Những “chiến binh” thầm lặng giữa thời bình
- Công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
- Thưởng nóng cho lực lượng phòng chống ma túy Công an tỉnh An Giang
- Tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy giữa Việt Nam, Campuchia và Lào
Bài 1: Trinh sát ma túy kể chuyện gỡ nút thắt trong các chuyên án ma túy lớn
3 năm kể từ sau thành công của chuyên án bóc gỡ thành công đường dây mua bán trái phép chất ma túy tại Trại giam Tân Lập (Bộ Công an), dư âm của chiến công vẫn in đậm trong tâm trí của các cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC 47) Công an tỉnh Phú Thọ.
Có thể khẳng định đây là vụ án thành công nhất của lực lượng phòng chống ma túy Công an tỉnh Phú Thọ, thể hiện sự mưu trí, kiên trì của lực lượng trinh sát và điều tra viên trong quá trình đấu trí gian nan với những kẻ phạm tội mưu mô, có trăm mưu, ngàn kế, đối mặt với cơ quan Công an.
Từ 18 bị can ban đầu, các điều tra viên đã đấu tranh, mở rộng, bắt và khởi tố 98 đối tượng, thu nộp sung quỹ Nhà nước trên 4 tỷ đồng... Việc đấu tranh để triệt phá đến “mắt xích” cuối cùng của nguồn gốc đường dây tội phạm ma tuý là một công việc không đơn giản. Nhưng bằng sự mưu trí, sáng tạo, các nút thắt của đường dây đã được làm rõ.
1. Cuộc trò chuyện giữa tôi và Thiếu tá Phạm Trung Kiên, Trưởng phòng PC 47 Công an tỉnh Phú Thọ bắt đầu vào một buổi chiều muộn, khi thành phố ngã ba sông đã lên đèn.
Anh mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những dòng sẻ chia đầy tâm sự của người cán bộ nhiều năm gắn bó với công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy và những trăn trở của người chỉ huy trước mỗi trận đánh: Điều tra, mở rộng vụ án ma tuý là một nội dung quan trọng, mang tính quyết định, để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trong ổ nhóm; đường dây tội phạm ma tuý cũng như các đối tượng khác liên quan trong vụ án, với mục tiêu cơ bản là đấu tranh triệt để, không bỏ lọt tội phạm, triệt phá đến “mắt xích” cuối cùng của nguồn gốc đường dây tội phạm.
Thiếu tá Phạm Trung Kiên nhớ lại: Chuyên án mở ra từ một thông tin của nhiều gia đình phạm nhân, phản ảnh về việc thân nhân của họ cải tạo tại Trại giam Tân Lập thường xuyên gọi điện về nhà xin tiền gửi vào trại qua tài khoản của những người không quen biết, có dấu hiệu hoạt động không lành mạnh liên quan đến tội phạm ma túy.
Từ đây, bắt đầu một cuộc đấu tranh cam go, với những kẻ có nhiều tiền án, những đối tượng có thái độ cải tạo xếp loại kém... Khi hành vi vi phạm pháp luật bị phát hiện, hầu hết không hợp tác với cơ quan Công an; trong công tác điều tra, chúng coi thường pháp luật, không thừa nhận hành vi phạm tội hoặc nếu nhận tội sau đó lại phản cung, chối tội, gây khó khăn, cản trở cho công tác điều tra.
Trong khi đó, thời gian diễn ra hành vi phạm tội lại kéo dài nhiều năm, một số phạm nhân phạm tội và phạm nhân có liên quan đã chuyển địa điểm cải tạo ở nhiều phân trại khác nhau; nhiều phạm nhân ra trại, về nhiều địa phương khác nhau sau đó đi lang thang không có mặt ở địa phương. Hoặc đối tượng cải tạo ở nhiều địa phương cùng bị đưa vào cải tạo không quen biết nhau, do vậy việc củng cố tài liệu chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của bị can chẳng khác gì “mò kim đáy bể”.
Ở trong trại là vậy, việc mở rộng đấu tranh với các đối tượng ngoài xã hội cũng khó khăn không kém. Nhóm đối tượng gây án hầu hết các tỉnh phía bắc như Quảng Ninh, Hải |Phòng, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai…, đa phần đều nghiện ma túy, không có nơi cư trú nhất định.
Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá đường dây vận chuyển 300 bánh heroin. |
Trong quá trình phạm tội, chúng liên lạc ra ngoài xã hội để nhờ mua ma túy hoặc nhờ tài khoản ngân hàng để nhận và chuyển tiền nhằm mục đích mua ma túy chỉ thông qua sự giới thiệu của các phạm nhân không quen biết trực tiếp với đối tượng ngoài xã hội. Từ đó đối tượng ngoài xã hội cho tên và địa chỉ giả....
Cùng với việc đấu tranh, cảm hóa, nhiều phạm nhân có mức án cao, sau khi được giáo dục thuyết phục, đã có thái độ khai báo tốt, thậm chí đã cung cấp cho cơ quan điều tra nhiều thông tin liên quan đến thủ đoạn hoạt động về ma túy và các phạm nhân khác hoạt động mua bán ma túy trong trại, tạo điều kiện cho công tác xét hỏi và điều tra mở rộng chuyên án.
