, khi nào đất nước thống nhất cha về”. Những ngày người cha biền biệt phương Nam, chính những lá thư là nguồn động viên, khích lệ mẹ con chị.

Cho đến một ngày, gia đình chị nhận được giấy báo tử… Mẹ chị ngồi lặng, nước mắt lặn vào trong. Hiện giờ, chị vẫn lưu giữ những câu thơ được bố viết cho trong những lá thư gửi về gia đình. Những câu thơ rất đỗi mộc mạc như: “Cha rất vui như cờ được gió. Mừng con cha đang tuổi lớn khôn. Công bà nuôi dạy sớm hôm. Công mẹ chăm sóc nên con thành người...”. Hẳn là, trong hành trang vào đời và cho đến tận hôm nay, những lời dạy dỗ, những ảnh hưởng của người cha - liệt sỹ Công an rất sâu đậm với chị.

Nhân dịp 45 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được đọc lại những bức thư gửi đi - về giữa hai miền chiến tuyến, chúng ta thêm hiểu về những năm tháng cống hiến của hàng vạn cán bộ Công an chi viện miền Nam. Đại tá Nguyễn Ích Chung nói với tôi rằng, người lớn tuổi nhất trong Ban liên lạc lực lượng cán bộ Công an chi viện miền Nam còn sống hiện 100 tuổi, còn người trẻ nhất thì giờ cũng đã gần 70.

Dù trong chiến tranh hay ở thời bình, là chiến sỹ CAND, họ luôn học tập và làm theo Sáu  điều Bác Hồ dạy để làm tốt nhất nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Họ xứng đáng là thế hệ để những CBCS Công an ngày nay học tập, noi gương.

Cao Hồng
.
.