Ký ức chi viện chiến trường miền Nam qua lời kể của cựu trinh sát kỹ thuật

Thứ Ba, 28/04/2020, 07:30
Hàng năm, cứ mỗi dịp những ngày cuối tháng Tư lịch sử, Thượng tá Nguyễn Đức Viện, cựu cán bộ Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (KTNV) I, Tổng cục An ninh (nay là Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an) lại lần dở từng trang kỷ yếu về "một thời hoa lửa".


Ký ức hành quân chi viện cho chiến trường miền Nam, những năm tháng sống và chiến đấu ở Tiểu ban Bảo vệ chính trị, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam lại trở về sống động qua từng hình ảnh, trang viết...

1- Năm 1966, khi vừa tròn 16 tuổi, thanh niên Nguyễn Đức Viện vào học Trường Công an sơ cấp. Gần hết khóa thì ông được Cục KTNV I tuyển vào học chuyên ngành công tác trinh sát thám không, tình báo kỹ thuật. Ra trường tháng 9-1968, ông về thực tập và làm việc ở cơ sở sơ tán của Cục KTNV I ở Nhị Châu, Thường Tín. Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam đầu năm 1969.

Đồng chí Nguyễn Đức Viện (giữa) cùng đồng đội tại căn cứ Tiểu ban Bảo vệ chính trị, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (Suối Mây, Tây Ninh) năm 1974.

Tổng thống Mỹ đề ra chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", ra sức củng cố chính quyền Sài Gòn và tăng cường chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Trước tình hình này, Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp tăng cường điều tra, nghiên cứu nắm tình hình, phát hiện gián điệp trà trộn. Thời gian này, đồng chí Nguyễn Đức Viện được giao nhiệm vụ thu thập thông tin ở các mạng đài của ngụy quyền Sài Gòn như "Cảnh sát quốc gia", "Tình báo quân đội Việt Nam Cộng hòa"...

"Đến năm 1971, do yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, Bộ Công an quyết định chi viện cho an ninh miền Nam 500 cán bộ, trong đó chủ trương đưa một bộ phận trinh sát kỹ thuật vào Tiểu ban Bảo vệ chính trị, Ban An ninh Trung ương Cục để thu thập, khai thác thông tin tại chỗ, giúp công tác nắm tình hình địch cụ thể hơn", Thượng tá Nguyễn Đức Viện kể.

Theo ông, khó nhất bấy giờ là phương tiện thiếu thốn, những máy móc phía Liên Xô cung cấp đã lạc hậu, nặng nề, sử dụng điện xoay chiều rất bất tiện... May mắn thay cuối năm 1971, Đảng Cộng sản Nhật đã gửi tặng Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn 1 máy radio National Panasonic RF 5000 rất hiện đại.

"Qua xem phần giới thiệu thấy có chức năng thu tín hiệu vô tuyến điện với 12 băng, Bộ trưởng đã gọi cán bộ kỹ thuật lên yêu cầu kiểm tra, thu thử, xem chức năng này ở máy độ nhạy có tốt, có khả quan không...", ông nhớ lại.

Sau đó thấy sử dụng ổn, Bộ Công an đã đề xuất mua 10 máy phục vụ công tác. Đồng thời tổ chức cho cán bộ trinh sát kỹ thuật tập trung học tập chính trị, nghiệp vụ, rèn luyện quân sự, võ thuật, tập mang vác vật nặng, đi bộ... trong vòng 6 tháng (tháng 11-1971 đến tháng 4-1972), chờ máy được vận chuyển về thì thành lập đoàn đi vào Nam.

Cuối tháng 4-1972, đoàn gồm 21 người và máy móc trên 5 xe com-măng-ca bắt đầu Nam tiến. Đường đi cũng gian nan, đến Hà Tĩnh gặp ngay một trận bom song may mắn không thiệt hại về người. Tối hôm sau, đoàn đến Quảng Bình thì trúng trận pháo kích của địch, thế là kế hoạch nghỉ ngơi đành hủy bỏ khi giao liên yêu cầu phải đi ngay. Đoàn phải băng rừng, lầm lũi đi trong đêm không ngơi nghỉ, trong đó có khoảng 20km trong lòng suối cạn.

Đến khu vực đường 9 giáp Lào, mất hơn 2 tuần nữa thì đến Stung Treng (Campuchia) mới dừng lại nghỉ chờ cán bộ của Ban An ninh Trung ương Cục ra đón. "Trên đường đi, anh em hoàn toàn khỏe mạnh, vậy mà đến lúc nghỉ chờ thì 4-5 đồng chí sốt rét, nằm võng rên từng cơn", ông nói.

2- Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục trong một cánh rừng ở Campuchia, nhà dựng lên bằng những thân cây rừng rồi lợp mái ni-lông. Đến ngày 19-5-1972, tròn một tháng kể từ ngày Nam tiến, đơn vị bắt đầu dựng máy thu tin, chủ yếu là mạng "Cảnh sát quốc gia" ở Tây Ninh và "Tình báo quân đội" của ngụy, hay còn gọi là "Biệt đội sưu tập".

Đây là tổ chức thường xuyên tung các toán gián điệp, xây dựng cơ sở trà trộn vào những người buôn bán để điều tra căn cứ cách mạng của ta, tìm cách oanh kích, tập kích, rải thảm bom... Từ khi việc thu tin nhanh chóng, cung cấp trực tiếp cho Tiểu ban Bảo vệ chính trị đã giúp ích hiệu quả cho việc đánh giá tình hình địch.

Thượng tá Nguyễn Đức Viện còn nhớ, cuối năm 1973, đồng chí Bùi Thiện Ngộ (nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an) phụ trách Tiểu ban Bảo vệ chính trị đã nhận xét rằng, tin tức của đơn vị trinh sát kỹ thuật giúp an ninh miền Nam có cái nhìn thấu đáo hơn về địch. Đây là một lời động viên, đồng thời ghi nhận, đánh giá những đóng góp hiệu quả của đơn vị đối với sự nghiệp cách mạng lúc bấy giờ.

Hằng ngày, 21 cán bộ thay nhau làm nhiệm vụ, chia thành 3 ca, sáng từ 7-12h, trưa 12-18h, tối từ 18h đến lúc đài nghỉ. "Việc thu thập tin tức của địch cũng giúp rất nhiều cho việc bảo vệ căn cứ của ta và đấu tranh xâm nhập của chúng vào khu vực bí mật. Ví dụ có trường hợp địch giả làm người khai thác lâm sản, kiếm củi để tìm hiểu căn cứ, khi ta biết tin này đã giúp an ninh căn cứ các nơi theo dõi, nắm được đâu là địch, đâu là ta", ông lý giải.

Theo ông, gian khổ nhất giai đoạn này là đói và bệnh tật. Tranh thủ lúc không trực, ông và đồng đội phải đi kiếm củ rừng, hay đi săn, đi kiếm rau, măng rừng để cải thiện bữa ăn. 100% cán bộ đều sốt rét triền miên, tháng này bị rồi tháng sau cũng bị, mỗi lần kéo dài 5 ngày đến 1 tuần, có những người phải nằm trạm xá 2-3 tháng. Rồi còn phải đối phó với những cơn “mưa bom” của địch.

"Tôi nhớ rõ lần ấy khoảng 13h, Mỹ rải thảm B52 ở căn cứ. Người ngồi làm việc, người nằm võng thì nghe thấy ào ào, ầm ầm như trận giông bão cực lớn. Trời đất tối tăm, cây cối gãy đổ, mảnh bom đạn vương vãi khắp nơi... khiến 3 người trong căn cứ hy sinh", Thượng tá Viện xúc động nhớ lại.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đơn vị ông được lệnh di chuyển về căn cứ ở Tây Ninh (đi từ Campuchia về mất gần 2 ngày đi xe đạp).

Căn cứ ở Tây Ninh là nơi rừng thiêng nước độc, số cán bộ của đơn vị công tác ở đây hiện nay đã mất 9 người, chủ yếu do bệnh tật. Do sốt rét nhiều, ăn uống kém nên thi thoảng ông bị ngất, có khi tháng bị 1-2 lần, đang ngồi làm tự nhiên lăn đùng ra giữa nền. Đến tháng 2-1975, trong một đợt đổi quân thì ông được trở ra Bắc.

Trở lại Hà Nội, Thượng tá Nguyễn Đức Viện tiếp tục công tác ở Cục KTNV I cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Hiện ở tuổi thất tuần, ông sống bình yên trong căn nhà nhỏ với người vợ là cựu giáo viên, với vợ chồng con trai duy nhất và cháu nội. Về với đời thường, ông vẫn sống trách nhiệm, gương mẫu ở khối xóm và tham gia tích cực các hoạt động giáo dục truyền thống, nghĩa tình đồng đội, xã hội từ thiện của Ban Liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

An Quỳnh
.
.