Kỳ I: Quyết tâm bảo vệ hòa bình
- Xây dựng Khu tưởng niệm nữ Liệt sĩ - Anh hùng Út Tịch
- Quảng Nam: Tìm thấy mộ phần một nữ liệt sĩ An ninh
- Nữ liệt sĩ – Anh hùng LLVT Mai Thị Du: Người cán bộ liên lạc kiên trung
- Tình mẫu tử muộn màng - Sau 36 năm, một nữ liệt sĩ được có con nuôi
Hôm về Kiên Giang, chúng tôi được nghe kể về nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Quyên. Trước lúc hy sinh ở tuổi 37, chị đã nêu cao tinh thần của phụ nữ Nam bộ - anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đam...
Một ngày gần cuối tháng 8-2016, chúng tôi tìm về Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Theo lời các cụ cao niên, thời Pháp thuộc, Tân Hiệp bao gồm làng Tân Hội, một phần làng Mong Thọ (nay thuộc huyện Châu Thành) và một phần làng Thạnh Hòa (huyện Giồng Riềng) lúc bấy giờ cùng thuộc tỉnh Rạch Giá. Những năm 20 của thế kỷ XX, thực dân Pháp lập làng Tân Hiệp thuộc quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá trên cơ sở tách đất từ các làng Tân Hội và Mong Thọ.
Ông Nguyễn Vệ bên mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Quyên (tức Tư Tâm, hiện vẫn chưa tìm thấy hài cốt). |
Về sau, lại lập thêm làng Thạnh Đông trên cơ sở tách đất từ làng Thạnh Hòa. Khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ XX, Tân Hiệp trở thành quận với các làng trực thuộc: Tân Hiệp, Tân Hội, Thạnh Đông; quận lỵ đặt tại Tân Hiệp vốn là nơi đặt quận lỵ.
Năm 1954, đông đảo đồng bào miền Bắc, phần lớn là theo đạo Thiên chúa đã di cư vào miền Nam và đến đây lập nghiệp, sinh sống. Năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên Tân Hiệp cũ thành quận Kiên Tân. Cho tới 1970, Kiên Tân gồm 5 xã: Giục Tượng, Mong Thọ, Tân Hiệp, Tân Hội và Thạnh Đông. Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) vẫn duy trì tên gọi vùng đất này là huyện Tân Hiệp, tỉnh Rạch Giá cho đến đầu năm 1976; khi đó, Tân Hiệp gồm 3 xã: Tân Hiệp, Tân Hội và Thạnh Đông…
Tại nghĩa trang liệt sĩ huyện nằm cạnh QL80, chúng tôi gặp ông Nguyễn Vệ. Năm nay 81 tuổi, nhưng ông vẫn làm tốt công việc quản lý nhà truyền thống nằm trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ huyện; cần mẫn quét dọn, chăm sóc cho từng phần mộ của các liệt sĩ như đó chính là phần mộ những người thân của mình.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nghĩa trang, ông Vệ cho biết nơi đây có 478 mộ, trong đó liệt sĩ vô danh, liệt sĩ có tên nhưng chưa tìm thấy hài cốt là 208. Dừng lại trước mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Quyên, bí danh Tư Tâm (SN 1930, nguyên Bí thư Chi bộ xã Thạnh Đông và Mong Thọ, hy sinh năm 1967), ông Vệ cho biết: “Chị Tư Tâm có mộ ở đây nhưng hài cốt thì chưa tìm thấy”.
Ông Vệ kể ông cũng từng là đồng đội cùng hoạt động cách mạng với liệt sĩ Nguyễn Thị Quyên. Thế nhưng, để có nhiều thông tin về nữ liệt sĩ này, ông khuyên chúng tôi nên tìm đến một người đang còn sống, minh mẫn để nghe người này kể thêm bởi “người này từng là thủ trưởng, người dẫn dắt chị Tư Tâm đi làm cách mạng”.
Quay trở về TP biển Rạch Giá, chúng tôi đến nhà bà Võ Thị Liễu, 84 tuổi. Trước lúc về hưu, bà từng là Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang; còn thời kháng chiến chống Mỹ, bà là Phó Bí thư Huyện ủy Tân Hiệp.
Dòng ký ức của bà như cuộn trào khi nghe chúng tôi gợi mở chuyện hoạt động cách mạng thời mưa bom, bão đạn cách nay hơn 50 năm, bà kể giữa năm 1960, khi tôi đang làm Bí thư xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng thì được Tỉnh uỷ cử đi học lớp chính trị Hoàng Văn Thụ của Khu uỷ và được phân công về Tân Hiệp, làm Phó Bí thư Huyện uỷ.
Sống trong những căn hầm bí mật, len lỏi trong nhà dân, bà chú ý đến chị Quyên - một phụ nữ nông dân hiền lành, gia đình rất nghèo, đang nuôi hai con nhỏ, không có chồng ở nhà. Sự nhạy cảm cùng với kinh nghiệm của người phụ nữ làm cán bộ phong trào và đoàn thể giúp bà xác định được đây là cơ sở đầu tiên mình cần xây dựng.
