Báo CAND 70 năm xây dựng và trưởng thành (1-11-1946 - 1-11-2016)

Từ nội san Công an nhân dân và Tuần báo Công an nhân dân

Chủ Nhật, 16/10/2016, 07:40
Hòa bình lập lại trên miền Bắc được hơn 2 năm thì Bộ Công an tổ chức ra tờ báo nội bộ của toàn lực lượng Công an, lấy tên là Nội san Công an nhân dân (CAND)...


Hòa bình lập lại trên miền Bắc được hơn 2 năm thì Bộ Công an tổ chức ra tờ báo nội bộ của toàn lực lượng Công an, lấy tên là Nội san Công an nhân dân (CAND). Kế tục vai trò của Rèn luyện và trên một nền móng mà Công an mới và Rèn luyện đã xây dựng, Nội san CAND đã cố gắng cải tiến nội dung, hình thức để đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ của lực lượng Công an trong giai đoạn mới. Nội san phát hành mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 8 trang, khổ 26x38cm.

Bộ máy tổ chức của Nội san đã thay đổi. Đồng chí Nguyễn Tài - Chánh Văn phòng Bộ Công an được Bộ trưởng ủy quyền quản lý công tác xuất bản Nội san CAND.

Phòng Giáo dục, sau đó là Phòng Nghiên cứu tổng hợp được Bộ giao nhiệm vụ xuất bản Nội san. Đồng chí Lê Phương, đồng chí Lê Sĩ Lương, tiếp đó là các đồng chí Phạm Văn Mẫn, Lê Thanh là những người trực tiếp làm Nội san CAND thời gian này.

Đến năm 1959, lần đầu tiên Nội san CAND được Bộ cho thành lập một đơn vị chuyên trách làm báo nội bộ và tuyên truyền ra ngoài nhân dân. Đó là Phòng Nội san - Tuyên truyền thuộc Văn phòng Bộ. Đây là bước tiến dài đánh dấu sự trưởng thành của Nội san, đưa công tác xuất bản báo tiến lên chính quy, kết thúc một thời kỳ dài làm báo theo chế độ kiêm nhiệm.

Báo CAND số đặc biệt ra ngày 1-5-1975.

Phụ trách phòng là đồng chí Lê Tri Kỷ và đồng chí Vũ Thế Lộc. Đồng chí Hoàng Mai, Chánh Văn phòng Bộ quản lý công tác Nội san. Đồng chí Khúc Huề, Phó Văn phòng quản lý công tác tuyên truyền ngoài nhân dân.

Cuối năm 1960, Bộ Công an chỉ đạo Nội san CAND cần tăng cường phần nghiên cứu lý luận, hướng dẫn nghiệp vụ. Việc duy trì hình thức khổ to trở nên không còn thích hợp. Nội san CAND đã đổi sang khổ nhỏ kể từ tháng 1-1961. Số đầu tiên là số 68, kế tiếp số cuối cùng của Nội san CAND khổ to, mỗi tháng ra 2 kỳ nhưng không ấn định ngày phát hành.

Nội dung Nội san mang cả “2 màu sắc” của tờ báo và tạp chí. Thời gian này, Phòng Nội san - Tuyên truyền đã tách ra làm 2 phòng; đồng chí Hoàng Mai, Chánh Văn phòng kiêm phụ trách Nội san, đồng chí Lê Tri Kỷ, Trưởng phòng Nội san kiêm Phó ban biên tập và Thư ký tòa soạn. Đến năm 1964, Nội san CAND thuộc Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Công an. 

Phòng Nội san có 10 người chuyên trách làm báo là các đồng chí: Lê Tri Kỷ, Lê Phương, Minh Sơn, Lê Giảng, Lê Thuần, Đoàn Linh, Đăng Thọ, Ngọc Lan, Trần Tuấn Anh và Đức Hiệp.

Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lực lượng CAND lá cờ Thi đua luân lưu "Đơn vị thi đua khá nhất". Kể từ đây, hằng năm, những đơn vị vinh dự được nhận cờ Thi đua của Bác đều được tuyên truyền bằng nhiều tin, bài và ảnh trên Nội san CAND.

Khi miền Bắc xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, hoạt động của Nội san CAND càng thêm sôi động. Hàng loạt bài hướng dẫn công tác phòng không nhân dân, phòng chống địch đổ bộ đột xuất, biểu dương tinh thần chiến đấu quên mình vì nhân dân, vì tài sản Nhà nước... của Công an, dân phòng, bảo vệ dân phố đã được Nội san CAND kịp thời tuyên truyền, phản ánh.

Nội san đã đăng Nhật lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an và truyền đạt khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng thời kỳ này với nội dung "Vì hạnh phúc nhân dân, vì hòa bình thống nhất đất nước, đẩy mạnh phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1964 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất".

Tháng 8-1965, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 116 về việc chuyển hướng tổ chức cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Bộ Công an đã thực hiện điều chỉnh một số bộ phận.

