Ký ức xúc động của cán bộ Công an tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc
- Đảng, Nhà nước không bao giờ quên đồng bào, CBCS đã chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc
- Chủ tịch nước dâng hương tưởng nhớ liệt sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc
Trở về từ cuộc chiến, nhiều cán bộ Công an dù mang thương tật đầy mình vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên, nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, chiến đấu, bảo vệ an ninh trật tự và góp sức dựng xây quê hương, đất nước.
Bài 1: Người dân bản Dền Thắng đã sinh ra tôi lần thứ 2
Khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc, Thiếu tướng Lê Văn Bảy, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu lại về bản Dền Thắng, xã Giào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Bởi với anh, bản Dền Thắng đã trở thành nơi sinh ra anh lần thứ 2, là nơi anh đã từng sống và chiến đấu, giành giật từng tấc đất của Tổ quốc, bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước…
Tháng 10-1978, anh Bảy nhập ngũ và được tăng cường cho Công an tỉnh Lai Châu, biên chế Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động của Công an tỉnh. Môi trường rèn luyện khắc nghiệt, gian khổ càng tôi luyện bản lĩnh của chàng thanh niên xứ Nghệ.
Thiếu tướng Lê Văn Bảy chia sẻ với PV những kí ức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. |
Cũng ngay những ngày cuối năm 1978 ấy, tỉnh hình biên giới Việt- Trung ngày càng xấu đi, an ninh chính trị vùng biên trở nên bất ổn. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động của anh Bảy gấp rút luyện tập ở thao trường, huấn luyện quân sự võ thuật, đẩy mạnh công tác chính sách dân tộc, dân vận để đủ điều kiện phục vụ tình hình đang nóng dần ở biên giới.
Sau 4 tháng huấn luyện, ngày 17-2-1979, khi quân Trung Quốc tràn vào biên giới Việt Nam và xảy ra cuộc chiến khốc liệt. Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động của các anh được chia ra tăng cường về các xã biên giới để phối hợp với các đơn vị chủ lực, lực lượng Công an vừa chiến đấu, vận động nhân dân sơ tán để đảm bảo an toàn, vừa tổ chức bắt các toán thám báo. Lực lượng Công an cùng với các lực lượng vũ trang, dân quân các xã biên giới đã bám trụ, chiến đấu kiên cường, giành giật từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
… Sáng 6-3-1979, quân Trung Quốc đồng loạt tấn công vào Đồn Biên phòng Giào San. Chúng có hơn tiểu đoàn, dàn hàng ngang ồ ạt tấn công vào Đồn, trong khi tất cả lực lượng của ta ở đây chỉ có vẻn vẹn chưa đến 100 người. Lực lượng Cảnh sát cơ động của anh Bảy cùng với lực lượng Biên phòng phải chiến đấu không cân sức, giành giật nhau từng điểm cao trận địa.
Cả ngọn đồi C5 Giào San chìm trong lửa đạn, xác đối phương chết chồng lên nhau dưới khe cạn, nhưng chúng còn quá đông nên cứ tiếp tục tràn lên. Sau hơn 3 giờ dũng cảm chiến đấu, giành giật từng tấc đất với địch, các chiến sỹ của ta đã không còn đủ cơ số đạn để chống cự lại. Để bảo toàn lực lượng, các đơn vị có lệnh vừa chiến đấu, vừa lui về tuyến sau.
Nhưng ngay lúc đó, anh Bảy cùng 2 đồng đội là anh Nguyễn Cảnh Nguyên (nay là Trung tá, Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Lai Châu) và anh Nam (cùng tiểu đội) bị trúng loạt đạn của đối phương. Anh Bảy bị đạn bắn xuyên cả 2 đùi, anh Nguyên bị bắn vào cổ chân vỡ xương mác, anh Nam bị bắn vào bắp chân. Nghiến răng nén đau, cả ba anh tự băng bó và dìu nhau vào căn hầm của Trung tá Nguyễn Duy Linh- Cụm trưởng Cụm 1, Biên phòng. Anh Nam được đồng đội đưa đi trước, còn lại anh Bảy và anh Nguyên ở lại chờ mọi người lên cứu. Lúc đó, ở lại trong hầm, hai người chỉ còn 10 quả lựu đạn và 2 khẩu súng. Nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu. 9 quả lựu đạn đã được ném ra tiêu diệt một số tên địch ngay trước cửa hầm.
Phát hiện trong hầm có người, bọn địch đã tập trung bắn vào. May mắn là cửa hầm chữ chi nên các anh nằm sâu trong hầm được an toàn. Còn một quả lựu đạn, anh Bảy bảo anh Nguyên: “Dành lại cho chúng mình nếu chẳng may địch tràn được vào hầm, không để bị bắt sống”. Sau một hồi nã đạn vào hầm, nghĩ người trong hầm đã chết, bọn địch đã bắn B40 làm sập toàn bộ cửa hầm rồi bỏ đi…
Nửa đêm hôm đó, thấy trận địa đã yên ắng, lại vừa khát, vừa mất nhiều máu, anh Bảy và anh Nguyên quyết định mở cửa hầm chui ra. Chân thì bị thương chảy nhiều máu, họ chỉ còn đôi bàn tay không, vừa cào, vừa bới đất sang bên. Cũng khá lâu sau đó, khi cả 2 đôi bàn tay đã sưng vù, rớm máu thì lớp đất đá cuối cùng đã được chọc thủng.
