Đảng, Nhà nước không bao giờ quên đồng bào, CBCS đã chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Thứ Tư, 23/01/2019, 19:20
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh như vậy khi dự Gặp mặt Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, chiều 23-1, tại Hà Nội.

Cuộc gặp mặt ý nghĩa này do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và UBND TP. Hà Nội tổ chức, nhằm tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã có cống hiến to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tôn vinh, động viên, ghi nhận về những nỗ lực, phấn đấu vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng thương tật, vươn lên ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc gặp mặt 

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chúng ta không thể quên được thời khắc 40 năm về trước, sau Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc đã diễn ra khốc liệt, để lại những hậu quả vô cùng tàn khốc, hàng ngàn những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu của mình. 

Điều rất trăn trở hiện nay vẫn còn nhiều hài cốt của đồng bào, CBCS đang nằm lại trong những cánh rừng, trên núi cao, bờ sông, bờ suối nơi biên cương. Đặc biệt, tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi có hàng ngàn CBCS hy sinh nhưng công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt về các nghĩa trang vẫn gặp rất nhiều khó khăn do nhiều bom, mìn còn sót lại. 

“Đảng, Nhà nước và Nhân dân không bao giờ quên công lao của đồng bào, CBCS đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Xin được bày tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, gia đình liệt sỹ mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam” – Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Các đại biểu dự cuộc gặp mặt

Đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong những năm qua, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước ban hành đã có tác động to lớn, sâu rộng về chính trị, xã hội, được toàn dân, toàn quân hưởng ứng, trở thành tình cảm thiêng liêng trong đời sống xã hội. 

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng các công trình ghi công liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, thông báo phần mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sỹ đến thăm viếng, được hết sức quan tâm. 

Việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xác nhận người có công với cách mạng được triển khai quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công với cách mạng.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, dự buổi gặp mặt là những nhân chứng của lịch sử, những người lính đi qua nhiều cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt, vượt qua vô vàn khó khăn, phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, không những tự lực lo cuộc sống cho bản thân, gia đình, mà còn tham gia vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. 

Các đồng chí thương binh Công an, thân nhân liệt sỹ trong lực lượng CAND dự cuộc gặp mặt

Chúng ta bày tỏ lòng khâm phục và tự hào đối với các đồng chí thương binh, bệnh binh tuy mang thương tật trên mình nhưng cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của Nhân dân, đã không ngừng phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, lao động sản xuất, nâng cao đời sống gia đình và góp sức xây dựng quê hương, đất nước. 

“Chúng ta cũng vô cùng xúc động đối với các thân nhân liệt sỹ đã vượt qua sự mất mát, tần tảo một nắng, hai sương, nêu gương sáng cho thế hệ con cháu. Nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và con, em các đồng chí đã vươn lên trong cuộc sống, thành đạt trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, thực sự là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn mong muốn Bộ LĐ,TB&XH cùng các ban, bộ, ngành, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức và cấp ủy, chính quyền các các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về thành quả của sự nghiệp cách mạng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả các chính sách ưu đãi. 

Rà soát lại từng trường hợp cụ thể để giải quyết bổ sung những chính sách, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi người có công theo quy định của pháp luật. 

Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định và nâng cao đời sống và đặc biệt là khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, giải quyết tồn đọng sau chiến tranh.

Thiếu tướng Lê Văn Bảy, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu: “Tôi đặc biệt ghi ơn nhân dân biên giới đã cưu mang, sinh ra tôi lần thứ hai”

Tôi rất cảm động khi được dự cuộc gặp mặt thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến những người đã có công trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. 

Năm 1978, rời ghế nhà trường ở Nghệ An tôi tăng cường cho Lai Châu. Lúc này Công an tỉnh Lai Châu thành lập Tiểu đoàn CSCĐ, tôi được huấn luyện trong vòng 4 tháng. Đến 17-2-1979 xảy ra chiến sự thì tôi được cử đi các huyện biên giới của tỉnh, có nhiệm vụ cùng lực lượng biên phòng tổ chức nhân dân sơ tán, bắt thám báo, phản động nội địa. Sáng 6-3-1979, tiểu đội của chúng tôi cùng với Công an vũ trang bị hơn 1 tiểu đoàn của phía địch bao vây ở đồn 5, chiến đấu liên tục trong 3 tiếng đồng hồ. Tôi và một số đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Cảnh Nguyên bị thương, riêng tôi bị địch bắn xuyên 2 chân. 