Đối với Nội san CAND, Bộ chủ trương tách phần tuyên truyền phổ cập và cổ động sang Tuần báo, còn phần nghiên cứu, lý luận và hướng dẫn nghiệp vụ thì chuyển sang Tạp chí. Báo và Tạp chí đều lấy tên CAND. Nội san CAND ra được 96 số, đến số 164 thì chuyển hướng hoạt động như đã nói trên.

Một số cán bộ của Nội san chuyển sang Bộ Tư lệnh CAND vũ trang để cùng với số cán bộ của tờ Tin Công an vũ trang ra tờ Tuần báo CAND. Đồng chí Lê Tri Kỷ cùng một số cán bộ của Phòng Nội san ở lại Bộ để ra Tạp chí CAND.

Tuần báo CAND số đầu tiên ra ngày 20-11-1965, kế tiếp số cuối cùng của tờ Tin Công an vũ trang. Báo dày 8 trang, khổ 26x38cm. Từ tháng 11-1965 đến tháng 7-1967, Tuần báo CAND thuộc Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh CAND vũ trang.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Châu, Cục trưởng Cục Chính trị phụ trách Báo. Biên chế của Báo gồm 21 người. Đồng chí Nguyễn Anh Linh làm Phó Ban biên tập kiêm Thư ký tòa soạn, trực tiếp phụ trách 3 tổ công tác: Tổ Chính trị - Thời sự, Tổ Nghiệp vụ và Tổ Thư ký tòa soạn.

Đồng chí Mai Thanh (tức Phạm Gia Đức) làm Tổ trưởng Tổ Chính trị - Thời sự; đồng chí Đặng Ngân làm Tổ trưởng Tổ Nghiệp vụ; đồng chí Trần Tuấn Anh làm Tổ trưởng Tổ Thư ký tòa soạn. Lúc đầu Tòa soạn làm việc trong khu doanh trại Bộ Tư lệnh CAND vũ trang, sau sơ tán ra nhà số 2 phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), rồi xuống Trạm 22 Ngọc Hà (quận Ba Đình), Hà Nội.

 Tuy tổ chức, biên chế của Tòa soạn chưa hoàn chỉnh, chỗ ăn, chỗ ở còn nhiều khó khăn, cán bộ, phóng viên từ nhiều nơi mới tập hợp về, lại phải sơ tán phòng không, nhưng ai nấy làm việc rất nhiệt tình, năng nổ. 

Hồi ấy, địch ném bom, bắn phá các thành phố, thị xã, đường giao thông rất ác liệt. Phóng viên đi công tác chủ yếu bằng xe đạp. Vào các tỉnh Khu 4 thường phải đi ban đêm, còn ban ngày vào nhà dân nghỉ, nhờ nấu cơm ăn. Tuy vậy, không ai ngại gian khổ, ngại hy sinh.

Bên cạnh những bài viết mang tính thời sự về chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Tổ Chính trị - Thời sự luôn bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ thị của Bộ Công an về công tác an ninh; duy trì thường xuyên các chuyên mục "Ngọn cờ quyết thắng" để tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến ở miền Bắc, "Học tập quân và dân miền Nam anh hùng" để giới thiệu những gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ An ninh miền Nam, "Đèn xanh, đèn đỏ" để phê bình, uốn nắn những thiếu sót, sai phạm của cán bộ, chiến sĩ Công an... rồi các chuyên mục: “Biết địch để đánh địch”, “Tường thuật vụ án”, “Nghiệp vụ phổ thông”, “Khoa học nghiệp vụ”, “Chuyện cảnh giác”, “Câu chuyện nghiệp vụ”, “Sổ tay chiến sĩ Công an”.

Nội dung từng bài viết trong chuyên mục đều phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của toàn lực lượng hồi đó là giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đánh thắng chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý, chiến tranh phá hoại của địch, thể hiện được phương châm "kết hợp tính tích cực của quần chúng với biện pháp nghiệp vụ của Công an"…

Tháng 8-1967, Bộ Công an chủ trương chuyển Tuần báo CAND về Cục Tuyên huấn (sau đổi tên là Cục Công tác chính trị), trở thành một phòng của Cục. Thời điểm đó, Báo CAND là cơ quan tuyên truyền chung của hai lực lượng: CAND và CAND vũ trang.

Phụ trách Báo lúc đầu là đồng chí Hoàng Mai, sau là đồng chí  Khúc Huề, đồng chí Nguyễn Văn Ngân, đồng chí Trần Minh (các đồng chí đều kiêm nhiệm). Khi mới trở về Bộ, trụ sở Báo vẫn đóng ở Trạm 22 Ngọc Hà của CAND vũ trang (nay khu vực này đã xây dựng thành nơi đón tiếp khách vào Lăng viếng Bác).