Khi lỗ thủng chui vừa người, hai anh trườn ra, bò xuống khe suối uống nước. Cảm giác mát lạnh lan khắp cơ thể… Cố gắng nén đau nhúng vết thương xuống dòng suối để rửa sạch bụi bẩn, hai anh tự xé quần áo làm băng, xé mũ lấy bông làm gạc, băng bó cho nhau rồi bắt đầu hành trình đi tìm sự sống.
5 ngày, 6 đêm, hai anh lê lết trong rừng để tìm đường về với dân, với đồng đội. Khát uống nước suối, đói ăn lá me rừng cầm hơi, các vết thương bắt đầu nhiễm trùng nặng và thối rữa, gây đau nhức đến tận xương tủy… Có những lúc, các anh đuối sức đã ngất đi, nhưng tỉnh dậy, họ lại không thôi hy vọng về con đường sống. Họ lại bò, lết đi trong rừng để tìm ra những lối mòn về với bản làng.
“ Những giây phút cận kề với cái chết ấy, tôi đã nghĩ đến mẹ. Nước mắt mẹ đã cạn kiệt vì các anh tôi đã vĩnh viễn nằm lại ở mặt trận phía Nam. Nếu một lần nữa nhận thêm giấy báo tử của tôi, chắc mẹ tôi không thể sống nổi. Lúc đó, trong tôi chỉ có một khát vọng, một sự thôi thúc: Phải sống vì mẹ! ”- anh Bảy xúc động nhớ lại.
Và hình ảnh người mẹ một nắng hai sương nơi quê nhà, người mẹ đã phải chịu quá nhiều vất vả, đắng cay để nuôi các anh khôn lớn đã luôn ở phía trước, mỗi khi anh cảm thấy kiệt sức thì lại như được mẹ tiếp thêm sức mạnh, lời mẹ thì thầm: “Con phải sống để về với mẹ, con không thể nằm lại vĩnh viễn ở vùng biên này”, lại vực anh dậy.
Anh Bảy và anh Nguyên cứ thế, từng giờ từng phút giành giật sự sống với thần chết. Và may mắn đã đến với các anh vào đúng ngày thứ 6 lạc trong rừng! Hai anh được bố con anh Hạng A Thể cùng bà con dân bản Dền Thàng, xã Giào San, huyện Phong Thổ phát hiện và đưa về giấu trong hang đá để cứu chữa. Hàng ngày, gia đình anh Thể thay băng, cho thuốc uống, cho anh Bảy và anh Nguyên ăn, tìm mọi cách để báo về đơn vị là 2 anh vẫn còn sống, đang được nhân dân nuôi giấu.
Chiều 23-3-1979, anh Hạng A Thể dẫn đường đưa 2 đồng chí trinh sát thuộc tỉnh đội Lai Châu đến gặp anh Bảy và anh Nguyên… Ngày hôm sau, tiểu đội của anh Hoàng Khắc Sự lên gặp các anh. Anh em ôm nhau khóc… Rồi tiểu đội dùng võng khiêng hai anh từ suối Dền Thàng về trung tâm huyện Phong Thổ với quãng đường hơn 20km.
Rồi như duyên phận, cuộc đời và quá trình công tác của anh Lê Văn Bảy từ đó luôn gắn liền với mảnh đất biên cương quá nhiều kỷ niệm này. Giờ đây, trải qua 40 năm công tác và trưởng thành, với những đóng góp của mình cho ngành, cho đất nước, anh Lê Văn Bảy đã được phong hàm Thiếu tướng, giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu. Vết thương trên cơ thể đã mờ sẹo dần theo năm tháng nhưng kỷ niệm về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 luôn khắc ghi mãi trong trái tim anh.
Không chỉ là trận đánh khốc liệt, không chỉ là những giây phút cận kề cái chết, mà đó còn là tấm lòng của người dân biên giới, của gia đình anh Hạng A Thể và bà con bản Dền Thắng. “Cha mẹ tôi cho tôi nên vóc, nên hình. Đảng và lực lượng Công an cho tôi học hành khôn lớn. Nhưng gia đình anh Hạng A Thể và bà con dân bản là những người đã cho tôi cuộc đời thứ 2”- anh Bảy xúc động cho biết.
Và 40 năm qua, mỗi khi có dịp, anh Bảy lại về với gia đình anh Thể, về với bà con dân bản Dền Thàng, những người đã cưu mang cứu sống anh và đồng đội giữa lúc nguy nan nhất và cái chết cận kề. Anh và anh Nguyên đã trở thành những đứa con ruột thịt của gia đình anh Thể và là người con của bản. Đó là động lực mạnh mẽ để giúp anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm tháng công tác tại vùng biên cương này.