Khi có lệnh rút để đảm bảo an toàn lực lượng, tôi và đồng chí Nguyên bị thương nặng, không di chuyển được nên nằm lại trong hầm, nửa đêm mới moi hầm chui ra, lê lết trong rừng 5 ngày, 6 đêm, nhịn đói nhịn khát… Sau đó chúng tôi được bà con người H’mông ở đó đưa về nuôi giấu ở hang đá, nửa tháng sau vết thương lành thì đơn vị lên tìm và đưa về. Sau cuộc chiến, tôi trở về Lai Châu công tác, cố gắng học tập, chiến đấu, tiếp tục bảo vệ biên giới của Tổ quốc và đến nay đã là Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh. Tôi đặc biệt ghi ơn nhân dân biên giới, vì bố mẹ sinh tôi ra, Đảng và Nhà nước dạy dỗ tôi nhưng chính nhân dân biên giới đã cưu mang, sinh ra tôi lần thứ hai, nuôi sống, giúp đỡ tôi trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.


Thiếu tướng Lê Văn Bảy

Thượng tá Trần Đức Cả, Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình: “Chúng tôi tự nhủ lòng, phải xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh”

Tôi tham gia chiến đấu tại mặt trận Lạng Sơn từ tháng 2-1979 và chốt giữ biên giới, đến năm 1995 trở lại Quân khu 4. Ngày 17-2-1979, giặc ngoại xâm bắt đầu cho quân đánh toàn tuyến biên giới phía Bắc gồm có 6 tỉnh, trong đó mặt trận Lạng Sơn rất ác liệt. 

Ngày 18-2, Sư đoàn của tôi khi đó đang đóng quân tại Nghệ An được lệnh nhanh chóng ra tăng cường và ngày 23-2 trực tiếp chiến đấu. Trong quá trình đó, là chiến sĩ công binh, ngày tôi làm công trình công sự cho Trung đoàn, đêm lên thiết kế công sự phía trước cho bộ đội, bộ binh đánh chặn tại cầu Định Khê. Đến năm 1986, chúng tôi lui quân về phía sau. Trong cuộc kháng chiến ác liệt đó, điều mà tôi còn day dứt là hơn 100 CBCS hy sinh ở bình độ 400 chưa tìm thấy thi thể. Pháo giặc nã vào đồi khiến thân thể đồng đội tan nát hết, các anh đã nằm lại mảnh đất ấy 40 năm qua. 

Chúng tôi mong Đảng, Nhà nước có giải pháp tìm được thi thể của các đồng đội, ghi công, quan tâm đến những CBCS đã hi sinh. Những người may mắn sống sót trở về về với đời thường như tôi tự nhủ lòng, đã là cựu chiến binh thì phải xứng đáng với những người đồng đội đã hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và dạy dỗ con cháu của mình sau này noi theo.

Thượng tá Trần Đức Cả chia sẻ với phóng viên Báo CAND

Cựu chiến binh Hoàng Văn Chương ở Hoàng Su Phì, Hà Giang: “Tôi rất tự hào được đóng góp một phần xương máu trong cuộc chiến”

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông rất nghèo. Năm 1979 tôi xung phong đi bộ đội và tham gia vào lực lượng Công an vũ trang tỉnh Hà Tuyên, tham gia bảo vệ đường biên mốc 10, xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì (nay là huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang-PV).

Năm 1980 tôi được phân công lên Đồn Biên phòng Thàng Tín, trong một lần tham gia nhiệm vụ thì bị thương toàn thân, chấn thương sọ não, gãy tay trái vì mìn của địch. Sau đó tôi trở về địa phương, tham gia lực lượng dân quân tự vệ tại quê nhà, xã Tụ Nhân. Năm 1994, gia đình chuyển ra thị trấn Vinh Quang thì từ năm 1998-2008 tôi làm Công an viên của thị trấn, tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương cũng như góp phần bảo vệ biên giới.

Tôi rất vinh dự, tự hào vì được tham gia cuộc gặp mặt, cũng như bản thân mình đã đóng góp một phần xương máu trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Hiện tại công tác trong lĩnh vực xây dựng nhưng tôi luôn cùng với bà con chòm xóm làm tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ, xây dựng cộng đồng…
Cựu chiến binh Hoàng Văn Chương

A.Quỳnh - T.Vy

Q.Vinh - P.Hoạt - X.Trường
.
.
.