Số cán bộ, phóng viên bên CAND vũ trang ở lại bên đó, biên chế của Tuần báo lúc này chỉ còn lại 5 người là các đồng chí Văn Đình Đức, Trần Tuấn Anh, Trịnh Mạnh Chấn, Nguyễn Ngọc Khiêm, Nguyễn Văn Chiển. Báo vẫn phải ra đều kỳ. Đây là thời kỳ căng thẳng, áp lực nhất về cường độ lao động của anh em trong Tòa soạn.

Trước tình hình này, Bộ đã kịp thời điều đồng chí Huỳnh Liễu, Trưởng phòng Trinh sát Cục Bảo vệ văn hóa, cộng tác viên của Nội san CAND sang làm Trưởng phòng Báo CAND với chức danh Trưởng ban Biên tập (có thể hiểu như Tổng Biên tập bây giờ) kiêm Thư ký tòa soạn. Đồng chí Văn Đình Đức được Bộ đề bạt Phó phòng Báo kiêm Phó Ban biên tập.

Sau một thời gian ngắn, Bộ bổ sung thêm cho Báo các đồng chí: Trần Văn Vịnh (nhà văn Ngôn Vĩnh), Phạm Hữu Chí, Trần Thanh Tùng (Đại học Tổng hợp, khoa Văn), Đào Thị Phương Thảo (Trường Tuyên giáo Trung ương), Phạm Hùng, Ngọc Kiềm, Ngọc Hiệp (Đội bóng đá trẻ của Bộ), Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Điệng, Nguyễn Ninh (Cục Cảnh vệ), Phạm Danh Liêm (Công an thành phố Vinh), Phạm Viết Đỉnh (Trại Quyết Tiến - Hà Giang), Trần Tấn Tín (K68). Biên chế của Báo lúc này đã có 19 người.

Không chỉ phản ánh các mặt công tác, chiến đấu của lực lượng Công an, của  phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, trên mặt Báo CAND thời kỳ này, bạn đọc còn bắt gặp nhiều bài viết sinh động đề cập tới các vấn đề thời sự mà đông đảo bạn đọc quan tâm, đặc biệt là những thông tin liên quan tới cuộc kháng chiến chống Mỹ bấy giờ đang vào giai đoạn ác liệt, với những thử thách có tính quyết định.

Mặc dù chỉ là tờ tuần báo, song trong số đặc biệt ra vào sáng 1-5-1975, tức chưa đầy 24 giờ sau thời khắc 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Báo CAND đã dành in toàn bộ trang nhất với màu mực đỏ tươi kết hợp màu đen đậm; ngay trên măngsét (manchette) Báo là dòng chữ cỡ lớn: “CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH TOÀN THẮNG”.

Bên dưới, Báo đăng ảnh Bác Hồ tươi cười vẫy tay chào, cạnh đó là các thông tin nóng hổi: Thành phố Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Hoàn toàn giải phóng”; “Ngày 1-5-1975 cả miền Nam hoàn toàn giải phóng”; “Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện trọn vẹn Di chúc của Bác Hồ kính yêu, làm cho nước ta hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do”; “Bộ tổ chức mít tinh trọng thể mừng thành phố Sài Gòn và cả miền Nam hoàn toàn giải phóng: Đồng chí Lê Quốc Thân, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đọc diễn văn khai mạc”…

Cũng trong số báo đặc biệt này, Báo CAND còn cho đăng tải nhiều bài thơ, bài viết xúc động, thể hiện tình cảm của nhân dân, của chỉ huy, lãnh đạo các cấp trong lực lượng Công an đối với ngày hội thống nhất non sông.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, hòa trong niềm vui chung lớn lao của toàn dân tộc, Báo CAND đã mở rộng phạm vi hoạt động ra cả nước.

Tháng 8-1975, Báo CAND chuyển trụ sở về ngõ Chiến Thắng, phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội). Biên chế của Báo lúc này chỉ còn 16 người, ba đồng chí đã chuyển công tác (từ năm 1973, đồng chí Ngôn Vĩnh đã chuyển công tác từ Báo về Phòng Sáng tác văn nghệ - bấy giờ thuộc Cục Tuyên huấn, Bộ Công an) và ít lâu sau, 9 đồng chí lần lượt được Bộ điều động về, gồm: Trần Kính (Trường Tuyên giáo Trung ương), Nguyễn Tiến Thụy (Chuyên tu báo chí), Nguyễn Quang Phóng, Đặng Văn Lân, Doãn Quang Thảo, Trang Công Hòa (Trung cấp An ninh), Nguyễn Thế Phẫu (phóng viên Bản tin Quân giải phóng), Vũ Thị Bình (Cục Tuyên huấn - Bộ Công an) và Nguyễn Thị Dung (Đại học Mỹ thuật công nghiệp).

Biên chế của Báo lúc này là 25 người. Đồng thời với sự phát triển về tổ chức bộ máy, các công tác tổ chức bài vở, biên tập, công tác xây dựng mạng lưới cộng tác viên cũng phát triển lên một tầm cao mới.

CAND
.
.