Bà Võ Thị Liễu trò chuyện với PV. |
“Chị ấy lớn hơn tôi 2 tuổi. Lúc mới quen, chị còn dè dặt, chỉ kể chung chung với tôi là chồng đi làm ăn xa. Khi đã hiểu và tin lẫn nhau, xem như hai chị em, chị trút hết nỗi lòng của mình. Chị Quyên kể cha chị bị giặc Pháp bắn chết năm 1947. Chồng chị - anh Bùi Quang Trọng (sau này là Phó Cục trưởng Cục Quản trị, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an – PV) là bộ đội địa phương tập kết ra Bắc năm 1954, chị một mình lam lũ nuôi hai con thơ.
Bấy lâu sống trong sự kìm kẹp gắt gao của giặc, với những chiến dịch “tố Cộng”, “diệt Cộng”, giấu biệt tung tích mình nhưng chị vẫn luôn khát khao gặp được người của cách mạng. Nên khi gặp tôi, chị mừng mừng, tủi tủi.
Giữa tháng 6-1960, nghe tôi giao nhiệm vụ làm giao liên mật cho ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Đông (nay là xã Thạnh Đông B) với cơ sở của cách mạng, chị ôm chặt lấy tôi khóc òa vì sung sướng. Đó cũng là lúc chị ấy trở thành người của cách mạng”.
“Tôi nắm chặt tay chị mà thấy lòng ấp áp giữa một “vùng trắng” đầy đau thương, mất mát, cái chết luôn rình rập và có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chính chị Quyên đã cho tôi thêm sức mạnh để đứng giữa vùng Tân Hiệp này”, bà Năm Liễu kể tiếp. Để nhớ giây phút thiêng liêng đó, bà cắt miếng giấy nhuộm màu đỏ thành hình chữ nhật và cắt hình búa liềm dán lên miếng giấy đó rồi giải thích với “cơ sở mới” của mình: “Đây là lá cờ Đảng. Lá cờ được cắt bằng giấy, nếu có giặc ập đến bất ngờ, chị có thể vò nát và nuốt được”.
Lá cờ Đảng sau đó được chị Quyên treo trên vách mùng, trong căn nhà lá nhỏ của mình. Cả hai người cùng đứng trang nghiêm dưới cờ. Phó Bí thư Huyện ủy Võ Thị Liễu đại diện cấp trên giao nhiệm vụ; còn chị Quyên là cơ sở nhận nhiệm vụ, giơ nắm tay thề: “Dưới cờ Đảng, xin thề một lòng thuỷ chung, son sắt với cách mạng”.
Sau giây phút thiêng liêng ấy, chị Quyên áp lá cờ Đảng vào ngực, tim đập rộn ràng, xúc động bộc bạch với đồng chí Năm Liễu bằng giọng chân tình, mộc mạc: “Tôi sống cơ cực từ nhỏ, gia đình nghèo lắm, phải đi ở đợ cho địa chủ. Tôi không được học hành nên không biết chữ. Nhưng nay được cách mạng tin tưởng, giao nhiệm vụ, tôi nguyện sẽ làm hết sức của mình. Tôi không sợ gian khổ, không sợ chết, không khai báo khi bị giặc bắt”.
Theo lời bà Năm Liễu, công việc hàng ngày của chị Quyên là nắm chặt tình hình địch, liên lạc kịp thời với các cơ sở mật trong ấp, rồi báo cáo với tổ chức ở căn cứ mật trong xã Thạnh Đông để xã báo lên Huyện uỷ. Khi đó, cán bộ do Tỉnh uỷ cử xuống xây dựng phong trào ở vùng này phải ở trong hầm bí mật, ở ngoài bờ ruộng, bờ lung rậm rạp, vô cùng vất vả và gian khổ.
Để tránh bị địch phát hiện, hằng ngày, chị Quyên vẫn giữ nếp công việc thường ngày là đi làm đồng, kết hợp mua gánh bán bưng; khi thời điểm thuận lợi nhất thì liên lạc với các cơ sở. Chị thật sự cảm thấy yêu công việc hơn bởi mỗi lần gặp cán bộ ở cơ sở mật, chị được dạy học chữ. “Chị Quyên tranh thủ mọi thời giờ để học. Chị nói, nếu tôi không biết chữ thì làm sao tôi làm được việc phục vụ cho cách mạng. Lúc đọc và viết được chữ, chị khóc vì mừng quá” - bà Năm Liễu nhớ lại.
Cuối năm 1960, chị Nguyễn Thị Quyên được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được mang bí danh là Tư Tâm. Vào thời điểm đó, huyện Tân Hiệp có một số quần chúng khi được giác ngộ, tham gia cách mạng, cũng lấy tên bí danh. Tên chị cùng tên một số đồng chí được đặt, ráp lại thành khẩu hiệu: “Quyết - Tâm - Bảo - Vệ - Hòa - Bình”.