Chặng đường vẻ vang 70 năm truyền thống lực lượng An ninh (12-7-1946 - 12-7-2016)

Ra đời trong bão táp cách mạng

Thứ Ba, 05/07/2016, 07:52
Lực lượng An ninh được hình thành ngay từ những ngày đầu của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

Chính thức ra đời trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, lực lượng An ninh được giao trọng trách đấu tranh phòng chống phản cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Từ thực tiễn chiến đấu, các đơn vị nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể lần lượt được thành lập và ngày càng phát triển, từng bước hoàn thiện về tổ chức từ Bộ đến Công an địa phương. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, Báo CAND điểm lại những dấu mốc lịch sử, chặng đường vẻ vang của lực lượng An ninh nhân dân.

Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là bước ngoặt lịch sử vĩ đại, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới: độc lập, tự do, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách: Vừa lo đối phó với giặc đói, giặc dốt; vừa phải tập trung phá thế “thù trong – giặc ngoài” để bảo vệ thành quả cách mạng. Các thế lực ngoại xâm núp bóng đồng minh và bọn phản động bên trong đua nhau ngóc đầu dậy, câu kết với nhau thành những liên minh phản cách mạng, ráo riết và trắng trợn chống phá chính quyền nhân dân.

Tháng 7 năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Lê Giản, Lê Hữu Qua, Nguyễn Tài và Nguyễn Tấn Dũng dự buổi tọa đàm khám phá vụ án Ôn Như Hầu năm 1946. Thời điểm xảy ra vụ án ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trực tiếp phụ trách Việt Nam Công an vụ, tiền thân của Bộ?Công an.

Những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch ở bên trong và từ bên ngoài đặt dân tộc ta trước những thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Chính quyền nhân dân non trẻ ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước nguy cơ sống còn của chính quyền cách mạng, lực lượng An ninh tuy mới ra đời nhưng đã dũng cảm, kiên cường đảm đương trách nhiệm vô cùng nặng nề: đấu tranh với bọn phản cách mạng để bảo vệ và giữ vững những thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng, sự giúp đỡ to lớn của nhân dân, lực lượng An ninh đã tiến hành trấn áp bọn phản cách mạng, bắt và trừng trị hàng trăm phần tử nguy hiểm, tay sai của Pháp, Nhật..., góp phần giữ vững chính quyền cách mạng mới thành lập, bảo vệ nhân dân, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng.

Chiến công mang dấu ấn lịch sử của lực lượng An ninh thời kỳ này là khám phá thành công vụ án phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều) ngày 12-7-1946, đập tan âm mưu đảo chính lật đổ chính quyền nhân dân do liên minh phản cách mạng Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp tiến hành.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngày 24-5-2001, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 457/2001/QĐ-BCA(X11) xác định ngày 12-7-1946 là Ngày truyền thống của lực lượng An ninh Việt Nam.

Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 23/SL thành lập Việt Nam Công an vụ. Thực hiện Sắc lệnh số 23/SL, ngày 18-4-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký ban hành Nghị định số 121-NV/NĐ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy tổ chức của các cấp Công an.

Theo đó, hệ thống ngành dọc của lực lượng Chính trị (lực lượng An ninh ngày nay) gồm: Phòng Chính trị tại Nha Công an Trung ương và Sở Công an các kỳ; Ban Chính trị tại Ty Công an các tỉnh.

Ngày 29-1-1947, Nha Công an ban hành Quyết định số A10092 về chương trình hoạt động của bộ máy Công an trong tình hình có chiến tranh. Theo đó, Phòng Chính trị tại Nha Công an phát triển thành Ty Chính trị. Ty Chính trị có nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng và chỉ đạo công tác bảo vệ chính trị cấp dưới.

Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-TW, ngày 12-5-1951 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nhiệm vụ và tổ chức Công an”, Ty Chính trị được đổi tên thành Ty Chính trị bảo vệ.

Ty Chính trị bảo vệ có nhiệm vụ “chỉ đạo Chính trị bảo vệ cấp dưới, bảo vệ các cơ quan Trung ương, hoạt động khám phá các án kiện quan trọng về do thám, phản động”. Phòng Chính trị bảo vệ ở các Sở Công an Liên khu và Ban Chính trị bảo vệ ở các Ty Công an tỉnh cũng được kiện toàn tổ chức. 

(Còn nữa)

PV
.
.