2. Phú Thọ giáp ranh với một số tỉnh vùng Tây Bắc, trong đó có nhiều tỉnh trọng điểm về ma tuý. Với vị trí địa lý và mạng lưới giao thông thuận lợi, nhiều đối tượng coi đây là mảnh đất màu mỡ để thực hiện hành vi phạm tội...
Chuyên án truy xét đấu tranh với đường dây mua bán trái phép chất ma túy do Đặng Minh Dịu (SN 1964, ĐKHK thôn Táo - xã Tuân Chính - huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc) cầm đầu cũng là một vụ án điển hình. Quá trình điều tra mở rộng vụ án cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ ra quyết định khởi tố đối với 36 bị can.
Trong số đó, phải kể đến trường hợp của Hoàng Văn Thanh là đối tượng mua và bán ma túy với Dịu và Nguyễn Thị Mai (ở xã Chu Minh - huyện Ba Vì - TP Hà Nội) kẻ mua ma túy của Dịu. Khi thực hiện lệnh bắt, Phòng PC 47 Công an tỉnh Phú Thọ chỉ có thông tin đối tượng tên là Thành cùng với anh trai làm nghề bán lẻ vật liệu xây dựng. Hàng ngày Thanh đi các địa phương tìm mua vật liệu để đem về bán, thời gian về là buổi trưa và buối tối...
Ban chuyên án đã phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Ba Vì - Hà Nội về địa phương nắm tình hình các ổ nhóm hoạt động mua bán trái phép chất ma túy... Ban Công an xã đã cung cấp các đối tượng cộm cán mua bán ma túy trong nhiều năm chưa bị bắt giữ xử lý, trong đó có Hoàng Văn Thanh.
Ngày 30-8-2012 ban chuyên án quyết định ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Hoàng Văn Thanh và Nguyễn Thị Mai...
Tại đây, họ gặp phải sự chống đối quyết liệt của đối tượng Mai và thân nhân trong gia đình. Những người này chửi bới, lăng mạ tổ công tác, không cho thi hành lệnh, họ cho rằng cơ quan điều tra ra lệnh bắt khám xét là oan sai, nhưng các lực lượng nghiệp vụ phối hợp đã kiên quyết thực hiện lệnh. Sau khi bắt, ban chuyên án quyết định cho các điều tra viên đấu tranh, xét hỏi ngay.
Đối tượng Mai lúc đầu luôn cho rằng bị bắt oan, trong những năm gần đây không làm gì vi phạm pháp luật, chỉ đến khi ddiều tra viên hỏi thẳng việc có quan hệ với Đặng Minh Dịu như thế nào, năm 2006 mua ma túy của Dịu ra sao thì Mai mới giật mình nói “việc đó lâu rồi sao các anh vẫn hỏi”, biết là đối tượng đã khuất phục, các ddiều tra viên hỏi liên tiếp, dồn dập buộc đối tượng phải thừa nhận vào tháng 4-2006 mua của Dịu 2 lần 6 chỉ heroin đem về bán cho Lê Thế Cường (43 tuổi, ở cùng xã)
Đối tượng Hoàng Văn Thanh lì lợm, có lúc lại tỏ ra ngây ngô khi hỏi về mối quan hệ với Dịu, Thanh trả lời không hề biết người có tên Dịu là ai, chưa bao giờ quen ai tên là Dịu.
Cho Thanh xem quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam và ảnh của Dịu, Thanh nhìn lắc đầu nói “thằng này nhìn đầu gấu lắm, cháu không quen”.
Trong quá trình xét hỏi tiếp theo các Điều tra viên đã vận dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để sau đó Thanh đã phải cúi đầu khai nhận: Từ năm 2007 đến khi bị bắt, được sự giúp sức của Phùng Văn Cường (43 tuổi); Phương Văn Thi (39 tuổi, đều ở xã Minh Châu - Ba Vì - Hà Nội). Thanh đã tham gia mua và bán tổng số 21 bánh, 3 cây, 2 chỉ, 5 phân và 7 gói heroin.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Phạm Trung Kiên cho biết: Trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án, các điều tra viên tự đặt câu hỏi cho mình để tìm ra câu giải đáp. Đối tượng không tự nhiên có ma tuý để bán, vận chuyển, sử dụng hoặc tổ chức sử dụng.v.v...; mà trước đó đều phải có hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý,... hoặc hành vi chiếm đoạt chất ma tuý.
Do vậy, sau khi bị bắt quả tang hoặc phát hiện thì đều phải được tiến hành điều tra mở rộng để làm rõ nguồn gốc cuối cùng của số chất ma tuý được phản ánh trong hồ sơ vụ án ...
Với những thành tích đã đạt được, Phòng PC 47 Công an tỉnh Phú Thọ nhiều năm qua luôn được Cục C 47, Bộ Công an đánh giá là đơn vị đấu tranh, mở rộng chuyên án rất thành công.